Dự thảo Luật gây hiểu nhầm do một dấu chấm phẩy khiến hiệu trường Marie Curie đòi nhảy lầu sẽ được sửa đổi
Trong buổi toạ đàm về những nội dung liên quan tới Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức, nỗi trăn trở bức xúc của các trường phổ thông tư thục đã được tháo gỡ và giải đáp cụ thể.
Tại Hội thảo Quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, trường tư thục trong Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) diễn ra hôm 8/5, nhiều nhà đầu tư tỏ ra vô cùng lo lắng sẽ bị tước quyền điều hành nhà trường vì dự thảo này. Theo VOV, thầy giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) không giấu nổi sự bức xúc và nói: “Nếu không giữ được quyền sở hữu và điều hành, thì tôi sẽ nhảy cầu Thăng Long".
Sau khi nhận được bản kiến nghị của nhiều trường phổ thông tư thục, ngày 11/5, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có buổi tọa đàm với đại diện hơn 20 trường phổ thông tư thục về những nội dung liên quan tới Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).
"Con tim tôi đã vui trở lại"
Chiều nay (13/5), trao đổi với các phóng viên về kết quả buổi toạ đàm ngày 11/5, thầy Nguyễn Xuân Khang cho biết "con tim tôi đã vui trở lại", bởi sự lo lắng, trăn trở của những ngày qua cuối cùng cũng đã được giải tỏa.
Trước đó, các trường phổ thông tư thục lo lắng điều 56 dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ loại bỏ hội đồng quản trị của trường tư hiện nay, tức là loại bỏ tổ chức đại diện của nhà đầu tư ở loại hình tư thục. Nếu đúng là như vậy thì đồng nghĩa với việc nhà đầu tư có nguy cơ bị tước đoạt quyền điều hành nhà trường. Theo chia sẻ của thầy Khang, những bức xúc này đã được giải quyết ổn thoả trong buổi gặp mặt nói trên.
Thầy giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) bày tỏ sự vui mừng khi các lo lắng trăn trở những ngày qua đã được tháo gỡ.
Cụ thể, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội, đồng thời là người điều hành buổi toạ đàm cho biết, ý tưởng của điều luật đúng là muốn tách hội đồng quản trị ra khỏi trường tư, nhưng điều đó không có nghĩa là không thừa nhận quyền sở hữu và điều hành của các nhà đầu tư. Điều luật được đưa ra nhằm mục đích thay đổi cơ cấu các trường tư theo hướng thuần tuý giáo dục, tức là chỉ có ban giám hiệu, tổ bộ môn và các cơ quan đoàn thể thông thường như chi bộ, công đoàn..., còn Hội đồng quản trị sẽ được tách ra và thành lập dưới dạng công ty với tư cách một tổ chức kinh tế độc lập để quản lý và điều hành từ phía ngoài.
Đại diện ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án luật Giáo dục (sửa đổi) thống nhất sẽ sửa lại dự thảo luật rõ ràng hơn theo hướng tất cả các trường tư thục muốn thành lập trường thì trước hết phải thành lập công ty để sở hữu và quản lý trường theo luật Đầu tư và luật Doanh nghiệp hiện hành.
Thầy Khang cho biết cá nhân mình và đại diện các trường tư thục có mặt trong buổi toạ đàm đều cảm thấy thoải mái và đồng tình với phương án sửa đổi này. Với nhiều trường như Marie Curie Hà Nội, đã thành lập hàng chục năm nay mà không hề có công ty sở hữu thì sau khi luật được ban hành sẽ thực hiện theo hướng dẫn của nghị định. Ngoài ra, các vướng mắc về mã số thuế sẽ có thêm nghị định thông tư tháo gỡ trong tương lai.
Điều luật dự thảo gây hiểu lầm do cách sử dụng dấu chấm, phẩy trong văn bản
Trong Khoản 3 Điều 56 của Dự thảo có mục 3.a) là quy định cho các trường tư thục. Theo đó thì Hội đồng trường "bao gồm đại diện nhà đầu tư, thành viên trong và ngoài trường do hội nghị nhà đầu tư bầu, quyết định theo tỷ lệ vốn góp". Như vậy có nghĩa Nhà đầu tư hoặc những ai góp vốn hoàn toàn quyết định thành phần của Hội đồng trường.
Tuy nhiên, "dấu chấm phẩy"(;) đặt cuối mục 3.a) lại chính là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư hiểu lầm rằng đoạn văn bản dưới mục 3.b): "Thành viên trong trường gồm có các thành viên đương nhiên là bí thư cấp ủy, chủ tịch công đoàn, đại diện ban chấp hành đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là người học của trường (nếu có), hiệu trưởng; thành viên bầu là đại diện giáo viên và người lao động do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường bầu; Thành viên ngoài trường là đại diện lãnh đạo nhà quản lý, nhà giáo dục, doanh nhân, cựu học sinh do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường bầu;" cũng dành cho cả mục 3.a) và dẫn đến sự bức xúc.
Thầy Khang chỉ ra "Đây là lỗi kỹ thuật của người làm văn bản". Để chuẩn về văn bản thì chỉ cần thay dấu "chấm phẩy" (;) bằng dấu "chấm"(.) là sẽ tháo gỡ được sự búc xúc và hiểu lầm. Ban soạn thảo đã ghi nhận điều này.
Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang được học trò Marie Curie ưu ái gọi là "ông nội"
Bên cạnh niềm vui vì quyền sở hữu và quyền điều hành của những người đầu tư thành lập trường đã không còn nguy cơ đe dọa, thầy Nguyễn Xuân Khang cũng bày tỏ lòng cảm kích với cách xử lý kịp thời và hợp tình hợp lý của cơ quan chức năng. Chỉ sau 2 ngày nhận được văn bản kiến nghị từ phía các trường tư thục, các nhà chức trách đã nhanh chóng tổ chức cuộc họp để lắng nghe, giải thích cũng như đưa ra những sửa đổi cần thiết. Đây là cách làm luật hết sức văn minh, dân chủ, đem lại niềm tin cho mọi người.
Helino