Ngày 10/11, Sembcorp (Singapore) thông qua công ty con là Sembcorp Solar Vietnam Pte Ltd, đã đạt được thỏa thuận mua lại phần lớn cổ phần trong danh mục năng lượng tái tạo 245 MW của CTCP Gelex (mã chứng khoán : GEX).
Theo Sembcorp, việc hoàn tất thương vụ phụ thuộc vào các phê duyệt theo quy định và các phê duyệt khác và dự kiến sẽ diễn ra vào nửa đầu năm 2024. Công ty có trụ sở tại Singapore cũng bày tỏ ý định tiếp tục khám phá các cơ hội trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam với Gelex.
Đại diện từ Gelex cho biết, với việc hợp tác cùng Sembcorp, Tập đoàn GELEX tiếp tục hiện thực hoá chiến lược phát triển hệ sinh thái đối tác với các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu để mở rộng thị trường, chuỗi giá trị cho các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của tập đoàn.
Sembcorp lãi lớn trong năm 2022
Tập đoàn Sembcorp được hình thành vào thời điểm năm 1998, khi nền kinh tế trong khu vực đang lâm vào khủng hoảng, Vào thời điểm khó khăn đó, Singapore Technologies Industrial Corp (STIC) và Sembawang Corp đã kết hợp với nhau để trở thành một trong những tập đoàn có quy mô lớn nhất tại Singapore.
Phía sau thành công của Sembcorp cũng có bóng dáng của chính phủ nước này. Cổ đông lớn nhất của Sembcorp - Temasek Holdings là một cơ quan thuộc bộ phận đầu tư của chính phủ Singapore và thuộc 100% sở hữu của Bộ Tài chính Singapore. Tổng giám đốc điều hành là bà Ho Ching, vợ của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.
Tesmek Holdings là cái quá quen thuộc khi đứng sau rất nhiều tập đoàn lớn của Singapore như SingTel, DBS Bank, Singapore Airlines, Singapore Power và Neptune Orient Lines,... Tại Sembcorp, Temasek Holdings nắm giứ 49,5% cổ phần.
Là một tổ hợp doanh nghiệp, Sembcorp Industries bao gồm rất nhiều công ty con dàn trải tại nhiều nước trên thế giới. Có cấu trúc và quy mô phức tạp, hoạt động của tập đoàn này tập trung chủ yếu trong ba lĩnh vực chính: cung cấp năng lượng, công nghiệp đường thủy và phát triển đô thị.
Trong đó, ngành công nghiệp dịch vụ, tập trung vào việc cung cấp điện năng và nước, logistic và quản lý chất thải phục vụ cho sản xuất công nghiệp và sinh hoạt. Ngành công nghiệp đường thủy tập trung vào việc sửa chữa, xây dựng và chuyển đổi tàu, giàn khoan và các công trình trên biển
Cuối cùng là lĩnh vực phát triển đô thị, bao gồm việc xây dựng các khu công nghiệp và đô thị mới tại châu Á. Tổng diện tích các dự án phát triển hạ tầng, đô thị của Sembcorp tại Việt nam, Trung Quốc và Indonesia lên tới hơn 10.000 ha, bao gồm cả đất công nghiệp, đất thương mại và đất ở.
Sembcorp được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Singapore và là một trong 30 cổ phiếu có tỷ trọng vốn hóa thị trường lớn nhất, nằm trong nhóm Straits Times Index (STI - chỉ số chứng khoán tính dựa trên giá trị thị trường của các cổ phiếu của 30 công ty đại diện được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Singapore).
Sembcorp đã đầu tư vào nhiều thị trường lớn trên thế giới như Anh, Trung Quốc, Trung Đông, Ấn Độ, nhưng hoạt động đầu tư vẫn chủ yếu tập trung tại châu Á. Hiện Sembcorp cũng đang sở hữu nhiều dự án điện tại Việt Nam.
Trong năm 2022, công ty này ghi nhận doanh thu 9,3 tỷ SGP, lợi nhuận trước thuế 883 triệu SGP, lần lượt tăng 21% và 87% so với cùng kỳ năm trước. Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của doanh nghiệp này đạt hơn 16 tỷ SPG, tăng 1,6 tỷ SGP so với số đầu năm.
Những dự án năng lượng tái tạo của Sembcorp tại Việt Nam
Một trong những lĩnh vực đầu tư ưa thích của Sembcorp tại Việt Nam phải kể đến đó là mảng năng lượng tái tạo. Tập đoàn của Singapore đang đầu tư vào mảng này thông qua nhiều pháp nhân như: Công ty Điện lực Phú Mỹ 3; Sembcorp Energy Việt Nam và Sembcorp Solar Vietnam,…
Một trong những dự án nổi bật của doanh nghiệp này tại Việt Nam phải kể đến chính là nhà máy nhiệt điện BOT Phú Mỹ 3. Dự án có tổng công suất 716,8 MW, do các nhà đầu tư Sembcorp, Kyuden International Corporation và Sojitz Corporation được đưa vào vận hành năm 2004 và được chuyển giao không bồi hoàn cho phía Việt Nam vào ngày 1/3/2024 sau khi kết thúc thời hạn theo hợp đồng. Hiện nay Sembcorp đang sở hữu 66% vốn của dự án này.
Một dự án năng lượng nổi bật khác của Sembcorp tại Việt Nam có thể kể đến đó chính là việc doanh nghiệp này đã bắt tay với công ty con của Bamboo Capital (BCG) là BCG Enegy để thành lập CTCP Năng lượng Gaia (BCG Gaia). Trong đó, Sembcorp hiện đang nắm 49,7% vốn của doanh nghiệp này.
BCG Gaia hiện đang là chủ sở hữu hai nhà máy năng lượng mặt trời là BCG Long An 1 và BCG Long An 2 với tổng công suất 141 MW. Tổng vốn đầu tư cho hai dự án này là 145 triệu USD (tương đương khoảng 3.400 tỷ đồng). Hai dự án này đều đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ năm 2020.
Không chỉ dừng lại tại đó, tháng 12/2021, Sembcorp đã hợp tác với BCG Energy để cùng tìm hiểu và phát triển một danh mục lên tới 1,5GW cho các dự án năng lượng gió và năng lượng mặt trời tại Việt Nam.
Tháng 10 vừa qua Bộ trưởng Công Thương Singapore Tan See Leng cho biết, Cơ quan thị trường năng lượng (EMA) đã cấp phép có điều kiện để Sembcorp nhập khẩu điện từ Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC).
Lượng điện nhập khẩu từ Việt Nam, được truyền tải qua tuyến cáp ngầm mới chiều dài 1.000 km, có thể đáp ứng 10% nhu cầu hàng năm của Singapore. Trước đó, đảo quốc này đã có các thỏa thuận tương tự để nhập khẩu điện sạch từ Indonesia (2GW) và Campuchia (1GW).
Như vậy, điện nhập khẩu sẽ chiếm khoảng 30% tổng nguồn năng lượng của Singapore vào 2035. Điều này nhằm góp phần giúp nước này đạt phát thải ròng CO2 bằng 0 (Net-Zero) vào năm 2050 theo như cam kết của Chính phủ.
Sembcorp cho biết việc mua điện có thể bắt đầu sớm nhất vào năm 2033, tùy vào sự chấp thuận của chính quyền. Sembcorp và PTSC sẽ bắt tay vào phát triển đề xuất dự án và nỗ lực đạt được giấy phép có điều kiện và giấy phép nhập khẩu từ EMA, cũng như giấy phép xuất khẩu từ Việt Nam.
Sở hữu liên doanh khu công nghiệp "đình đám"
Hướng tới nhiều dự án năng lượng tái tại Việt Nam, tuy nhiên dự án nổi tiếng cũng như thành công nhất của Sembcorp tại Việt Nam phải kể đến việc hợp tác cùng Becamex IDC thành lập công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP). Hiện Sembcorp đang nắm 51% của công ty này.
Theo tìm hiểu, từ năm 1996, Tập đoàn Sembcorp Industries của Singapore và tập đoàn Becamex đã thành lập khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đầu tiên, với diện tích 2.500 ha tại tỉnh Bình Dương.
Đến nay đã có 14 VSIP hiện diện tại 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam với quy mô lên khoảng 11.000 ha. Các VSIP đã đi vào hoạt động với tỉ lệ lấp đầy cao (khoảng 83,2%), thu hút được 18,7 tỷ USD tổng vốn đầu tư cho khoảng 866 dự án, tạo việc làm cho hơn 300.000 lao động. Gần nhất, VSIP Nghệ An vừa được chấp thuận đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Thọ Lộc (giai đoạn 1) với quy mô 500ha.
Trong nửa đầu năm 2023, VSIP ghi nhận lợi nhuận sau thuế 442,3 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) giảm từ 7,45% về 3,13%.
Tại thời điểm 30/6, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đạt 14.148 tỷ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 0,73 lần, tương ứng nợ phải trả là 10.328 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu là 990 tỷ đồng. Như vậy, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 24.476 tỷ đồng.
Trọng Hiếu