MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi lần này là một bước đột phá để thu hút vốn nước ngoài

Các chuyên gia quốc tế đánh giá Luật Chứng khoán lần này đã tiệm cận một cách tốt nhất thông lệ quốc tế và phù hợp với nền kinh tế Việt Nam.

Sáng nay Uỷ ban chứng khoán Nhà nước tổ chức Họp báo chuyên đề Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), bà Vũ Thị Chân Phương, Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết Dự thảo Luật sửa đổi đã tương đối hoàn chỉnh sau rất nhiều lần được lấy ý kiến góp ý từ phía các thành viên thị trường và tham khảo các chuyên gia nước ngoài. Chính phủ đã trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 và dự kiến sẽ thông qua trong kỳ họp tháng 10. Dự án Luật dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2021.

Việc xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi) nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý, đảm bảo cho sự phát triển ổn định TTCK, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn, nâng cao tính minh bạch trên thị trường, nâng cao năng lực giám sát quản lý nhà nước đối với TTCK.

Bà Phương cho biết Luật Chứng khoán sửa đổi là một bước tiến đột phá đảm bảo hàng hóa trên thị trường là hàng hóa tốt, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Các chuyên gia quốc tế đánh giá Luật Chứng khoán lần này đã tiệm cận một cách tốt nhất thông lệ quốc tế và phù hợp với nền kinh tế Việt Nam.

Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi bao gồm 10 chương, 136 điều. So với Luật Chứng khoán hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi 97 điều, bổ sung 31 điều, bãi bỏ 31 điều và giữ nguyên 8 điều.

Dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi lần này là một bước đột phá để thu hút vốn nước ngoài - Ảnh 1.

Về chào bán chứng khoán

Ông Nguyễn Quang Việt, Vụ trưởng vụ Pháp chế UBCK cho biết Luật hiện hành chưa tách riêng điều kiện để phù hợp với tính chất khác nhau giữa chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) với chào bán thêm ra công chúng dẫn đến trường hợp có nhiều doanh nghiệp phát hành với giá trị lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, gây tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư.

Do đó, dự thảo Luật lần này chuẩn hóa một số điều kiện chào bán IPO như nâng vốn điều lệ đã góp (từ 10 tỷ lên 30 tỷ), phải có lãi 2 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán (luật cũ là 1 năm) đồng thời không có lỗ lũy kế, ít nhất 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải cổ đông lớn và 10% đối với doanh nghiệp trên 1.000 tỷ; cổ đông lớn phải nắm giữ ít nhất 20% vốn tối thiểu 1 năm kể từ lúc kết thúc chào bán, gắn chào bán với đăng ký giao dịch và niêm yết.

Dự thảo cũng quy định doanh nghiệp khi chào bán ra công chúng không lớn hơn tổng giá trị cổ phiếu lưu hành theo mệnh giá (hiểu nôm na mức phát hành tối đa là 1:1), trừ trường hợp có bảo lãnh phát hành với cam kết chắc chắn nhận mua toàn bộ cổ phiếu của tổ chức phát hành để bán lại hoặc mua số cổ phiếu còn lại chưa được phân phối hết của tổ chức phát hành, phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu (thưởng cổ phiếu), phát hành để hoán đổi, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp.

Đối với việc chào bán riêng lẻ, đối với công ty đại chúng quy định đối thượng tham gia chỉ bao gồm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và nhà đầu tư chiến lược, bị hạn chế chuyển nhượng (tối thiểu 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và tối thiểu 1 năm với nhà đầu tư chuyên nghiệp).

Về việc chào mua công khai

Để đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động chào mua công khai, tránh việc thâu tóm doanh nghiệp không công bằng, dự thảo Luật sửa đổi quy định rõ các chủ thể phải thực hiện chào mua công hai, sửa đổi các mốc sở hữu cụ thể phải chào mua công khai (25%, 35%, 45%, 55%, 65%, 75%).

Về công ty đại chúng, giảm điều kiện về cơ cấu cổ đông từ 20% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do 100 nhà đầu tư không phải cổ đông lớn nắm giữ (luật hiện hành) về 10%, để phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế.

Về công bố thông tin

Để khắc phục bất cập, hạn chế của Luật hiện hành, dự thảo Luật bổ sung các đối tượng phải công bố thông tin như tổ chức phát hành trái phiếu Doanh nghiệp ra công chúng, tổ chức niêm yết trái phiếu doanh nghiệp, cổ đông lớn, nhóm người có liên quan sở hữu 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty đại chúng, nhà đầu tư, nhóm người có liên quan sở hữu 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng, cổ đông sáng lập trong thời gain bị hạn chế chuyển nhượng, người nội bộ và người liên quan của người nội bộ, nhóm NĐT nước ngoài có liên quan sở hữu từ 5% trở trên số cổ phiếu đang lưu hành có quyền biểu quyết của một tổ chức phát hành hoặc chứng chỉ quỹ của quỹ đóng.

Dự thảo Luật cụ thể hóa quyền hạn của UBCK và các Sở giao dịch, bổ sung một số quyền của UBCK như yêu cầu cơ quan, tổ chức cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu hoặc yêu cầu giải trình, đến làm việc liên quan đến nội dung thanh tra; yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản của khách hàng đối với các trường hợp có dấu hiệu thực hiện hành vi bị cấm trong hoạt động chứng khoán; Yêu cầu DN viễn thông cung cấp tên, địa chỉ, số máy gọi để xác minh hành vi bị cấm.

Theo bà Phương, tất cả nội dung trong Luật Chứng khoán sửa đổi lần này đều nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Thu hút vốn nước ngoài không chỉ là câu chuyện của riêng ngành chứng khoán. Trong thời gian qua các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản rất quan tâm đến TTCK Việt Nam. Đó là sự nỗ lực của toàn bộ nền kinh tế và Bộ Tài chính khi hàng năm đều tổ chức các đợt xúc tiến đầu tư tại nước ngoài. Tất nhiên, không thể tất cả nội dung trên thị trường đều được quy định chi tiết trong dự thảo Luật này. Theo bà Phương, ngành chứng khoán rất linh hoạt trong khi việc sửa Luật cần có thời gian làm theo quy trình. Do đó một số nội dung trong Luật được giao cho Chính phủ hoặc Bộ Tài chính hướng dẫn để đảm bảo tính thị trường và linh hoạt.

Tâm An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên