Dự kiến sản lượng vải thiều của Bắc Giang giảm khoảng 50%
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang, do thời tiết không thuận lợi, dự kiến sản lượng vải thiều năm nay của tỉnh giảm mạnh, xuống còn khoảng 100.000 tấn, bằng khoảng 50% so với sản lượng năm 2023.
- 26-03-2024Bán mía chục giá cao, nông dân thu nhập hơn 10 triệu đồng/công
- 26-03-2024Cá tra Việt Nam thu hơn 200 triệu USD từ đầu năm, người Trung Quốc chuộng hơn cả hàng nội
- 26-03-2024Chợ truyền thống sầm uất bậc nhất Cần Thơ vắng tanh
Đến thời điểm này, gần 30.000 ha vải trên toàn tỉnh Bắc Giang (trong đó diện tích vải sớm 7.500 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Tân Yên; vải chính vụ 22.200 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Lục Ngạn), có tỷ lệ ra hoa đạt 46,6%; trong đó, vải sớm tỷ lệ ra hoa khoảng 70-80% giai đoạn nở hoa; vải chính vụ tỷ lệ ra hoa khoảng 35-40% giai đoạn phát triển chùm hoa. Căn cứ tỷ lệ ra hoa và diện tích vải, sản lượng vải thiều năm nay của tỉnh dự kiến đạt 100.000 tấn, trong đó vải sớm 50.000 tấn, vải chính vụ 50.000 tấn.
Anh Trần Văn Hành, ở thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang - người được mệnh danh là "phù thủy đất vải thiều" vì sở hữu kỹ thuật chăm sóc cho vải mọc trên thân. Anh có 2 ha vải thiều, năm nay dự báo mất trắng. Anh Hành chia sẻ, dù đã chăm sóc theo đúng kỹ thuật nhưng cây vải chỉ ra lộc chứ không ra hoa. Trận mưa kéo dài hơn 10 ngày vào cuối năm 2023 làm hỏng hết nụ hoa. Hầu hết người trồng vải muộn và vải Thanh Hà đều mất trắng, chỉ còn vải U Hồng phân hóa mầm hoa sớm hơn nên vẫn ra hoa.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang cho biết, nguyên nhân tỷ lệ vải thiều ra hoa thấp chủ yếu do thời tiết. Mùa Đông năm 2023 có nhiệt độ bình quân cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 1,5 độ C, làm ảnh hưởng đến quá trình phân hóa mầm hoa cây vải. Bên cạnh đó, thời tiết từ giữa tháng 1/2024 đến giữa tháng 2/2024 có các đợt không khí lạnh ngắn, kèm theo mưa nhỏ kéo dài khiến độ ẩm không khí, độ ẩm đất cao, kết hợp với thời gian dài có nền nhiệt độ cao, đây là những yếu tố làm cho nhiều diện tích vải có hiện tượng ra lộc hoặc ra hoa kèm lộc, làm ảnh hưởng đến năng suất.
Trước tình hình đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bắc Giang đã thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất vải thiều xuất khẩu và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói năm 2024 kịp thời phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện: Lục Ngạn, Yên Thế, Lục Nam, Lạng Giang, Tân Yên, Sơn Động và Phòng Kinh tế thành phố Bắc Giang tổ chức thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng tối đa diện tích vải ra hoa, đảm bảo năng suất, chất lượng của vụ sản xuất vải thiều năm nay.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang cũng đề nghị các huyện trọng điểm sản xuất vải thiều của tỉnh tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người trồng vải bám sát diễn biến thời tiết, kết hợp áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật trong giai đoạn này.
Cùng với đó, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như: chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, kiểm soát sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chú trọng duy trì, mở rộng diện tích sản xuất vải an toàn, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ có chất lượng cao phục vụ thị trường xuất khẩu.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang Lê Bá Thành cho biết, nhằm tối ưu lợi nhuận mùa vụ, giảm thiểu thiệt hại cho bà con, địa phương đã chỉ đạo thực hiện kế hoạch tăng cường sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ có chất lượng cao, tập trung nâng cao chất lượng quả vải để bù lại thiệt hại do giảm năng suất; điều chỉnh vùng trồng phục vụ thị trường xuất khẩu; kết nối các chuỗi tiêu thụ nông sản để tối ưu tiêu thụ; lựa chọn thị trường, chú trọng các thị trường xuất khẩu mang lại giá trị cao...
Báo Tin Tức