MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Du lịch chuyển đổi số với hành trình “không chạm”

Mặc dù vẫn còn gặp một số khó khăn nhưng ngành du lịch đang chủ động chuyển đổi số và tích cực tham gia vào cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

Chính phủ vừa đồng ý kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ với địa bàn có hệ số an toàn cao bắt đầu từ ngày 1/1/2022. Thông tin này ngay lập tức được ngành du lịch đón nhận, khi Việt Nam đã bắt đầu thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ tháng 11 nhưng lượng khách vẫn còn rất khiêm tốn.

Vui mừng nhưng các chuyên gia trong ngành cho rằng du lịch trong giai đoạn mới cũng phải thay đổi để thích ứng linh hoạt với những diễn biến khó lường của dịch bệnh. Trong đó, chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc nếu muốn "sống chung với COVID-19".

Triển lãm thực tế ảo "Liên kết du lịch An Giang và các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL" vừa diễn ra. Tại triển lãm, du khách có thể hoá thân vào một nhân vật 3D và tự do tham quan điểm đến.

"Thông qua triển lãm thực tế ảo này, có thể giúp du khách hình dung các điểm đến của ĐBSCL. Đến khi dịch được kiểm soát tốt hơn, du lịch sẽ phục hồi nhanh hơn", ông Lê Trung Hiếu - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và đầu tư An Giang cho hay.

Du lịch chuyển đổi số với hành trình “không chạm” - Ảnh 1.

Triển lãm thực tế ảo "Liên kết du lịch An Giang và các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL" vừa diễn ra.

Ngoài việc đi du lịch "ảo", các điểm đến "không chạm" cũng đang khiến nhiều du khách cảm thấy thích thú từ việc "check in" bằng nhận dạng khuôn mặt, mở cửa phòng không cần thẻ từ. Điều khiển tất cả chức năng như kéo rèm, mở đèn, bật ti vi… đều thông qua màn hình smartphone.

Hiện nhiều địa phương đã đưa điểm đến của mình lên các nền tảng số như: Hà Nội có hệ thống du lịch Văn Miếu Quốc Tử Giám, Đà Nẵng có ứng dụng Da Nang Toursism, Huế có chương trình tham quan Hoàng Thành thực tế ảo... Khái niệm "du lịch không chạm" đang dần được định hình.

"Du lịch không chạm sẽ trở thành xu hướng chủ đạo trong thời gian tới. Ngành du lịch khuyến khích các địa phương và doanh nghiệp ứng dụng tối đa được thành quả của công nghệ thông tin", ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam nói.

Mặc dù vẫn còn gặp một số khó khăn nhưng ngành du lịch đang chủ động chuyển đổi số và tích cực tham gia vào cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, với mục tiêu tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh, thích ứng linh hoạt với diễn biến dịch bệnh.

Theo PV

VTV.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên