Dù mua sắm trực tiếp lên ngôi giữa dịch COVID-19, tăng trưởng e-commerce của Viettel Post vẫn chững lại trong quý 1 do gián đoạn chuỗi cung ứng?
Dù lo ngại về dịch COVID-19 có thể thúc đẩy người tiêu dùng chuyển sang hình thức mua sắm trực tuyến, việc lưu chuyển hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc bị gián đoạn có thể dẫn đến việc thiếu hụt hàng hóa trên các nền tảng e-commerce, từ đó ảnh hưởng đến sản lượng chuyển phát, theo quan điểm của VCSC.
Theo Chứng khoán Bản Việt (VCSC), các gián đoạn chuỗi cung ứng do dịch virus corona (CoV/COVID-19) gây ra sẽ ảnh hưởng tạm thời đến nguồn cung hàng hóa và tương ứng sản lượng chuyển phát cho e-commerce trong quý 1/2020. Đơn vị này kỳ vọng tăng trưởng sản lượng hàng hóa e-commerce sẽ bắt đầu phục hồi trong quý 2/2020.
Trung Quốc là nguồn cung cấp lớn cho các nhóm sản phẩm e-commerce phổ biến tại Việt Nam như thời trang và thiết bị điện tử. Dù lo ngại về dịch CoV có thể thúc đẩy người tiêu dùng chuyển sang hình thức mua sắm trực tuyến, việc lưu chuyển hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc bị gián đoạn có thể dẫn đến việc thiếu hụt hàng hóa trên các nền tảng e-commerce, từ đó ảnh hưởng đến sản lượng chuyển phát, theo quan điểm của VCSC.
Theo đó, VCSC điều chỉnh giảm LNST sau lợi ích CĐTS của Viettel Post (VTP) trung bình 5% trong giai đoạn 2020-2022 khi giảm giả định tăng trưởng doanh thu dịch vụ từ 43% còn 38% trong năm 2020.
Mặt khác, VTP vẫn tiếp tục triển khai các ý tưởng và các khoản đầu tư mới nhằm củng cố vị thế cạnh tranh và duy trì tăng trưởng. Theo ban lãnh đạo, VTP sẽ nhận thêm 469 điểm bán (POS) từ Viettel Telecom trong năm 2020 bên cạnh mạng lưới hiện hữu gồm 1.432 bưu cực và 827 cửa hàng Viettel Telecom. Ngoài ra, VTP có kế hoạch mở rộng công suất phân loại hàng hóa tự động trong năm 2020 cùng với đầu tư mới vào e-fulfillment và hệ thống kho thông minh.
VCSC cho rằng công suất phân loại hàng hóa tự động sẽ cải thiện hiệu quả chi phí của VTP trong khi e-fulfillment và kho thông minh cho phép VTP khai thác thêm nhu cầu thuê kho và e-fulfillment từ các khách hàng lớn bên cạnh dịch vụ chuyển phát hiện hữu.
Đặc biệt, việc tích hợp ứng dụng crowdsourcing (thuê ngoài cộng đồng) MyGo với mảng chuyển phát hiện hữu đạt tín hiệu tích cực. Theo VTP, đội ngũ tài xế của MyGo hiện đã đảm nhận 30% đơn hàng của VTP trong tháng 12/2019 – cao hơn so với mức 20% trong tháng 9/2019. VTP cho biết việc tích hợp này giúp công ty xử lý hiệu quả hơn việc biến động sản lượng hàng hóa trong khi tăng hiệu quả chi phí giao hàng chặng cuối.
Trong quý 4/2019, ứng dụng MyGo cũng chính thức triển khai dịch vụ giao hàng trong ngày tại Hà Nội và Tp.HCM, giúp cải thiện sự hiện diện của VTP ở phân khúc chuyển phát nội tỉnh và mở rộng dịch vụ cung cấp cho các khách hàng bán hàng online.
Nhìn chung, VCSC dự phóng VTP sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) LNST sau lợi ích CĐTS đạt 29% trong giai đoạn 2019-2022, dựa trên hệ thống mạng lưới bưu cục rộng lớn, mở rộng công suất, các ý tưởng kiểm soát chi phí và hỗ trợ tăng trưởng khác.
Song, vẫn có những rủi ro song hành, đơn cử giảm thị phần làm mất lợi thế quy mô; không thể tối ưu hóa chi phí; hình thức thanh toán COD (trả tiền khi nhận hàng) suy giảm có thể ảnh hưởng đến một nguồn thu nhập.
Trí Thức Trẻ