CTCP VNG vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 với không nhiều thay đổi so với báo cáo tự lập, tuy vậy có thêm một số thông tin chi tiết về hoạt động của "kỳ lân công nghệ" này được công bố.
Doanh thu 2018 của VNG đạt 4.317 tỷ đồng, tăng hơn 1% so với năm trước và chỉ bằng 86% so với kế hoạch năm là 5.000 tỷ đồng.
Mảng kinh doanh chủ chốt là game online sụt giảm hơn 100 tỷ so với năm trước, đạt 3.464 tỷ đồng. Bù lại, mảng kinh doanh quảng cáo trực tuyến tăng 200 tỷ lên 724 tỷ đồng.
Trong khi doanh thu đi ngang thì các chi phí của VNG lại tăng phi mã: Đáng kể nhất là chi phí bán hàng tăng vọt 764 tỷ lên 1.194 tỷ đồng và chi phí quản lý tăng từ 450 tỷ lên 567 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, lỗ từ công ty liên kết tăng gấp đôi từ 122 tỷ lên 243 tỷ đồng. Khoản lỗ này chủ yếu đến từ công ty thương mại điện tử Tiki với gần 254 tỷ đồng.
Các yếu tố này dẫn đến lợi nhuận trước thuế sụt giảm tới 63% từ 1.158 tỷ xuống 433 tỷ đồng. VNG thậm chí đã lỗ trong quý 4.
VNG là một trong những cổ đông lớn nhất của Tiki với tỷ lệ sở hữu là 28,88%. Trong năm 2018, VNG rót thêm 122 tỷ đồng vào Tiki, nâng tổng giá trị đầu tư vào công ty này lên 506 tỷ đồng. Tuy vậy đến cuối năm 2018, VNG đã ghi nhận lỗ 473 tỷ đồng từ khoản đầu tư này.
Một lĩnh vực khác cũng đang "ngốn" tiền đầu tư làm chi phí tăng vọt là mảng ví điện tử Zalo Pay được thực hiện thông qua công ty con là CTCP Zion. Báo cáo của VNG cho biết "lỗ tính thuế" của Zion tăng vọt từ mức 30-40 tỷ của năm 2016-2017 lên 177 tỷ đồng trong năm ngoái. Chỉ tiêu này không đồng nghĩa với lãi/lỗ thực tế của Zion nhưng nhìn chung sẽ khá tương đồng.
Ví điện tử được đánh giá là có rất nhiều triển vọng trong tương lai nhưng cũng giống như thương mại điện tử, các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này đều đang lỗ rất lớn. Điển hình như ví điện tử Momo có lỗ lũy kế gần 600 tỷ đồng tính đến cuối năm 2017.
Định giá tăng vọt bất chấp kết quả không khả quan
Cuối tháng 3, VNG đã bán ra 355.820 cổ phiếu quỹ với giá 1.861.800 đồng/cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng) - cao hơn 75% so với mức giá tối thiểu 1.061.000 đồng mà Đại hội đồng cổ đông của công ty đã thông qua.
Bên mua vào là một pháp nhân trực thuộc tập đoàn đầu tư Temasek của chính phủ Singapore. Sau giao dịch, Temasek nắm giữ 6,35% cổ phần có quyền biểu quyết của VNG.
Với 27,43 triệu cổ phiếu đang lưu hành nhân với mức giá mà Temasek vừa mua thì vốn hóa của VNG hiện lên đến 51.000 tỷ đồng (2,2 tỷ USD) - cao gần gấp đôi so với vốn hóa của công ty công nghệ lớn nhất trên sàn là FPT, đạt 27.600 tỷ đồng.
Kinh Kha