MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Du học sinh Việt bại não được vinh danh người hùng thầm lặng tại Mỹ nhờ lòng tốt và lối sống truyền cảm hứng

25-05-2017 - 09:48 AM | Sống

Sự mạnh mẽ và trí tuệ của Chánh Quân khiến người đối diện tin rằng bại não chỉ làm khó chàng trai trẻ nhưng mãi mãi không khuất phục được cậu. Quân luôn nghĩ đến việc giúp đỡ người khác thay vì đòi hỏi cộng đồng quan tâm tới mình. "Tôi không qua Mỹ để xin niềm thương hại", 9X từng phát biểu.

"Đập nát trời cao, chim khát lượn,

Phá tan đáy biển, thèm cá bơi...

Khi nào trai ngọc tan trong nước,

Lúc đó tim tôi lạnh với đời".

Quân đã vẽ mình rắn rỏi như thế trong những vần thơ mềm mại đăng trên blog cá nhân có tên "Chim cánh cụt đất Việt" của cậu.

Chánh Quân, thứ 2 từ trái qua.
Chánh Quân, thứ 2 từ trái qua.

Ngày 20/4 vừa qua, "Chim cánh cụt đất Việt" được trường Georgia Gwinnett College (GGC) bang Georgia, Mỹ trao danh hiệu "Unsung hero" (Người hùng thầm lặng). Tin vui này khiến những người yêu mến cậu hạnh phúc nức lòng.

Trần Mạnh Chánh Quân (sinh năm 1992, tại Vũng Tàu) mắc hội chứng bại não từ khi mới lọt lòng mẹ. Như bao đứa trẻ lớn lên với khuyết tật sinh bẩm sinh, chàng trai từng bất lực trong việc bắt chân, tay phải nghe theo ý mình, miệng nói không vành rõ chữ, đôi bàn tay yếu đến nỗi chẳng thể cầm viết...

Vượt lên nghịch cảnh, Quân khiến nhiều người khâm phục khi đậu vào trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Vũng Tàu) niên khóa 2007 - 2010 với số điểm môn chuyên gần như tuyệt đối, đoạt giải học sinh giỏi Tin học toàn quốc. Năm 2013, Quân được trường GGC (Mỹ) cấp học bổng 50%. Hiện, cậu là sinh viên năm cuối ngành Công nghệ Thông tin, Toán tại Mỹ.

"Theo thông tin từ nhà trường, bài báo viết về mình trên tạp chí Engage magazine chi nhánh tại trường GGC đã truyền được cảm hứng cho rất nhiều người. Ngoài ra, mình cũng được biết đến là sinh viên có khả năng lập trình khá tốt, sẵn sàng giúp đỡ các sinh viên khác khi cần. Mình nghĩ đây mới chính là điều khiến mình nổi bật trong số các sinh viên ở đây", Quân chia sẻ lý do mình được vinh danh "Unsung hero" tại trường học.

Quân ngồi xe lăn đến trường lãnh danh hiệu "hero". Khi thấy ống kính máy ảnh hướng về phía mình, cậu bạn nở nụ cười tươi rói, nheo hết hai mắt theo cách không đụng hàng.


Bài báo viết về Quân đã truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ Mỹ.

Bài báo viết về Quân đã truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ Mỹ.

Trước khi trở thành người hùng, ai cũng là những con người hết sức bình thường. Quân thậm chí từng không đứng ở vạch xuất phát như bao người, cậu lùi về phía sau với hội chứng bại não bẩm sinh cùng muôn vàn những hạn chế về thể chất. Trước mắt cậu là một hành trình dài nhiều khó nhọc mà nhiều người đã bỏ cuộc.

Nếu bạn biết, trong quá khứ, Quân từng bắt mẹ trói chân để tập đánh máy bằng tay ở trường, hay quyết leo 1.000 bậc thang lên núi Tao Phùng (bãi Sau TP Vũng Tàu) để chứng minh với thầy cô mình đủ sức khỏe tham gia kỳ thi Học sinh giỏi Cấp quốc gia năm học 2009 - 2010... thì bạn sẽ hiểu, dũng khí biến mình từ "zero" thành "hero" của chàng trai Việt lớn đến thế nào.

