MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự thảo luật kinh doanh bảo hiểm... khó thực thi

Dự thảo luật kinh doanh bảo hiểm... khó thực thi

Nhiều quy định trong Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) do Bộ Tài Chính soạn thảo được đánh giá là khó thực thi.

Với hơn 20 năm ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và với 2 lần sửa đổi Luật này, các quy định giao kết hợp đồng của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn nên còn tạo ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động bảo hiểm và dẫn đến các xung đột, tranh chấp trong lĩnh vực này.

Dự thảo luật kinh doanh bảo hiểm... khó thực thi - Ảnh 1.

Các quy định giao kết hợp đồng của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn nên còn tạo ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động bảo hiểm và dẫn đến các xung đột, tranh chấp trong lĩnh vực này.


Quy định giao kết hợp đồng chưa phù hợp

Khoản 2 Điều 16 Dự thảo Luật quy định thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm là thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận bảo hiểm căn cứ vào yêu cầu bảo hiểm của bên mua bảo hiểm. Bằng chứng chấp nhận bảo hiểm là hợp đồng bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm, điện báo, telex, fax và các hình thức khác do pháp luật quy định.

Khoản 1 Điều 400 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết”. Trong thực tiễn bảo hiểm, có rất nhiều trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm mới là chủ thể đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng, bên mua bảo hiểm là chủ thể chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.

Ví dụ, khi có nhu cầu mua bảo hiểm, bên mua bảo hiểm sẽ cung cấp thông tin để doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng bản báo giá (đề nghị giao kết hợp đồng) và gửi tới bên mua bảo hiểm.

Trong trường hợp này, thời điểm bên mua bảo hiểm chấp thuận bản báo giá của doanh nghiệp bảo hiểm sẽ được xác định là thời điểm giao kết hợp đồng theo khoản 1 Điều 400 Bộ luật Dân sự 2015.

Do đó, việc quy định thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm “doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận bảo hiểm căn cứ vào yêu cầu bảo hiểm của bên mua bảo hiểm” như Dự thảo là chưa thực sự phù hợp.

Từ kinh nghiệm bản thân, tôi cho rằng có thể nên sửa lại theo tinh thần của khoản 1 Điều 400 Bộ luật Dân sự 2015 để bao quát được cả trường hợp này.

Hiện nay vẫn còn những bất đồng liên quan tới việc xác định thời điểm giao kết HĐBH xuất phát từ quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 400 của Bộ luật Dân sự 2015 về thời điểm giao kết hợp đồng: “Hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết” “Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản.”

Thực tế trong giao dịch bảo hiểm có nhiều trường hợp có cả 02 mốc thời gian trên: Thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm nhận được chấp nhận giao kết của khách hàng/bên mua bảo hiểm với bản báo giá của doanh nghiệp bảo hiểm; và Thời điểm bên mua bảo hiểm ký vào HĐBH bản cứng do doanh nghiệp bảo hiểm phát hành .

Đã có những tranh cãi về thời điểm nào được xác định là thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm. Trên thực tế còn có cả trường hợp HĐBH chỉ có chữ ký của doanh nghiệp bảo hiểm do bên mua bảo hiểm nhận được hợp đồng bảo hiểm bản cứng do doanh nghiệp bảo hiểm gửi nhưng không ký vào hợp đổng bảo hiểm. 3. Các bằng chứng chấp nhận bảo hiểm trong quy định tại khoản 2 Điều 16 đang có xu hướng xác định theo mốc thời gian doanh nghiệp bảo hiểm phát hành ra hợp đồng bảo hiểm thay vì là thời điểm các bên thống nhất được ý chí với nhau về việc giao kết hợp đồng bảo hiểm (chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng).

Do đó, cần làm rõ “các hình thức khác” trong quy định này là gì, ví dụ như xác nhận của một bên (như bên mua bảo hiểm) đối với đề nghị giao kết HĐBH (như bản báo giá của doanh nghiệp bảo hiểm) qua email có được coi là một “hình thức khác” hay không?

Quy định bồi thường bảo hiểm chưa rõ ràng

Khoản 3 Điều 16 Dự thảo quy định trường hợp bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Từ góc nhìn của một Luật sư, tôi cho rằng quy định này chưa thực sự rõ ràng và có thể mâu thuẫn trong trường hợp sự kiện bảo hiểm xảy ra trước khi kết thúc thời hạn đóng phí bảo hiểm theo quy định tại hợp đồng. Khi đó, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn có trách nhiệm bồi thường/trả tiền bảo hiểm.

Xin lấy một dẫn chứng đơn giản, các bên giao kết HĐBH vào ngày 1/1, thời hạn bảo hiểm cũng là ngày 1/1, còn thời hạn đóng phí là 30 ngày kể từ ngày giao kết HĐBH. Sự kiện bảo hiểm xảy ra vào ngày 15/1 và bên mua bảo hiểm vẫn chưa đóng phí vào thời điểm đó, tuy nhiên doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm cho sự kiện này.

(*) Văn phòng luật sư NHQuang & Cộng sự, Chủ tịch Trung tâm Hoà giải Thương mại Quốc tế Việt Nam

Theo LS Nguyễn Hưng Quang

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên