Du học về nước lương 7 triệu không làm: Bạn "định giá" bản thân thế nào mà cho rằng mình xứng đáng nhận gấp đôi, gấp ba?
Những người đi du học về và chấp nhận một mức lương không cao như kỳ vọng, lý do không phải vì họ buông xuôi hay chấp nhận. Đơn giản vì họ biết định giá bản thân cũng như nhìn thấy những giá trị khác trong công việc.
- 29-08-2019Việc lương cao không nuôi kẻ thích nhàn hạ, sinh viên mà không có chí tiến thủ đừng mong tương lai tươi sáng!
- 28-08-2019Không phải thành tích học tập, đây mới là việc có thể quyết định thành bại cả đời con trẻ
- 28-08-2019Đã có biết bao người nửa đời, cuối đời hốt hoảng: "Tại sao tôi lại đốt cả tuổi thanh xuân của mình vào những công việc không tên?"
Bỏ ra một khoản tiền khổng lồ sau nhiều năm du học, bỏ ra cả thời thanh xuân của bản thân để tiếp thu tinh hoa ở nước ngoài, vậy nên khi trở về nước, du học sinh nào cũng mong muốn nhận được mức lương xứng đáng, thậm chí được các nhà tuyển dụng trải thảm đỏ mời đến làm. Nhưng, thị trường lao động cạnh tranh đầy khốc liệt và biến động không ngừng ở Việt Nam đã như "tạt một gáo nước lạnh" vào những du học sinh Việt. Chuyện gì xảy ra khi du học về nước, bằng cấp này nọ đủ cả mà mức lương vẫn chỉ quanh quẩn 7, 8 triệu đồng/tháng thay vì hàng nghìn USD như kỳ vọng?
Chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết của một cựu du học sinh Anh Quốc - Lê Phương Thảo - Thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh ngành hàng cao cấp tại Regent’s University London. Học ngành hot, bằng cấp cao nhưng hiện tại, Thảo vẫn chấp nhận làm việc ở một công ty với mức lương khởi điểm không quá cao. Câu chuyện người thật việc thật về mức lương 7 triệu của một du học sinh về nước này sẽ khiến nhiều bạn đang mộng mơ phải thức tỉnh.
Ở nước ngoài đi làm thêm lương 25 triệu, về nước lương khởi điểm 7 triệu/tháng?
Trở về Việt Nam, mình biết rất nhiều bạn bất mãn với thị trường tuyển dụng cũng như mức lương mà họ nhận được. Lý do thứ nhất, du học sinh yêu cầu nhận mức lương cơ bản cao so với giá trị tiền Việt Nam. Họ lấy quy chuẩn ở nước nào áp vào trong nước. Ví dụ, ở châu Âu, sinh viên Việt Nam có thể dễ dàng nhận được mức lương khoảng 15-25triệu/1 tháng nếu đi làm part-time. Mức lương này tuy chỉ thấp cơ bản, không hề nổi trội tại nước ngoài nhưng lại khá cao so với tưởng tượng của nhiều du học sinh khi so sánh với giá trị tiền của Việt Nam. Đi làm thêm ở bên kia lương 15-25triệu/1 tháng, về nước nhận lương khởi điểm 7 triệu/tháng, không chán nản và bất mãn sao được.
Lý do thứ hai, ai cũng biết, du học là một khoản đầu tư khó và lớn. Chi phí du học nước ngoài không hề rẻ. Đối với nhiều gia đình nó còn là quá sức, vượt qua khỏi tầm kiểm soát và khả năng kinh tế khiến bố mẹ phải vay mượn cho khoản "đầu tư lớn" này.
Chưa kể việc tiếp thu chương trình học và học cho tốt bằng ngôn ngữ thứ hai đòi hỏi rất nhiều sự cố gắng. "Tôi giỏi hơn, tôi biết nhiều hơn" chính là suy nghĩ thường trực của rất nhiều du học sinh. Đầu tư thì ai mà không mong nhanh chóng hoàn vốn. Chính vì vậy kỳ vọng một mức lương chót vót là điều rất dễ hiểu.
Nói đi du học để trải nghiệm, để học hỏi những cái hay, cái mới nên không nghĩ đến mức lương vội là một "suy nghĩ lý tưởng" nhưng không phải ai cũng nghĩ như vậy được. Nhưng thực tế theo mình thấy, muốn có cơ hội tốt nhất để mở mang kiến thức chính là đi làm. Tuy nhiên làm công việc gì đáng để mở mang, công việc gì không mang lại nhiều kiến thức tinh hoa thì cần hiểu rõ. Mình đã tích lũy kinh nghiệm và ngoại ngữ, chờ lâu và đi đường dài hơn để được lựa chọn làm cho các hãng thời trang lớn như Victoria's Secret chính vì muốn học cách họ quản lý nhân viên, phong thái làm việc chuyên nghiệp, cách tiếp xúc các đối tượng khách hàng khác nhau.
