Dự phóng VN-Index chạm mốc 1.700 điểm, Agriseco Research "lì xì" nhà đầu tư 5 nhóm cổ phiếu đáng xuống tiền cho năm mới Nhâm Dần 2022
Dòng tiền mạnh mẽ tiếp tục chảy vào thị trường chứng khoán, số lượng tài khoản mở mới tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022. Đồng thời, Agriseco kỳ vọng Việt Nam sẽ được nâng hạng lên thị trường mới nổi, ra mắt các sản phẩm mới như T0, phái sinh, bán khống.
Năm Tân Sửu 2021 đã khép lại với mức tăng trưởng thần tốc của thị trường chứng khoán Việt Nam. Bước sang năm Nhâm Dần 2022, xu hướng dịch chuyển từ kênh tiền gửi sang các kênh đầu tư sinh lời như chứng khoán được cho sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Mặc dù vậy, trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Agribank (Agriseco) lưu ý rằng cơ hội năm 2022 sẽ phân hóa rõ nét và có nhiều rủi ro tiềm tàng tại các nhóm cổ phiếu đã ở vùng định giá cao. Do vậy, việc lựa chọn đúng cổ phiếu, doanh nghiệp để đầu tư sẽ là bài toán đặt lên hàng đầu.
Trích dự báo của IMF, World Bankm, tăng trưởng GDP trong năm 2022 đạt tốc độ trung bình 6,3%. Agriseco Research kỳ vọng với mức nền thấp và kỳ vọng phục hồi từ các động lực tăng trưởng chính (xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư), tăng trưởng GDP sẽ đạt mức khoảng 6,5% trong 2022 – tạo nên môi trường vĩ mô thuận lợi, kỳ vọng đẩy mạnh thu hút FDI. Trong khi đó, lãi suất và lạm phát ở mức thấp sẽ tác động tích cực đến thị trường chứng khoán.
Bàn về "cỗ xe tam mã" gồm tiêu dùng – xuất nhập khẩu – đầu tư công, Agriseco Research đánh giá tiêu dùng khả năng sẽ phục hồi chậm, do đó khó có thể trở thành động lực tăng trưởng kinh tế trong năm tới. Mặt khác, với mức nợ công vẫn trong mức kiểm soát và chi ngân sách cho công tác phòng dịch Covid còn thấp, Agriseco Research kỳ vọng đây sẽ là tiền đề để Chính phủ điều hành nới lỏng chính sách tài khóa trong thời gian tới. Theo ước tính, khi giải ngân đầu tư công tăng thêm 1% thì GDP tăng 0,058%. Như vậy, việc đẩy nhanh đầu tư công kỳ vọng là động lực tăng trưởng GDP và là tiền đề giúp các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng được hưởng lợi trong thời gian tới.
Dự báo cán cân thương mại, Agriseco Research nhận định với sự mở cửa trở lại và phục hồi kinh tế trên toàn cầu, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư trong năm 2022. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam kỳ vọng vẫn tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022 như dệt may; xơ sợi; cao su; gỗ; thủy sản.
Ngoài ra, Việt Nam còn nhiều dư địa để triển khai các gói kích thích hỗ trợ nền kinh tế, tạo ra hiệu ứng lan tỏa trên nhiều ngành nghề trong xã hội. Nhìn trên thế giới, sau khi Chính phủ các nước tung ra các gói hỗ trợ, chỉ số chứng khoán tại các quốc gia trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc đều bật tăng mạnh mẽ.
Agriseco Research cho rằng dự báo nhóm bán lẻ, dầu khí, tiêu dùng, khu công nghiệp, xuất khẩu sẽ tiếp đà hồi phục. Việc đẩy mạnh đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng ở các nhóm bất động sản, vật liệu xây dựng và xây dựng. Ngoài ra, nhóm ngân hàng và chứng khoán dự báo duy trì tăng trưởng khi cầu tín dụng tăng mạnh và NIM ổn định. Báo cáo dự báo tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường năm 2022 đạt khoảng 25% - 30% so với cùng kỳ, với động lực từ nhóm vốn hóa lớn, bất động sản và ngân hàng.
Từ đây, Agriseco Research dự báo chỉ số VN-Index năm 2022 có thể chạm mốc 1.600 - 1.700 điểm. Dòng tiền mạnh mẽ tiếp tục chảy vào thị trường chứng khoán, số lượng tài khoản mở mới tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022. Đồng thời, triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi, ra mắt các sản phẩm mới như T0, phái sinh, bán khống.
Tuy nhiên, Agriseco cũng chỉ ra một số rủi ro liên quan đến đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp khó lường với sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới có thể làm chậm quá trình "bình thường mới". Yếu tố lạm phát nhích tăng và có thể sẽ nâng lãi suất vào cuối năm 2022 sau khi hoạt động sản xuất kinh doanh đã hồi phục. Đặc biệt, báo cáo đánh giá mặt bằng định giá của một số nhóm cổ phiếu đang ở mức cao hơn nhiều lần so với triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp.
Agriseco Research chỉ điểm 5 chủ đề đầu tư trong năm mới Nhâm Dần.
Thứ nhất là việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng qua đó thúc đẩy tăng trưởng nhóm xây dựng (CTD, PC1, C4G); thép và vật liệu xây dựng (HPG, HT1, DHA); bất động sản (VHM, VRE, NLG).
Thứ hai, triển vọng phục hồi sau đại dịch COVID được kỳ vọng tạo ra dư địa cho các doanh nghiệp BĐS khu công nghiệp (KBC, PHR), dệt may (TNG, STK), thủy sản (VHC, FMC), cảng biển (GMD) tăng trưởng.
Thứ ba, ngành ngân hàng được xem là một điểm sáng của năm 2022 với kỳ vọng tăng trưởng tín dụng tích cực, NIM có thể đi ngang, thu nhập dịch vụ tăng trong khi nợ xấu được kiểm soát, kèm theo là câu chuyện tăng vốn. Ba cổ phiếu được điểm tên gồm (MBB, TCB, BID).
Thứ tư chính là động lực từ IPO, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước liên quan tới các cổ phiếu NTP, BMI, VGT.
Thứ năm, nhóm cổ phiếu tăng trưởng ổn định và định giá hấp dẫn, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngành điện khi kỳ vọng tăng trưởng tốt trong năm tới trên mức nền thấp của 2021 và theo đà hồi phục của nền kinh tế, gồm POW, REE, QTP, MWG, FPT.