MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Du lịch trở lại vào thời điểm "vàng"

Du lịch trở lại vào thời điểm "vàng"

Các địa phương, doanh nghiệp cần không ngừng liên kết để mang đến hiệu quả, kiểm soát độ an toàn, nâng chất lượng du lịch trong bối cảnh bình thường mới.

Chiều 22-3, tại tỉnh Quảng Ninh, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị phát động mở lại hoạt động du lịch "Việt Nam - Trải nghiệm trọn vẹn".

Không ít thách thức khi mở cửa

Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, nhắc lại thành quả của nỗ lực quảng bá, kích cầu du lịch năm 2021. Theo đó, cả nước phục vụ 40 triệu lượt khách nội địa, đón hơn 10.000 khách quốc tế qua các chương trình thí điểm. Chính phủ cũng miễn thị thực cho công dân 13 quốc gia, nới lỏng quy định xuất, nhập cảnh. Đặc biệt, tín hiệu tích cực là khách quốc tế tìm kiếm Việt Nam đang tăng mạnh.

Thứ trưởng nhấn mạnh các yếu tố giúp du lịch phục hồi, phát triển gồm: Nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến của Việt Nam, từ đó thực hiện mục tiêu đón hơn 5 triệu khách quốc tế năm 2022; tăng chất lượng sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu, bảo đảm nguồn lực, triển khai đa dạng mô hình, kênh bán hàng; tăng cường kết nối hàng không, khôi phục đường bay quốc tế, đẩy mạnh hợp tác giữa các doanh nghiệp (DN); xúc tiến quảng bá và thu hút du khách, tập trung vào thị trường phục hồi nhanh như Anh, Pháp, Đức, Mỹ, các nước Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản... Trên hết, cần bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19, thích ứng an toàn, hiệu quả.

Du lịch trở lại vào thời điểm vàng - Ảnh 1.

Du khách thăm Đường sách TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH


Liên quan tới mở cửa du lịch quốc tế, bà Nguyễn Minh Hằng - Trợ lý bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Bộ Ngoại giao - đánh giá ngoài những thuận lợi đang có, Việt Nam cũng gặp vài thách thức khi mở cửa đón khách: Phải theo dõi diễn biến dịch bệnh; các chính sách du lịch ở một số nước còn khá hạn chế, ảnh hưởng đến kế hoạch khám phá quốc tế của người dân.

Trong bối cảnh đó, bà Minh Hằng nhấn mạnh: "Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đồng hành với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch mở cửa du lịch an toàn, hiệu quả. Chúng tôi cũng tăng cường cung cấp thông tin về xu hướng du lịch, đánh giá tình hình, nhu cầu du lịch ở các nước... giúp Việt Nam nhanh nhạy nắm bắt, đồng thời đẩy mạnh cập nhật tình hình mở cửa du lịch ở nước ta với bạn bè quốc tế, tích cực triển khai quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam".

Trong khi đó, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng để mở lại du lịch hoàn toàn là điều không đơn giản. "Chúng ta có thể xem Covid-19 là cơ hội để làm mới nhưng thách thức cũng rất nhiều như chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Do đó, cần cơ chế mở cửa đồng bộ, toàn diện, an toàn, hiệu quả trên cả nước, cũng như sự cam kết mạnh mẽ để chia sẻ, kết nối nhằm tạo ra đổi mới, sáng tạo cho hệ sinh thái du lịch" - ông Siêu nói.

Lãnh đạo Tổng cục Du lịch cũng chỉ rõ các địa phương, DN cần phải quyết tâm không ngừng liên kết để mang đến hiệu quả, kiểm soát độ an toàn, nâng chất lượng du lịch trong bối cảnh bình thường mới.

Du lịch phải có tính liên kết

Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, nhận định đây là thời điểm "vàng" mở cửa đón du khách trở lại và mong Bộ Ngoại giao, các hãng hàng không tiếp tục hỗ trợ các chính sách kích cầu du lịch của tỉnh.

Trước câu hỏi "Quảng Ninh đã chuẩn bị gì để xây dựng điểm đến thích ứng trong điều kiện bình thường mới?", ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, cho biết tỉnh tập trung vào 5 vấn đề: Làm mới sản phẩm truyền thống nhằm tạo sức hút với du khách (với mục tiêu phát triển du lịch 4 mùa, Quảng Ninh sẽ tập trung vào nghỉ dưỡng cao cấp cùng những hoạt động mang tính trải nghiệm cao như du lịch biên giới, khám phá, thể thao...); DN trong ngành cần đẩy mạnh chuyển đổi số hiệu quả; khi có sản phẩm mới và truyền thông thì nâng cao chất lượng như đào tạo nguồn nhân lực...; du lịch phải có tính liên kết (từ quảng bá du lịch đến liên kết gói sản phẩm, tạo sức hút cụm liên vùng); quan trọng nhất là đề cao tính an toàn.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho rằng mỗi địa phương có tài nguyên thiên nhiên, thế mạnh du lịch khác nhau, có phương thức khai thác nguồn tài nguyên du lịch khác nhau, cũng như chính sách ở mỗi địa phương mỗi khác.

TP HCM xác định phát triển hệ sinh thái du lịch bền vững, không chỉ là hệ sinh thái của một địa phương mà là liên kết vùng, liên kết với hơn 40 tỉnh, thành. Tuy nhiên, trước đây, sự liên kết này chỉ dừng ở cấp sở. Từ 2019 - 2020, TP HCM đã mở rộng, nâng tầm liên kết thành cấp tỉnh, UBND với 13 tỉnh ĐBSCL, các tỉnh phía Tây Bắc, với các vùng trọng điểm miền Trung, mở rộng với các tỉnh Đông Nam Bộ, 5 tỉnh Tây Nguyên...

Theo đó, phương châm phát triển du lịch của TP HCM là trung hòa hệ sinh thái du lịch. "TP HCM mong muốn mở rộng liên kết với các vùng trên cả nước, là cầu nối đưa du khách đến với các tỉnh, đồng thời đón du khách từ các tỉnh đến TP HCM, từ đó phát triển hệ sinh thái và phát triển du lịch mạnh mẽ hơn" - bà Ngọc Hiếu nhấn mạnh.

Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, PGS-TS Trần Đình Thiên đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần có lộ trình rõ ràng, chủ động hơn để tuyên bố với thế giới rằng Việt Nam là điểm đến an toàn. “Chúng ta cần tận dụng được thời cơ, khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới. Phải tính đến quan hệ lợi ích và chi phí, phải bỏ chi phí trước để thu về lợi ích sau này” - PGS-TS Trần Đình Thiên phát biểu, đồng thời cho rằng đây là cơ hội Việt Nam thay đổi cấu trúc du lịch để nâng cao vị thế, tăng số lượng quốc gia được miễn thị thực.

Theo Trọng Đức

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên