Dự thảo cấm phân lô bán nền của Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đi ngược!
"Nếu không cho phân chia thành lô đất nhỏ thì liệu có được phân chia theo lô đất to? Cơ quan soạn thảo có những mối quan tâm lo lắng nhưng có những vấn đề nhu cầu thực tế cần phải quan tâm", TS.KTS. Trần Quốc Thái, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị nhận định.
Ông Vũ Cương Quyết – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc cho ý kiến: "Chúng tôi luôn mong muốn có nhiều sản phẩm để bán tuy nhiên đánh giá về sự phát triển của thị trường nhìn tổng thể nếu đi các tỉnh có thể thấy có quá nhiều đất nền nhưng để hoang, đó là sự xót xa. Có thể cơ quan Nhà nước đang muốn ngăn chặn những trường hợp như thế để không lãng phí nguồn đất đai".
Cũng theo ông Quyết, với quan điểm của thị trường, không thể can thiệp quá thô bạo vào cung cầu, nhu cầu của thị trường. Chúng ta không nên cấm hết mà cần có sự điều tiết của Nhà nước. Cần trả lời được những câu hỏi trước khi đưa ra lệnh cấm đó là phân lô bán nền là gì, tại sao phải phân lô bán nền, tại sao cấm? Khi chúng ta làm quy hoạch thì chủ đầu tư phải có năng lực để giải phóng đền bù. hai là các cơ quan quản lý phải chắc rằng chủ đầu tư có đủ tiềm lực tài chính để phát triển dự án.
"Nhiều dự án chủ đầu tư rất yếu về năng lực nhưng lại có quy hoạch rất lớn (hơn 100ha) ở những vùng rất đẹp ở Việt Nam như Phan Thiết. Nên tất cả người dân có sổ đỏ hoàn toàn nhưng nằm trong quy hoạch không làm được gì trên đất của mình, rất lãng phí. Đây là căn nguyên vì sao lại phải đưa ra vấn đề xây dựng, đánh giá rõ cung và cầu, chủ đầu tư phải có đủ năng lực để làm. Việc phân lô bán nền hay không thực tế là nhu cầu của thị trường. Việc này nên cho phép vì nhu cầu của thị trường là rất lớn", ông Quyết dẫn chứng.
Cùng quan điểm, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, thực sự phân lô bán nền trong thời gian qua có nhiều vấn đề liên quan và bất ổn như tình trạng dự án “ma”, hoang hóa, lãng phí đất đai, cò đất thổi giá gây xáo trộn an ninh trật tự ở địa phương, gây rối loạn hoạt động thị trường bất động sản. Vì thế nên cần có giải pháp để cơ quan quản lý biết rằng cần chỉnh sửa gì để có định hướng tốt hơn.
"Một vấn đề rất quan trọng là vấn đề kiểm tra giám sát phải được đề cao, phải có sự kiểm tra thường xuyên liên tục, tránh sự móc nối của một số người có trách nhiệm trong cơ quan công quyền với doanh nghiệp, chủ đầu tư, với doanh nghiệp mà chúng ta gọi là sân sau trong việc chuẩn bị, xây dựng dự án.
Ví dụ như Alibaba, không có hậu thuẫn phía sau thì làm sao có dự án lớn như vậy, bán được nhiều như vậy mà không có ai phát hiện ra? Kiểm tra giám sát chế tài xử lý với dự án "ma" không đúng quy định pháp luật với dự án phân lô bán nền cần nâng lên mức mới, từ đó mới có dự án phân lô bán nền vừa đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường bất động sản và hài hòa quyền lợi của các bên", ông Thịnh cho biết.
Bàn luận thêm về vấn đề này, TS.KTS. Trần Quốc Thái, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị phát biểu ý kiến: "Chúng tôi đã nghe rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Hiện nay, chúng tôi đã xây dựng nghị định về quản lý đô thị và rà soát nhiều vấn đề về quản lý đô thị. Qua hội thảo, chúng tôi cũng nghe thấy nhiều những bất cập đặt ra trong phát triển đô thị. Trong đó thực hiện quy định về xây dựng, quy hoạch, cơ chế giữa các bên vẫn còn bất cập".
"Nếu không cho phân chia thành lô đất nhỏ thì liệu có được phân chia theo lô đất to? Cơ quan soạn thảo có những mối quan tâm lo lắng nhưng có những vấn đề nhu cầu thực tế cần phải quan tâm", ông Thái cho biết.
Ông Thái cũng khẳng định, doanh nghiệp bất động sản hiện nay rất khó khăn. Do tác động của Covid-19, không phải cứ doanh nghiệp lớn là ổn. Qua dịch Covid-19, nhiều gia đình, hộ gia đình đặt lại vấn đề liệu có nên đầu tư dàn trải, xuống tiền ngay không khi họ cần một khoản tiền lớn dự trữ phòng trừ cho trường hợp khẩn cấp xảy ra như phục vụ cho nhu cầu sức khỏe chẳng hạn... Cho nên việc đầu tư của họ vào thị trường này rất khó khăn.
Thanh khoản của doanh nghiệp rất khó. Trong bối cảnh này, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp là rất cần thiết. Nếu năm 2013, Chính phủ có ban hành nghị định tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì năm 2020 cũng rất cần những chính sách hỗ trợ như vậy.