MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự kiến rót 240.000 tỷ đồng cho đường sắt: Tuyến đường sắt cao tốc nào ở Việt Nam được gọi tên sớm?

Với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 240.000 tỷ đồng đến năm 2030 cho đường sắt thì 2 đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TPHCM của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ được ưu tiên xây dựng.

240.000 tỷ đồng đầu tư cho đường sắt đến năm 2030

Đầu tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 1143 thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia. 

Việc thành lập Ban chỉ đạo trên được coi là động thái mới nhất liên quan đến việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhằm thúc đẩy quá trình sớm hoàn thiện các bước để dự án đường sắt tốc độ cao được đầu tư, xây dựng.

Theo quy định, Ban Chỉ đạo sẽ có nhiệm vụ chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.

Một nhiệm vụ khác của Ban Chỉ đạo là đề xuất với Thủ tướng phương hướng, giải pháp, cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc, huy động nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ, tổ chức thực hiện thành công Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.

Bên cạnh đó, giúp người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, điều hòa, phối hợp giữa các bộ ngành trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng liên quan đến việc thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.

 Tàu cao tốc tại Nhật Bản có tốc độ trung bình hơn 300km/h (Ảnh: CNTraveler)

Tàu cao tốc tại Nhật Bản có tốc độ trung bình hơn 300km/h (Ảnh: CNTraveler)

Liên quan đến nguồn vốn bố trí cho các dự án đường sắt, trong đó có đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, hồi tháng 4/2023, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 396/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo kế hoạch, tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch mạng lưới đường sắt đến năm 2050 dự kiến là 25.836 ha, trong đó giai đoạn 2021 - 2030 là 16.377 ha quỹ đất tăng thêm so với hiện nay là 5.644 ha.

Bộ GTVT cũng được giao chuẩn bị đầu tư hàng loạt tuyến đường sắt mới kết nối các địa phương, như tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ; các tuyến đường sắt kết nối với đầu mối vận tải có lưu lượng lớn, như tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, kết nối cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải; tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành kết nối sân bay quốc tế Long Thành; tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng kết nối với cảng biển quốc tế Lạch Huyện. 

Xây dựng mới đoạn tuyến đường sắt nối ray Ga Lào Cai với Ga Hà Khẩu Bắc, kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc và một số nước; chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.

Danh sách các tuyến đường sắt cao tốc được đầu tư

Danh sách các tuyến đường sắt cao tốc được đầu tư

Chính phủ sẽ huy động mọi nguồn lực thực hiện đầu tư các dự án trong danh mục kế hoạch đầu tư. Theo đó, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 240.000 tỷ đồng. 

Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025 bố trí 15.924 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công cho lĩnh vực đường sắt để thực hiện các dự án chuyển tiếp hoàn thành trong kỳ trung hạn; khởi công mới một số dự án và chuẩn bị đầu tư các dự án của kỳ trung hạn tiếp theo.

Giai đoạn 2026 - 2030 dự kiến nhu cầu khoảng 224.076 tỷ đồng, huy động từ nguồn vốn đầu tư công (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương) và vốn hợp pháp khác để đầu tư theo danh mục kế hoạch chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư của kỳ kế hoạch 2021 - 2030….

Trong tổng số vốn trung hạn giai đoạn này dự kiến đầu tư cho đường sắt thì dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam được xếp ở vị trí thứ 2 về thứ tự ưu tiên, tuy nhiên trong Phụ lục có nêu rõ chỉ dừng lại ở "phần xây dựng kết cấu hạ tầng".

2 tuyến đường sắt tốc độ cao nào được ưu tiên đầu tư?

Tháng 8/2023, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có báo cáo gửi Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải trong đó có tuyến đường sắt  tốc độ cao Bắc-Nam.

Liên quan tới dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ GTVT cho hay, theo quy hoạch, từ nay tới năm 2030, sẽ triển khai đầu tư xây dựng 2 đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, gồm đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TPHCM; hoàn thành toàn tuyến vào năm 2050.

Trong báo cáo cuối kỳ dự thảo quy hoạch đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 được đưa ra, đơn vị tư vấn đã nêu các tính toán về phương án đầu tư.

Cụ thể, đến năm 2030, hoàn thành giai đoạn chuẩn bị đầu tư và đầu tư các xây dựng các đoạn ưu tiên trên tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - TP HCM đoạn Hà Nội - Vinh và TP HCM - Nha Trang.

Tàu cao tốc Fuxing đến ga Thiên Tân, Trung Quốc (Ảnh: AP)

Tàu cao tốc Fuxing đến ga Thiên Tân, Trung Quốc (Ảnh: AP)

Đối với 2 đoạn tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Vinh, TP HCM - Nha Trang được ưu tiên đầu tư có tổng chiều dài là 651km, vận tốc thiết kế là 350 km/h. Nếu được đưa vào hoạt động thì cả quãng đường trên sẽ rút ngắn thời gian chạy tàu xuống còn chưa đầy 2 tiếng.

Đơn vị tư vấn cho rằng 2 đoạn tuyến này có thể khai thác năm 2030 với quy mô vốn tới 561.000 tỉ đồng (tương đương 20 tỉ USD) nếu nhu cầu vận tải cao hoặc năm 2032  với quy mô vốn 375.000 tỉ đồng (tương đương 15 tỉ USD) nếu nhu cầu thấp.

Giai đoạn 2 sẽ đầu tư đoạn Vinh - Nha Trang để nối thông toàn tuyến. Chiều dài toàn tuyến giai đoạn này là 894km với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 33,9 tỷ USD. Trong đó, khoảng năm 2040 đưa vào khai thác đoạn Vinh - Đà Nẵng. Đến khoảng năm 2045 - 2050 sẽ khai thác đoạn Đà Nẵng - Nha Trang.

Việc lựa chọn ưu tiên các chặng đầu tư sớm được cân nhắc và rà soát kỹ các hành lang vận tải chính quốc gia và dự báo nhu cầu vận tải các tuyến đường sắt. Cụ thể, dự báo đến năm 2030, khối lượng vận chuyển trên tuyến đường sắt Bắc - Nam khổ 1.000 mm hiện nay là 12 - 13 triệu hành khách/năm. 

Sau năm 2030, nếu có thêm 2 đoạn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang thì có thể thu hút trên 32 triệu hành khách/năm; khối lượng hàng hóa từ 4,7 - 5 triệu tấn/năm.

Về tiến độ chuẩn bị đầu tư, báo Tiền Phong có thông tin Bộ GTVT cho biết Chính phủ đã chỉ đạo Bộ triển khai lập đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trình cấp có thẩm quyền xem xét thông qua, dự kiến trong năm 2023, phấn đấu trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2025.

Tuyến đường sắt tốc độ cao "thai nghén" gần 2 thập kỷ

Để có được những động thái tích cực như ngày hôm nay, Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã trải qua quá trình manh nha gần 2 thập kỷ. Cụ thể, từ năm 2005, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được Bộ GTVT triển khai nghiên cứu.

Từ 2005 đến năm 2008, Bộ GTVT thuê tư vấn Hàn Quốc nghiên cứu tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam theo hướng nghiên cứu khả thi đoạn Hà Nội-Hà Tĩnh và Nha Trang-Sài Gòn, tốc độ thiết kế giai đoạn 1 là 200 km/h, giai đoạn 2 là 350 km/h, đường đôi khổ 1.435mm chỉ khai thác tàu khách.

Tổng mức đầu tư đoạn Hà Nội-Hà Tĩnh là 12,9 tỉ USD (suất đầu tư 38,54 triệu USD/km), đoạn Nha Trang-Sài Gòn là 9,2 tỉ USD (suất đầu tư 25,24 triệu USD/km).


Một trong hai phương án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh: VOV

Một trong hai phương án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh: VOV

Từ năm 2009 đến năm 2010 các chuyên gia tư vấn Việt Nam và Nhật Bản nghiên cứu tuyến đường sắt với tốc độ thiết kế 350km/h, đường đôi khổ 1.435mm chỉ khai thác tàu khách, chiều dài 1.570km, với 27 ga và 5 khu depot, TMĐT 55,9 tỉ USD (suất đầu tư 35,6 triệu USD/km).

Đến năm 2009, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án này đã được Hội đồng thẩm định Nhà nước thông qua và Bộ Chính trị tán thành về chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, dự án không được thông qua khi trình Quốc hội vào năm 2010. Sau nhiều năm tiếp tục nghiên cứu thì đến năm 2019, Thủ tướng có Quyết định số 859/QĐ-TTg thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Sau đó từ năm 2020 đến nay là hàng loạt các động thái mới từ chính phủ liên quan đến dự án đường sắt cao tốc này. 

Một dấu ấn đáng chú ý là vào cuối tháng 4/2023, trong kết luận của Hội đồng thẩm định nhà nước về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có đưa ra một loạt đánh giá, khuyến nghị đối với việc đầu tư siêu dự án nhiều tỉ USD này.

Cụ thể như Hội đồng thẩm định nhà nước đề nghị Bộ GTVT hoàn thiện phương án - kịch bản đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường đôi khổ 1.435mm để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ thiết kế khoảng 200-250km/h, tốc độ khai thác khoảng 200km/h thay vì tốc độ 350km/h chỉ khai thác tàu khách.

Ngoài ra, Hội đồng Thẩm định nhà nước cho rằng thời gian Bộ GTVT đề xuất đến năm 2050 mới đưa vào khai thác toàn tuyến là quá lâu sẽ dẫn đến rủi ro về tăng vốn đầu tư, bỏ lỡ cơ hội phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy Bộ GTVT cần hoàn thiện phương án phân kỳ đầu tư hợp lý, đảm bảo tính khả thi, hoàn thành dự án trước năm 2045. 

Bộ GTVT đang triển khai cập nhật điều chỉnh đề án chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, dự kiến sẽ báo cáo Bộ Chính trị trước 15/11/2023.


Theo Trang Anh

Phụ nữ số

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên