Du khách sắp phải trả 1.000 yên "thuế chia tay" khi rời Nhật Bản
Ngay cả người dân Nhật Bản khi rời khỏi đất nước này cũng phải đóng "thuế chia tay".
- 07-04-2018Nhìn cách nhân viên sân bay Nhật Bản lau từng vali của khách, cư dân mạng không tiếc lời khen ngợi, thán phục
- 06-04-2018Giữ lời hứa chụp bà và chú chó dưới tầng hoa anh đào, câu chuyện của nhiếp ảnh gia Nhật Bản khiến bao người thổn thức
- 05-04-20185 lí do để Nhật Bản trở thành quốc gia sạch bậc nhất thế giới và được nhiều người ngưỡng mộ
- 04-04-2018Cách đơn giản giúp ngôi làng Nhật Bản này trở thành "thành phố không rác" đầu tiên trên thế giới
Tờ Straits Times đưa tin ngày 11/4, Quốc hội Nhật vừa thông qua một dự luật theo đó các du khách và cả người Nhật khi rời Nhật Bản sẽ phải trả 1.000 yên (khoảng 9.3 đô la, 210 nghìn đồng) thuế "sayonara" - "thuế chia tay". Loại thuế mới này sẽ được thu bắt đầu từ ngày 7 tháng 1 năm 2019 bằng cách thêm số tiền thuế này vào tiền vé máy bay hoặc tàu thuỷ.
Cũng theo dự luật, trẻ em dưới 2 tuổi và hành khách quá cảnh ở Nhật Bản trong vòng 24 giờ không phải đóng loại thuế tạm biệt này.
Theo trang Jiji Press, doanh thu ước tính khi Nhật áp dụng loại thuế này lên tới 43 tỷ yên (hơn 400 triệu USD) mỗi năm. Trong năm 2016 có tổng cộng 40 triệu lượt người xuất cảnh từ Nhật Bản, trong đó 17 triệu người có quốc tịch Nhật.
Nhật Bản là điểm đến yêu thích của đông đảo khách du lịch.
Song từ tháng 1/2019, du khách sẽ phải trả 1.000 yên trước khi rời xử sở hoa anh đào. Ảnh: Nguyễn Hằng.
Chính phủ Nhật Bản muốn sử dụng doanh thu thuế này để bổ sung vào quỹ phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ và các điểm đến du lịch ở vùng nông thôn cũng như tài trợ các chiến dịch du lịch toàn cầu. Chính phủ cũng có kế hoạch mở rộng dịch vụ Internet không dây miễn phí cũng như các hệ thống thanh toán điện tử.
Theo hãng tin Kyodo, từ tháng 1 đến tháng 3 năm sau, Tokyo ước tính doanh thu từ thuế mới sẽ đạt 6 tỷ yên (hơn 9 triệu USD) và sẽ bổ sung ngân sách vào các dịch vụ như lắp đặt các cửa an ninh nhận dạng khuôn mặt cũng như cung cấp thông tin hướng dẫn đa ngôn ngữ cho du khách tại các công viên quốc gia và các di tích văn hoá.
Quốc hội Nhật Bản cũng thông qua luật giới hạn sử dụng "thuế chia tay". Theo đó, số tiền thuế này sẽ được sử dụng cho các dự án du lịch và không chấp nhận việc lạm dụng công quỹ cho các mục đích khác.
Trước đó, các quốc gia như Mỹ, Úc và Hàn Quốc cũng từng áp dụng loại thuế tương tự. Tại Mỹ, số tiền thuế này là 1.500 yên (14 USD) đối với mỗi khách quốc tế thuộc chương trình miễn thị thực. Úc thu 5.000 yên (46 USD) mỗi người và Hàn Quốc thu khoảng 1.000 yên (9 USD) với hành khách di chuyển bằng máy bay.
Sự gia tăng số lượng khách du lịch trong nước những năm gần đây đã giúp Nhật Bản nâng nền kinh tế trở thành cường quốc lớn thứ ba trên thế giới. Trong năm 2017, quốc gia này đã thu hút được 28.69 triệu lượt du khách, tăng 19.3% so với năm trước.
Chính phủ Nhật Bản kỳ vọng con số này sẽ tăng lên 40 triệu lượt vào năm 2020, khi Tokyo tổ chức Thế vận hội mùa hè và Paralympic Games, và sẽ đạt mức 60 triệu lượt vào năm 2030.
Straitstimes