Du học chỉ mở thêm một cánh cửa, nhưng liệu nó có dẫn tới tương lai tươi sáng không phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Tuy nhiên, quả thật áp lực về tiền bạc là điều hoàn toàn thực tế. Khi bạn bỏ một mức tiền quá lớn để đầu tư, thứ bạn nhìn ra trước mắt chỉ là số tiền nhỏ thu về. Đó là lý do không chỉ các bạn sinh viên trong nước mà cả du học sinh cũng cần được định hướng rõ ràng về tương lai và công việc. Đi du học chỉ mở thêm một cánh cửa, nhưng liệu nó có dẫn tới tương lai tươi sáng không phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Nhìn vào lương không phải là chúng ta không hề lãng mạn hoá công việc, chúng ta chỉ đang tận dụng những năm đầu tiên như bước đệm hiệu quả trong bản kế hoạch cụ thể của chúng ta mà thôi. Thời điểm nào để nhận được mức lương như mong muốn thì còn dựa vào sự kiên trì, khả năng của mỗi người. Thời gian là công cụ quan trọng để xây dựng nền tảng kinh nghiệm, kiến thức thực tế, mối quan hệ xã hội.
Một năm trước khi về nước, mình chỉ nghĩ mình sẽ kiếm được 7 triệu/tháng vì mình chẳng có kinh nghiệm gì ở Việt Nam. Tuy nhiên sau này, may mắn được giúp đỡ nên mình không phải làm một công việc 7 triệu. 10 tháng sau, người ta đưa ra mức lương gấp đôi mức lương công ty hiện tại, tuy nhiên với điều kiện mình phải làm việc ít nhất trong vòng 2 năm, kể cả ngày nghỉ. Mình từ chối. Tháng thứ 11, người ta đưa ra mức lương gấp 3 lần mình nghĩ, và mình thỏa thuận công việc không yêu cầu thời gian bó buộc nếu muốn dùng người. Và yêu cầu của mình được chấp nhận. May mắn rằng, dự án mới phù hợp với lợi thế, lòng đam mê, tính cách, hiểu biết, thời gian với mức lương hợp lý đã "kích" mình trở nên sáng tạo, nhiệt huyết và yêu thích công việc lên rất nhiều.
Không ai "ăn không ngồi rồi" mà được hưởng lương cao, cũng không ai cống hiến hết mình mà khi không yêu thích công việc, không được đền đáp xứng đáng.
Đi làm với một mức lương an toàn không đáng ngại, đáng lo là tư tưởng vô định, không biết mình đang làm gì, muốn gì. Bất kể ai cũng có thể mơ ước nhưng rất ít người biết tạo dựng một kế hoạch cụ thể để đáp ứng khát khao của mình. Theo mình, thành công còn tuỳ theo quan niệm và nhu cầu thỏa mãn mỗi người, có người cảm thấy phải có vị trí xã hội, kiếm được nhiều tiền mới là thành công, số khác lại cảm thấy một công việc nhẹ nhàng, có thời gian tận hưởng cuộc sống đã là thành công rồi.
Bản thân mình cảm thấy với các bạn sinh viên mới ra trường, đo thành công bằng mức lương là quá vội vàng, bởi quan trọng hơn là đầu tư thời gian xây dựng mối quan hệ xã hội, đồng nghiệp chất lượng, có chọn lọc. Việc đầu tư vào con người mang lại nhiều bất ngờ hơn chúng ta thường tưởng tượng: được giới thiệu một công việc mới tốt hơn, tìm được đối tác kinh doanh, tìm được bạn đời…
Muốn thành công hơn, hay đơn giản trước mắt là tìm được việc tốt, lương cao, thuyết phục được nhà tuyển dụng vì du học sinh phải hiểu chính mình, định giá được bản thân. Thứ nhất, ngoài tấm bằng khá trở lên, thì kinh nghiệm đi làm khi ở nước ngoài là quan trọng. Nếu bạn đã từng đi thực tập, đi làm tại các vị trí công việc liên quan đến ngành bạn học thì điều đó rất có giá trị. Bạn có cơ hội cao hơn được vào làm tại các tập đoàn, tổ chức. Tuy nhiên điều này vẫn chưa đủ để nâng "giá" quá cao.
Thứ hai, các kỹ năng lợi thế phù hợp với công việc. Mỗi công việc yêu cầu một nhóm kỹ năng nhất định: sự tỉ mỉ, bình tĩnh hay sự sáng tạo, khả năng ăn nói, thuyết phục, ngoại hình, hiểu biết về kinh tế, chính trị, văn hoá.... Tuỳ vào lợi thế của bản thân mà lựa chọn công việc ứng tuyển phù hợp. Hầu hết các công ty không chỉ nhìn vào bảng điểm mà nhìn vào phẩm chất về tính cách, cá nhân, trí tuệ của ứng viên.
Thứ ba, ngoài định giá bản thân, còn phải định giá công ty chính xác. Không phải công ty lớn là được trả lương cao. Ở Việt Nam có những công ty tiếng tăm nhưng trả lương mức thấp bất ngờ vì họ thừa hiểu làm việc cho những công ty này bạn sẽ có một CV đẹp thế nào. Hãy tìm hiểu xem mức lương những người đang làm ở vị trí mong muốn tại công ty bạn chuẩn bị ứng tuyển hoặc công ty đối thủ là bao nhiêu trước khi đi phỏng vấn.
Ý kiến của bạn về vấn đề này như thế nào, theo bạn, một du học sinh về nước có nên chấp nhận làm việc ở một công ty với mức lương khởi điểm 7, 8 triệu đồng hay không?
Trí thức trẻ