Dự kiến hết năm 2020 tỷ lệ nghèo sẽ giảm xuống dưới 3%
Đây là mục tiêu được Bộ LĐ,TB&XH đưa ra tại buổi làm việc chiều 14/7 của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
- 14-07-2020Mở cửa trở lại nền kinh tế, những dữ liệu này cho thấy nền kinh tế nào sẽ rơi vào suy thoái
- 14-07-2020PGS.TS Trần Đình Thiên: Đây không phải là vấn đề Nhà nước "cứu" Vietnam Airlines, mà là phải có trách nhiệm!
- 14-07-2020CEO Central Retail: Mở 6 trung tâm thương mại GO! Mall mới và chuyển 4 siêu thị Big C thành trung tâm thương mại tại Việt Nam
Đến ngày 30/6/2020, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay đối với 422.534 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng dư nợ 18.645 tỷ đồng.
Báo cáo của Bộ LĐ,TB&XH, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo cho biết từ năm 2016 đến năm 2019, ngân sách Trung ương đã bố trí 22.850 tỷ đồng để thực hiện một số chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, hỗ trợ y tế, đào tạo dạy nghề… Trong năm 2020, ngân sách Trung ương bố trí cho Chương trình 10.059 tỷ đồng.
Dự kiến, đến hết năm 2020, tỷ lệ nghèo sẽ giảm từ 3,75% (năm 2019) xuống dưới 3%, bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5%/năm trong giai đoạn 2016-2020; tỷ lệ nghèo tại huyện nghèo giảm trên 4% so với năm 2019, đạt mục tiêu Nghị quyết Quốc hội, Chính phủ giao. Hiện cả nước còn 8.464 hộ nghèo có thành viên là người có công, các địa phương phấn đấu đến hết năm 2020 không còn hộ nghèo thuộc diện này.
Tuy nhiên, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng nhận định mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm và vượt mục tiêu đề ra nhưng nhiều nơi còn cao trên 20%, có tỉnh miền núi còn trên 30%. Kết quả giảm nghèo chưa vững chắc. Chênh lệch giàu – nghèo, khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản (y tế, giáo dục…), thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Một số cơ chế, chính sách đặc thù với khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện từng vùng nên hiệu quả chưa cao.
Nguồn lực thực hiện chính sách giảm nghèo còn dàn trải, chưa tập trung hỗ trợ đủ mức để tạo chuyển biến thực sự đời sống người nghèo dân tộc thiểu số.
Các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy vai trò đầu tàu, thiếu tác dụng lan tỏa, hiệu quả đầu tư chưa vượt trội. Khoảng cách giữa các vùng kinh tế trọng điểm và vùng khó khăn chưa được thu hẹp, liên kết vùng còn yếu.
Nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã được Ban Chỉ đạo thảo luận. Theo đó, các mục tiêu giảm nghèo phải được cụ thể hóa vào các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm và cả giai đoạn ở các địa phương, có lộ trình, giải pháp, thực hiện phù hợp, thường xuyên kiểm tra, đánh giá, tổng kết…
Các chính sách giảm nghèo cần được rà soát, sửa đổi, bổ sung bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, dễ theo dõi, dễ thực hiện. Đồng thời, chúng ta cần đẩy mạnh phân cấp cho cấp xã, cộng đồng, người dân; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp xã, huyện, đặc biệt là các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, chúng ta cần huy động vốn đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp; tạo cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh nhằm khai thác thế mạnh trên địa bàn huyện nghèo, vùng nghèo.
Tăng cường giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình, chính sách giảm nghèo ở tất cả các cấp, đặc biệt là cơ sở.
Nâng cao nhận thức, tính tự chủ, phát huy nội lực của cộng đồng và bản thân người nghèo, khuyến khích tự vươn lên thoát nghèo, thay vì trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.