MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Du khách Việt theo chân người du mục trên thảo nguyên Mông Cổ

09-09-2022 - 07:01 AM | Lifestyle

Blogger Hoàng Lê Giang vừa có 10 ngày rong ruổi trên các cung đường đẹp và hiểm trở của miền Tây Mông Cổ, khám phá cuộc sống du mục của người Kazakh.

Hoàng Lê Giang (sinh năm 1988, sống tại TP.HCM) là người yêu du lịch, đam mê chinh phục. Tính đến nay anh đã đặt chân đến 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Anh 12 lần chinh phục các đỉnh núi cao thuộc dãy Himalaya (Tibet, Nepal, Ladakh với các cung khác nhau, đi bằng mô tô và chủ yếu là đi trekking), đã đặt chân đến Bắc Cực…

Hoàng Lê Giang cũng đã 3 lần ghé thăm Mông Cổ, vào mùa đông, mùa hạ và mùa thu. Chuyến đi vừa qua của anh kéo dài từ ngày 23-8 đến 2-9.

Đặc biệt, trong chuyến đi mùa đông vào tháng 3-2020, anh đã mắc kẹt tại đây 3 tháng do dịch COVID-19. Đây lại là cơ duyên để anh hiểu rõ về vùng đất này và thêm yêu quý, gắn bó với thảo nguyên bao la. Sắp tới Hoàng Lê Giang có dự định đi leo núi ở Pakistan và tiếp tục quay lại Mông Cổ vào mùa đông và mùa xuân.

Du khách Việt theo chân người du mục trên thảo nguyên Mông Cổ - Ảnh 2.

Cuộc sống du mục giữa thảo nguyên bao la với các đàn gia súc hoang dã luôn tạo nên một bức tranh bí ẩn, đầy quyến rũ

Với diện tích rộng thứ 18 trên thế giới nhưng chỉ có hơn 3 triệu dân, vùng đất nhiều bí ẩn Mông Cổ luôn là điểm đến đáng mơ ước của những du khách yêu thích du lịch khám phá.

Thảo nguyên Mông Cổ không hẳn là những thảm cỏ xanh mướt mắt chúng ta hay thấy trên các phương tiện truyền thông, mà đa số là những đồng cỏ hanh khô điểm xuyết những hồ nước rộng lớn và những dòng sông từ các đỉnh núi phương Bắc và phía Tây.

Mùa du lịch ở Mông Cổ kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm, đây là khoảng thời gian có thời tiết dễ chịu nhất.

Đến Mông Cổ vào những ngày cuối tháng 8 đầu tháng 9 này, du khách được trải nghiệm một trong những cuộc di cư lớn nhất năm của người dân du mục - cuộc di cư mùa thu.

Người dân du mục Mông Cổ di cư theo mùa và theo nhu cầu của động vật để tìm nơi chăn thả phù hợp, tránh thời tiết khắc nghiệt. Đây cũng là một trong những nơi tập tục du mục cuối cùng còn sót lại trên thế giới.

Di cư mùa thu là một đợt di cư lớn và quan trọng trong năm để chuẩn bị đối phó mùa đông khắc nghiệt của Mông Cổ với băng tuyết, gió rét và nhiệt độ có thể xuống đến -35 độ C.

Theo chân gia đình người Kazakh trong chuyến di cư mùa thu

Du khách Việt theo chân người du mục trên thảo nguyên Mông Cổ - Ảnh 3.

Gia đình du mục trong chuyến đi này là vợ chồng Bakha, bốn đứa con, em gái và cha mẹ. Hai ông bà vào mùa thu sẽ vào thị trấn sống để chăm cho mấy đứa cháu đi học. Những đợt di cư, họ thường được người em trai và em rể đến hỗ trợ trong việc tháo dỡ rồi sắp xếp lên xe tải, trong lúc Bakha và cha dành nhiều thời gian quản đàn gia súc

Hành trình theo chân người dân du mục, trong chuyến di cư mùa thu này kéo dài 10 ngày (từ 23-8 đến 2-9). Đó là 10 ngày cùng sinh hoạt, cùng di chuyển theo một gia đình người Kazakh gồm 8 thành viên.