Trong suốt những năm cấp 3 ở trường chuyên Lê Quý Đôn (Vũng Tàu), Quân gắn bó và dành nhiều tình cảm cho cô Phạm Thị Nhung, cựu giáo viên Ngữ Văn của trường. Cậu bạn gọi cô giáo là "người thầy vĩ đại nhất" của mình. Quân kể về cô bằng tất cả sự kính trọng của trò dành cho thầy và cũng chan chứa tình thương như con dành cho mẹ.

Cô Nhung là người đã kiên quyết đứng ra bảo lãnh Quân ở lại trường chuyên năm ấy, khi có ý kiến bàn rằng nên đưa cậu học trò khuyết tật về quê để bố mẹ chăm sóc và cũng có hàm ý rằng điều này sẽ làm cho gương mặt nhà trường đẹp đẽ hơn.

"Cái đặc biệt của Chánh Quân là ở chỗ em rất ham muốn hòa nhập với mọi người nhưng chân không đi được, tay không cầm vững, tiếng nói không rõ ràng. Trong những ngày chào cờ hay đại lễ của trường, Quân không ngồi cùng bạn bè được nên em ra ngồi dưới chân cột cờ. Ngồi dưới chân cột cờ như vậy gây mất thẩm mỹ của nhà trường. Một số người nhìn thấy thế có vẻ không vui, bất bình nhưng tôi thì lại đau xót vô ngần. Nhớ có lần họp hội đồng nhà trường, có ý kiến nói rằng nên đưa em về quê.

Lúc ấy, tôi vừa khóc vừa nói thẳng quan điểm: Các anh các chị cứ nghĩ mình có đứa con, đứa em như Quân khi mà nó chẳng còn điều gì hạnh phúc hơn là được vào học ở trường chuyên, thì các anh chị nghĩ gì mà làm vậy? Tôi bảo lãnh cho em ấy!".

Nhờ tiếng nói xuất phát từ trái tim của cô Nhung, Quân được giữ lại trường. Sau này, Quân sang Mỹ du học rồi về thăm cô mới được cô kể cho nghe chuyện này.

Giọng cô Nhung tràn ngập thương yêu: "Bởi có lẽ từ trong máu thịt mình thương nó thì nó thương mình thôi".

Khi hay tin Quân được vinh danh "Người hùng thầm lặng" tại Mỹ, cô Nhung hạnh phúc tựa như niềm vinh dự của chính con đẻ mình. Nhìn Quân rạng rỡ trong tấm áo cử nhân trường Mỹ, cô Nhung không sao quên được hình ảnh của cậu học trò lớp 9 lần đầu đến gặp cô xin học luyện thi năm nào, càng không thể quên được phản ứng của Quân khi bị cô từ chối giảng dạy.

"Tôi với Quân như một cái duyên. Em ở tít trên huyện còn tôi thì dạy Văn cho học sinh cấp 3 ở trường chuyên thành phố. Hồi giờ, tôi chưa dạy cấp 2. Em đến xin học tôi năm lớp 9. Nhìn thấy Quân nói không rõ, tay cầm không vững, chân đi lại rất khó khăn, tôi từ chối dạy.

Khi đó, em nhìn đôi bằng đôi mắt như có nước, anh mắt ấy đến giờ vẫn ám ảnh tôi, Quân nói đầy khó nhọc: Mọi người được học cô mà tại sao con không được học cô?", cô Nhung kể.

Nếu muốn trở thành học trò của cô Nhung, Quân phải đáp ứng 3 điều kiện. Thứ nhất, Quân phải phải đợi cô soạn giáo án vì cô chưa dậy cấp 2 bao giờ, thành ra nó sẽ lỗ mỗ chứ không thể thuần thục như khi luyện thi cho cấp 3. Quân chấp nhận. Thứ 2, Quân phải học theo thời gian của cô Nhung vì cô dạy thi cho học sinh cấp 3 lên đại học, lịch có sẵn rồi lúc nào chèn được thì mới đến lượt Quân học. Quân cũng đồng ý. Cậu nói: "Cô dạy đến 9h30 đêm con đến học vẫn được!". Điều kiện thứ 3 của cô Nhung dành cho Quân chính đó là: "Nếu gia đình em đóng học phí cho tôi, tôi không dạy".

