Dự kiến giảm thuế VAT xuống 8% nhưng đây là những ngành có thể không được ưu đãi này
Trong đề xuất mới nhất, sẽ có một số nhóm hàng hoá, dịch vụ không được giảm thuế VAT 2%.
- 14-05-2023Giảm thuế VAT để kích cầu tiêu dùng
- 13-05-2023Trình Quốc hội giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% tại kỳ họp thứ 5
- 12-05-2023Đảm bảo đủ vật liệu khởi công xây dựng Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh
Cụ thể, Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội về tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) 2% theo nghị quyết 43/2022, sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo tờ trình mới, việc giảm thuế này sẽ không áp dụng với nhóm hàng hóa như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thẩm tra sơ bộ tờ trình trước đó có đề cập giảm cho tất cả nhóm hàng hóa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Nguyễn Vân Chi cho biết đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội nhất trí đề xuất giảm thuế VAT nhằm hỗ trợ khu vực sản xuất, kinh doanh và người dân.
Việc giảm thuế VAT được kỳ vọng sẽ kích thích mua sắm. Ảnh: Dy Khoa.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn phương án bù đắp khoản giảm thu 35.000 tỷ đồng khi áp dụng việc giảm thuế, vì cho rằng việc giảm VAT sẽ tạo thêm tác động bất lợi cho ngân sách năm 2023, trong điều kiện số thu năm nay được dự kiến là có nhiều khó khăn.
Với đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng giảm thuế VAT với tất cả hàng hóa, dịch vụ, bà Chi cho biết đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội không đồng tình với việc mở rộng phạm vi áp dụng và đề nghị chỉ nên tiếp tục giảm thuế VAT với phạm vi như đã thực hiện trong năm 2022 theo Nghị quyết 43.
Khi đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị phạm vi áp dụng nên theo Nghị quyết 43, vì khi đó Quốc hội đã tính toán kỹ lưỡng, có cơ sở thuyết phục Quốc hội và khi triển khai Chính phủ cũng sẽ thực hiện rất nhanh vì đã có hành lang pháp lý. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị quy định rõ Quốc hội yêu cầu triển khai giảm thuế VAT không được làm giảm thu ngân sách theo dự toán đã được duyệt và không được tăng bội chi ngân sách của năm 2023 để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Chính phủ ước tính, áp dụng giảm thuế này trong nửa cuối năm 2023, ngân sách giảm thu khoảng 24.000 tỷ đồng. Tức là so với phương án giảm thuế với tất cả hàng hóa, dịch vụ, mức giảm thu ngân sách là 35.000 tỷ đồng thì với phương án mới đề xuất, việc giảm thu ngân sách sẽ được hạn chế hơn.
Chính phủ đánh giá mức giảm này là hợp lý trong bối cảnh thu ngân sách từ cuối năm 2022 đến nay có xu hướng giảm. Lũy kế thu quý 1/2023 đạt 411.800 tỷ đồng, bằng gần 31% dự toán và tăng 5,4% so với cùng kỳ 2022.
Nhưng nếu trừ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022 thì số thu ba tháng đầu năm nay giảm 6% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, thu từ xuất nhập khẩu bằng gần 27% dự toán, giảm trên 16% so với cùng kỳ.
Thuế VAT được tính trong một hóa đơn ăn uống tại Thái Lan là 7%. Ảnh: Dy Khoa.
Năm 2022, thuế VAT giảm 2% trừ các nhóm ngành như viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản… Việc giảm thuế này đã hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khoảng 44.500 tỷ đồng, góp phần giảm giá hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Đồng thời kích cầu nội địa với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 20% so với trước. Thu thuế VAT nội địa không giảm, mà tăng 10% so với cùng kỳ.
Tại một số quốc tế lân cận Việt Nam, thuế suất VAT thu ở mức dưới 10% cho một số mặt hàng. Trong đó, dịch vụ ăn uống tại Thái Lan được áp mức thuế suất VAT ở mức 7%. Tại Singapore, thuế suất này cũng là 7%.
Cách đây vài năm, Malaysia từng bỏ loại thuế này để kích cầu. Nhiều người dân đã mua sắm, thậm chí họ mua xe ô tô vì tổng tiền bỏ ra giảm nhiều. Nhưng hiện nước này đã tái thu ở các mức thuế suất 10%, 6% và 5% cho từng mặt hàng.
Nhịp sống thị trường