Suốt chuyến đi không có điện, khi cần thiết mới phát máy nổ để sạc pin điện thoại và máy ảnh. Tắm gội thì tắm suối, tắm sông, thi thoảng được đun nước tắm cho ấm, còn đa số là tắm trong căn lều dựng tạm giữa trời. Bàn ăn cũng được đặt bên suối hay giữa thảo nguyên. Tối thì ngủ lều camping hoặc lều Ger của người du mục (gia đình có 2-3 lều và nhường cho du khách 1-2 cái), khác với ngủ các khu tourist camp dựng cố định cho du khách.

Phương thức di chuyển mỗi người một khác, tùy theo khả năng mà du khách có thể chọn cưỡi ngựa hay đi trekking theo đoàn du mục, hay chạy xe phân khối để lùa đàn gia súc.

Điều đặc biệt để lại ấn tượng trong lòng du khách có lẽ là sự phóng khoáng, hào sảng của người dân nơi đây. Khi đoàn đi ngang lán trại của người địa phương là sẽ được mời vào ăn chung tất cả những gì đang có trên bàn, dù nhiều lúc chẳng thể trao đổi điều gì do khác biệt ngôn ngữ, ngoài cái bắt tay và nụ cười như một sợi chỉ mạnh mẽ kết nối những con người có hoàn cảnh sống quá khác biệt.

Mỗi năm, các gia đình du mục di cư từ 4-6 lần tùy vào thời tiết và bãi chăn thả. Thời điểm di cư được quyết định bởi chủ nhân thật sự của thảo nguyên: đàn ngựa và lạc đà. Đây là hai loài được nuôi gần như hoang dã ở Mông Cổ và khi chúng cảm thấy nhiệt độ và cơn gió đã báo hiệu chuyển mùa, chúng sẽ tự động di cư đến vùng thích hợp.

Thuận theo tự nhiên, người du mục sẽ cuốn lều trại và lùa đàn bò cùng cừu dê theo sau. Đôi khi việc ngựa và lạc đà đi trước cũng khiến những người dân du mục rối bời khi vừa phải thu xếp đi theo, vừa theo sát xem chúng đi đến đâu rồi.

Theo chân đoàn du mục từ chuyến mùa hè qua mùa thu, du khách sẽ được chứng kiến những mục trường đông đúc gia súc, khắp nơi vang tiếng ngựa, dê trên thảm cỏ xanh ngắt mùa hạ rồi đến mùa thu vàng rực. Rồi từng gia đình lần lượt ra đi trú đông bỏ lại mục trường im lìm.

Và cảm nhận được sự tương phản của cuộc sống du mục, từ tốn khi dỡ lều hạ trại nghỉ ngơi, đến vội vàng, mỗi người một việc vừa tháo dỡ vừa sắp lên xe, rồi tập trung bầy cừu, dê lại để sẵn sàng lên đường vào sáng sớm hôm sau.

Người du mục sống thuận theo tự nhiên để chọn thời điểm cho cừu và dê thụ thai. Họ quan sát dê núi và cừu hoang để đoán được mùa đông sẽ kéo dài hay kết thúc để sắp đặt việc giao phối, cho con non ra đời kịp lúc vừa di cư xong. 

Lối sống tối giản của người dân du mục

Du khách Việt theo chân người du mục trên thảo nguyên Mông Cổ - Ảnh 4.

Việc di cư bắt đầu bằng việc chuẩn bị lương thực, cừu hoặc dê đều giết mổ theo phương thức Halal để hạn chế gây đau đớn cho con vật. Lều Ger của người miền Tây Mông Cổ được trang trí khá nhiều hoa văn, màu sắc sặc sỡ. Lều miền đông đơn giản hơn

Qua các chuyến đi "chuyển nhà" hằng năm, họ quen với cách sống chỉ mang những thứ cần, bỏ bớt những cái muốn.

Trừ thời gian di cư bận rộn, cuộc sống của họ có nhiều thời gian để dành cho nhau. Mấy đứa trẻ phụ cha mẹ tùy sức, xong rồi bày đủ trò chơi với nhau như Việt Nam tầm 30-40 năm trước. Trẻ em từ bé đã cưỡi ngựa đi dạo, học làm mọi việc để có thể một ngày nào đó cáng đáng được gia đình của mình. Và chúng là những đứa trẻ vô cùng ngoan, ngoan không phải kiểu vâng lời mà là tự biết tìm việc đỡ đần cha mẹ, để ý giúp đỡ người lạ.

Du khách Việt theo chân người du mục trên thảo nguyên Mông Cổ - Ảnh 5.

Một số nơi miền Bắc và Trung có nhiều cây nên người dân sẽ dựng lều bằng gỗ để dễ tháo dỡ. Đồ đạc bên trong cũng được dọn đi


Du khách Việt theo chân người du mục trên thảo nguyên Mông Cổ - Ảnh 6.

Một gia đình du mục trên đường đi mời cả đoàn ăn phô mai và uống trà sữa. Sự hiếu khách của họ rất thuần khiết. Nếu có duyên, bạn có thể tặng họ bánh hay kẹo, không nên đưa tiền mặt


Du khách Việt theo chân người du mục trên thảo nguyên Mông Cổ - Ảnh 7.

Thức ăn chính cho mùa đông, phô mai được làm thủ công phơi khô cứng. Người dân ăn khá nhiều bơ sữa, phô mai, nhất là vào mùa đông


Du khách Việt theo chân người du mục trên thảo nguyên Mông Cổ - Ảnh 8.

Một số gia đình neo người phải lùa đàn gia súc đi trước theo đàn ngựa và lạc đà nuôi hoang không lạc mất, rồi mới quay lại dọn lều


Du khách Việt theo chân người du mục trên thảo nguyên Mông Cổ - Ảnh 9.

Bãi chăn thả mùa thu của người thợ săn đại bàng này bị thiếu nước, nên anh phải chờ nơi đó có tuyết rơi. Anh sẽ phải ở lại nơi này đến hết tháng 9


Du khách Việt theo chân người du mục trên thảo nguyên Mông Cổ - Ảnh 10.

Mùa thu Altai đến từ cuối tháng 8 đến hết tháng 9, cây ngả vàng tầm giữa tháng, nhưng chỉ cần ban đêm nhiệt độ 0 độ thì ngựa và lạc đà đã tự di chuyển. Hầu hết cuối tháng 8, các gia đình sẽ rục rịch di chuyển về vùng thấp hơn


Du khách Việt theo chân người du mục trên thảo nguyên Mông Cổ - Ảnh 11.

Miền Tây Mông Cổ địa hình núi cao, có nhiều cỏ xanh, nhưng thời tiết cũng biến chuyển nhanh, tuyết có thể phủ trắng sau vài ngày

Du khách Việt theo chân người du mục trên thảo nguyên Mông Cổ - Ảnh 12.

Bầu trời đêm tuyệt đẹp trên thảo nguyên Mông Cổ

Du khách Việt theo chân người du mục trên thảo nguyên Mông Cổ - Ảnh 13.

Buổi vắt sữa dê cuối cùng. Thông thường tầm 18h người dân sẽ vắt sữa dê rồi cho con con bú mẹ, nhưng trước ngày di cư họ để dê con và mẹ nghỉ ngơi để có sức cho hành trình dài


Du khách Việt theo chân người du mục trên thảo nguyên Mông Cổ - Ảnh 14.

Con trai lớn trong gia đình du mục này mới 10 tuổi đã có thể cưỡi ngựa, phụ giúp gia đình. Thông thường người con trai trưởng sẽ có xu hướng nối nghiệp du mục


Du khách Việt theo chân người du mục trên thảo nguyên Mông Cổ - Ảnh 15.

Những đứa bé cũng tự giác giúp đỡ gia đình, từng lớp lều được tháo ra để lại khung xương. Mỗi lớp nỉ được xếp lại ngăn nắp kỹ càng, và có thể dùng thêm nhiều lớp để giữ ấm mùa đông


Du khách Việt theo chân người du mục trên thảo nguyên Mông Cổ - Ảnh 16.

