Dự luật đánh thuế tài sản lũy tiến, miễn thuế cho người nghèo
Đánh thuế lũy tiến với khởi điểm rất thấp và phải cộng dồn nhà và đất khi đánh thuế, không thể cào bằng với người có thu nhập thấp...
- 11-06-2018WB: Người nghèo chịu tác động nhiều hơn người giàu khi đánh thuế nhà
- 17-05-2018Đại diện Tổng Cục thuế khẳng định trong 2 năm tới sẽ chưa đánh thuế nhà trên 700 triệu
- 17-04-2018Đề xuất đánh thuế tài sản: “Tiền mua nhà là khoản tiết kiệm của người dân, sao lại đánh thuế?”
Thuế tài sản là loại thuế sớm hay muộn cũng cần được ban hành với mục tiêu đảm bảo công bằng xã hội, tạo nguồn thu mang tính chủ động của chính quyền địa phương. Vấn đề là, nên đánh thuế thế nào và thuế suất bao nhiêu.
Theo các đại biểu tại hội thảo "Thuế tài sản - Một số gợi ý chính sách cho Việt Nam" do Viện Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính tổ chức ngày 26/6, tại Hà Nội, nếu định nghĩa tài sản để đánh thuế, kê khai tài sản, ngưỡng chịu thuế không rõ ràng, sẽ gây mâu thuẫn, mù mờ, khó áp dụng hoặc tình trạng thuế trùng thuế.
Thu thuế là hợp lý nhưng cần minh bạch
Thuế tài sản là một trong những sắc thuế phổ biến, xuất hiện sớm và hiện được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. Bà Lê Thị Mai Liên, đại diện Ban Chính sách tài chính công, Viện Chiến lược và Chính sách, Bộ Tài chính thông tin có đến 174/193 quốc gia đang thu thuế tài sản, với mức thu trung bình từ 3-4% tổng số thu thuế hàng năm ở các nước phát triển và thấp hơn ở các nước khác.
"Nguồn thu từ thuế tài sản trở thành một trong những nguồn thu quan trọng trong tổng thu ngân sách ở nhiều nước", bà Liên nhấn mạnh. Thuế tài sản thu vào nhà đất còn thể hiện tính gắn kết với các lợi ích cơ bản của các dịch vụ công tới người dân. Thuế tài sản thu vào đối tượng là bất động sản sẽ thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản và điều tiết hành vi sử dụng các tài sản của xã hội, thúc đẩy sử dụng tài sản có hiệu quả.
Nhiều nước đang có xu hướng đánh thuế đối với tài sản có giá trị lớn, mở rộng đối tượng thu thuế tài sản, với mức thu không giống nhau. Dòng thuế này đóng góp tới khoảng 2% tổng thu ngân sách nhà nước tại các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), chiếm khoảng 0,6% tại các nước đang phát triển và khoảng 0,68% tại các quốc gia đang chuyển đổi nền kinh tế.
Tại Mỹ, việc đánh thuế bất động sản được giao về cho các tiểu bang và thuế suất khác nhau do giá trị bất động sản ở các bang khác nhau và tùy quyền tự quyết của mỗi bang. Chẳng hạn, thuế suất ở bang Califonia là 1,2%/năm giá trị bất động sản, gồm nhà và đất, và trên 3% ở bang Texas.
Còn tại Canada, thuế suất cho căn nhà thứ 2 có thể lên tới 4%. Người sở hữu nhà ở có trách nhiệm phải khai báo đâu là căn nhà chính mà họ ở, đâu là nhà mua để đầu tư. Những chế tài nghiêm tắc về tài chính được đặt ra để ngăn chặn các hiện tượng chậm đóng thuế hoặc không khai báo.
Chia sẻ thực tiễn thuế tài sản tại bang Ontario, Canada, ông Nicolas Drouin, Bí thư thứ nhất, Ban Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam cho hay "thuế tài sản ở Canada được xem xét dựa trên nguyên tắc là số tiền phải nộp phụ thuộc vào giá trị tài sản sở hữu".
Thuế tài sản là một nguồn thu nhập chính, do chính quyền địa phương kiểm soát, khoảng 19 tỷ đô Canada mỗi năm tại Ontario. Thuế tài sản dựa trên 2 nguyên tắc nền tảng, thứ nhất, nguyên tắc lợi ích mà chủ tài sản nhận được; thứ hai, nguyên tắc khả năng đóng thuế của chủ tài sản. Thu nhập từ thuế tài sản được dùng để trang trải các dịch vụ do chính quyền địa phương cung cấp, như giáo dục, văn hóa, y tế, tiện ích...
"Vì các dịch vụ do chính quyền đô thị cung cấp mang lại lợi ích trực tiếp cho chủ sở hữu tài sản nên chủ sở hữu tài sản có trách nhiệm đóng thuế. Tại Canada, mọi người, kể cả người nghèo cũng phải đóng thuế tài sản. Áp dụng thuế tài sản như một khoản giảm trừ trong thuế thu nhập của trang trại và hộ gia đình thu nhập thấp", ông Nicolas Drouin cho hay.
Không thể cào bằng
Một trong những lý do chính cho phía cổ vũ áp dụng thuế tài sản là tính công bằng. Người giàu sở hữu nhiều tài sản nên đánh thuế tài sản thì người giàu sẽ phải trả nhiều thuế hơn và Nhà nước sẽ dùng thuế này để điều tiết lại cho người nghèo.
Tuy nhiên, theo ông Trương Thanh Đức, luật sư thuộc Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico cho rằng "nếu đánh thuế tài sản thì phải tiếp cận từ góc độ toàn bộ tài sản, sau đó mới loại trừ tài sản nào, loại nào bằng không".
Ông Đức kiến nghị "thuế tài sản chỉ đánh vào người có khả năng nộp thuế, miễn thuế cho hộ nghèo. Bên cạnh đó, chỉ đánh vào một số loại tài sản, có giá trị lớn, chẳng hạn, miễn thuế đối với một diện tích tối thiểu".
Đánh thuế lũy tiến với khởi điểm rất thấp và phải cộng dồn nhà và đất khi đánh thuế, không thể cào bằng với người có thu nhập thấp.
"Như vậy, hoàn toàn bất công, không đạt được mục tiêu thu thuế tài sản. Cần thông qua cơ chế đại diện, tập hợp ý kiến người dân. Không nên để dân nói mặc dân, cứ biểu quyết để có nguồn thu, theo đúng thông lệ quốc tế", ông Đức khẳng định.
Ngoài ra, đánh thuế trên cơ sở có nguồn thu, có khả năng nộp thuế, tức là, thực chất đánh thuế người giàu có nhiều tài sản. Trước hết, cần phải thống kê, theo dõi, quản lý dữ liệu để tính toán giá đất, giá nhà, tổng số tài sản, để lấy cơ sở tính thuế.
Còn theo bà Lê Thị Mai Liên, về đối tượng chịu thuế, nên quy định ngưỡng diện tích chịu thuế đối với nhà, đất, nghĩa là vượt một ngưỡng nhất định mới phải nộp thuế. Về giá nhà, đất để tính thuế, ngắn hạn, căn cứ theo khung giá nhà đất do UBND cấp tỉnh quy định; trung và dài hạn cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nhà, đất trong đó, bao gồm cả giá nhà, đất trên thị trường.
Về thuế suất, Luật Thuế tài sản nên quy định khung thuế suất, trên cơ sở đó, phân cấp cho các địa phương tự quy định mức thuế suất phù hợp với trình độ phát triển của địa phương. Có các mức thuế suất phân biệt theo mục đích sử dụng đất nhằm bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời, đảm bảo ưu tiên đối với từng lĩnh vực trong từng thời kỳ.
Vneconomy