Cô Nhung giải thích quyết định này: "Lúc đó, tôi biết gia đình hay đưa em sang Singapore để chữa bệnh. Tôi thấy mình không làm được gì nhiều cho em nhưng tôi coi việc mình dạy em miễn phí là góp cho em viên thuốc, có thể là nửa hay 1/4 thôi cũng được".

Quân chấp thuận và trở thành học trò của cô Nhung.

Nhờ sự dạy bảo tận tình của cô giáo nhiều năm kinh nghiệm và tinh thần ham học của Quân, cậu đỗ vào lớp 10 chuyên Tin trường THPT chuyên Lê quý Đôn với số điểm môn chuyên 9,5 điểm và môn Văn 6,5 điểm. Cô và trò rất mừng với kết quả này.

Quân lẽo đẽo theo cô Nhung học văn từ lớp 10 đến lớp 12. Nhiều lần thấy Quân đi lại khó khăn, cô Nhung khuyên: "Em cứ về đi, điểm Văn của em ở trường chuyên thì tôi sẽ lo".

Quân nhìn cô giáo Nhung bằng cái nhìn bất thường, không đồng tình và có đôi chút thất vọng. Cậu đáp: "Con đến đây học Văn không phải để con lấy điểm, con học Văn để học cách làm người từ cô". Cô Nhung ôm chầm lấy Quân sau câu nói đó. Cô nói: "Cô xin lỗi, cô không nghĩ là như thế bởi con muốn làm người con đã làm rất tốt trong cuộc đời này, con rất xứng đáng".

Kể từ giây phút ấy, cô Nhung luôn lấy Trần Mạnh Chánh Quân là tấm gương sáng để các học sinh khác soi mình vào: "Các em thấy không, bạn Quân là một nghị lực sống, một bản lĩnh phi thường. Quân là một người không nói được mà vẫn muốn nói, một người không thể viết nhưng vẫn nỗ lực ghi lại kiến thức bằng tất cả mọi cách. Cô cho đó là một nghị lực rất cao quý mà không mấy người có được!".

Tháng 11/2016, "gã khổng lồ" Google gọi Quân nộp hồ sơ dự tuyển nhân viên làm việc toàn thời gian. Sau nhiều vòng phỏng vấn, đến nay, Google chưa cho cậu phản hồi đánh giá chi tiết cụ thể. Chuyến đi đến Google với Quân là một cuộc phiêu lưu thú vị và đáng nhớ. Quân bảo, nếu Google không chọn mình thì mình cũng không mất mát gì mà lại học hỏi thêm được nhiều. Cậu vẫn nghĩ đây là một kinh nghiệm hữu ích cho mình.

Trong thời gian học tại trường GGC, Quân là sinh viên xuất sắc được trường chọn tham gia các cuộc thi của Hiệp hội Chuyên ngành Công nghệ thông tin (AITP).

9X tham gia rất nhiêu cuộc thi online như Codeforces hay Topcoder. Tuy thành tích online không cao nhưng tham gia thường xuyên các kỳ thi giúp Quân rèn luyện kỹ năng giải quyết tình huống khá tốt. Đây là tiền đề để cậu tự tin hơn khi tham gia các cuộc thi khác như AITP NCC hay ACM và giành được thứ hạng cao hơn.

Quân trong màu áo cử nhân trường Georgia Gwinnett College.
Quân trong màu áo cử nhân trường Georgia Gwinnett College.

Quân đam mê thuật toán, cũng như giải thuật lập trình. Môi trường làm việc lý tưởng mà chàng trai Việt hướng đến khi ra trường là một nơi cho cậu theo đuổi và phát huy được đam mê của mình. Nhưng trước tiên, Quân muốn trở thành một lập trình viên tốt đã!

Đi được một chặng đường khá dài song Quân luôn khiêm tốn khi nói về chính mình. Cậu bảo: "Hiện tại mình vẫn chưa tốt đâu, bản thân vẫn còn nhiều điều cần cải thiện nữa. Mình biết rất nhiều nhân vật "máu mặt" trong làng IT cả trong và ngoài nước. So với họ, mình còn phải cố gắng rất nhiều!".

Khi được hỏi: "Hiện tại thể lực của anh như thế nào? Những vấn đề về sức khỏe có bao giờ là hòn đá cản chân anh đi đến phía trước?", Quân trầm ngâm: "Sức khỏe của mình không nhiều, nhưng hiện tại thì chắc cũng đủ sống qua ngày".

"Là một người hùng đặc biệt, có bao giờ Quân thấy ai đó nhìn mình bằng ánh mắt ái ngại hay chua đủ tin tưởng?".

Quân trả lời thành thật rằng: "Tất nhiên là có, vẫn có những người lạ như thế, nhưng không nhiều. Mình thấy điều đó cũng không quan trọng lắm. Mình chỉ giúp đỡ những người cần đến mình, chứ không có mục tiêu thành thần tượng của hết 9 tỷ người trên hành tinh này".

Khi du học Mỹ, Quân luôn nghĩ đến việc giúp đỡ người khác thay vì đòi hỏi cộng đồng quan tâm tới mình. "Tôi không qua Mỹ để xin niềm thương hại", 9X từng phát biểu như thế.

Gia đình sát cánh bên Quân trong suốt thời gian cậu du học Mỹ.
Gia đình sát cánh bên Quân trong suốt thời gian cậu du học Mỹ.

Cũng như bao bạn trẻ khác, đời sống du học với Quân còn nhiều khó khăn. Khó khăn thường trực và kinh điển nhất với cậu bạn là những ngày trời mưa, gió lạnh buốt phải đến trường trên chiếc xe lăn hay khi quá bận bịu với lịch thi cử, chạy đua với deadline đề tài nghiên cứu... không ít lần Quân phải nhịn đói cho qua bữa.

"Những đợt mưa ở đây kéo dài khá lâu. Mình hay mang ô theo người nhưng đôi khi cũng quên. Sợ nhất không phải là mưa mà là gió. Chỉ cần trở gió một chút thôi thì dù cho có mang ô cũng thành như không. Nhiều lần, ô mình bị tốc giữa trời gió lớn, gió luồn đến chỗ nào là buốt chỗ ấy. Cảnh tượng một tay mình cầm chiếc ô bị gió tốc tơi tả giữa trời mưa, tay còn lại điều khiển xe không dừng lại được chỉ biết cắm đầu mà chạy... thường xuyên diễn ra vào mùa đông. Có khi mình bực quá vứt luôn chiếc ô đi về đến nhà ướt như chuột. Lạnh không sao nhưng chỉ sợ laptop hỏng rồi lại mất dữ liệu thì thành thảm hoạ", Quân kể.

Vừa ướt, vừa mệt lại thường xuyên đối mặt với mọi điều khó khăn giữa mùa đông xa xứ một mình, nhiều lần Quân chỉ chực ngã gục. Những lúc như thế, cậu tự thì thầm với chính mình: "Nhiêu đây thôi thì mình chưa chết nổi đâu" và lại tiếp tục cố gắng.

Khép lại cuộc trò chuyện với Trần Mạnh Chánh Quân, người hùng thầm lặng của trường GGC, chúng tôi hỏi cậu: "Lớn lên với những khuyết tật bẩm sinh, động lực nào để có một Chánh Quân ở hiện tại?".

Quân trả lời một câu ngắn gọn nhưng cũng trọn vẹn mọi ý nghĩa: "Chính là bởi vì mình sở hữu khuyết tật bẩm sinh".

"Mình đã sở hữu được cái vốn liếng khác người ta, thì càng phải cho ra kết quả khác người. Với hoàn cảnh hiện tại, mình không còn gì oán trách hoàn cảnh. Mình xem mình là một con người đúng nghĩa và sở hữu thêm "khuyết tật" thôi. Chẳng ai là hoàn hảo cả nên chẳng có gì phải phải buồn khi mình cũng thế. Động lực là mình có thêm cái khác người mà thôi!", Quân khẳng định.

Theo Lê Ái

Trí thức trẻ

Trở lên trên