Mặt trời luôn có trong mỗi chiếc lều Mông Cổ


Du khách Việt theo chân người du mục trên thảo nguyên Mông Cổ - Ảnh 17.

Người du mục ở Altai đa số là dân Kazakh theo đạo Islam nên thích các hoa văn và nhiều màu sắc hơn miền Đông Mông Cổ


Du khách Việt theo chân người du mục trên thảo nguyên Mông Cổ - Ảnh 18.

Hai chiếc lều Ger đã chất xong lên xe sẵn sàng cho hành trình


Du khách Việt theo chân người du mục trên thảo nguyên Mông Cổ - Ảnh 19.

Bầy dê thích leo lên núi mà đi, còn bò thì thích đường bằng hơn. Người con lớn mới 10 tuổi nhưng đã rất ra dáng du mục, cáng đáng thay cha


Du khách Việt theo chân người du mục trên thảo nguyên Mông Cổ - Ảnh 20.

Cái nắng mùa thu làm người và gia súc đều mau mệt. Khói bụi chứng tỏ sự khô cằn của không khí nơi đây


Du khách Việt theo chân người du mục trên thảo nguyên Mông Cổ - Ảnh 21.

Đoạn qua sông khá vất vả, cả chó và người cùng hò hét thúc đám cừu, dê lội qua


Du khách Việt theo chân người du mục trên thảo nguyên Mông Cổ - Ảnh 22.

Sau một ngày rong ruổi, cả đoàn nghỉ lại. Người du mục ít ăn trưa, họ lùa đoàn tới nơi rồi thưởng thức bữa tối giữa đất trời: mì nấu với thịt cừu


Du khách Việt theo chân người du mục trên thảo nguyên Mông Cổ - Ảnh 23.

Đến nơi nghỉ, ngựa được tháo yên cho đi gặm cỏ. Đây là loại yên của Nga mềm hơn thay cho yên bằng gỗ của Mông Cổ, phù hợp cho việc giữ thăng bằng cưỡi ngựa bắn cung


Du khách Việt theo chân người du mục trên thảo nguyên Mông Cổ - Ảnh 24.

Phía xa là túp lều tạm bằng hai bức vách của lều lớn và phủ nỉ lên. Ban đêm họ kéo bếp đến gần cho ấm, nước lấy từ suối và chất đốt từ phân bò lụm quanh đó, trà sữa là thứ họ uống thay nước và cung cấp năng lượng giữ ấm


Du khách Việt theo chân người du mục trên thảo nguyên Mông Cổ - Ảnh 25.

Một trạm xăng dùng năng lượng mặt trời sạc ắc quy để bơm


Du khách Việt theo chân người du mục trên thảo nguyên Mông Cổ - Ảnh 26.

Cả bầy diều hâu quần thảo phía trên để quan sát. Lều trại được dỡ đi mang đến khá nhiều cơ hội có một bữa ăn từ thức ăn còn sót lại: bánh mì, khoai tây, hay ít thịt vụn


Du khách Việt theo chân người du mục trên thảo nguyên Mông Cổ - Ảnh 27.

Đôi khi có vài chú bò đi lạc hay ham uống nước, người du mục phải có ánh mắt tinh tường nhận ra con đàn mình đến lùa trở về đàn


Du khách Việt theo chân người du mục trên thảo nguyên Mông Cổ - Ảnh 28.

Bãi chăn thả mùa thu của gia đình Bakha khá khô cằn, nhưng họ không có chọn lựa. Tại đây gia đình sẽ ở lại tầm một tháng rồi đến bãi chăn thả mùa đông, và lại quay lại vào tầm giữa tháng 2 năm sau khi đã có tuyết


Du khách Việt theo chân người du mục trên thảo nguyên Mông Cổ - Ảnh 29.

Ba chú lạc đà vận chuyển cỏ khô, việc quan trọng của mùa hè là tích trữ cỏ khô cho mùa đông. Năm nay cỏ ít hơn hẳn vì lượng mưa ít, báo hiệu một mùa đông nhiều khó khăn

Theo Hoàng Lê Giang

Tuổi trẻ

Trở lên trên