MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự thảo luật Xuất nhập cảnh: UBTVQH đề nghị bổ sung tạm hoãn xuất cảnh với cán bộ đang thi hành án

Trong báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án.

Chiều 28/10, trình bày cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Quốc hội Võ Trọng Việt, cho biết, dựa trên cơ sở ý kiến của ĐBQH và căn cứ tình hình thực tiễn, UBTVQH đề nghị bổ sung tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp cụ thể nhằm ngăn chặn việc bỏ trốn.

Cụ thể, UBTVQH đề nghị bổ sung tạm hoãn xuất cảnh với các trường hợp: "Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn. Người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án; người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế và người đang bị cưỡng chế, người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn".

Quy định hoãn suất cảnh cũng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và cho ý kiến trong phiên thảo luận tại hội trường chiều 28/10. Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho rằng quy định xung quanh Điều 36 và Điều 37 về tạm hoãn và thủ tục tạm hoãn xuất, nhập cảnh trong dự thảo luật là không cần thiết.

Cụ thể, 3 đối tượng mà Khoản 2, Điều 36 của dự thảo luật đưa vào diện hoãn suất cảnh (người đang chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian thử thách, người được tha tù có điều kiện trước thời hạn và người được hưởng án treo) đã được quy định là không được xuất nhập cảnh theo Luật Thi hành án hình sự.

Trong khi đó, Điều 37 có viện dẫn thẩm quyền tạm hoãn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và pháp luật thi hành án hình sự nhưng luật này không quy định về thẩm quyền tạm hoãn với các trường hợp này mà được dùng như biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự thì theo Điều 124 Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo ông Bộ, những điều khoản này cũng không cần thiết.

Dự thảo luật Xuất nhập cảnh: UBTVQH đề nghị bổ sung tạm hoãn xuất cảnh với cán bộ đang thi hành án - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên họp.

Trong khi đó, Đại biểu Y Nhàn (Kon Tum) có ý kiến với Khoản 7, Điều 36 của dự thảo luật. Theo khoản 7 điều luật thì người bị kiểm tra, thanh tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó bỏ trốn.

"Tôi thấy hiện nay chúng ta đang đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, các hành vi này thường sẽ xử lý hình sự. Người có hành vi tham nhũng khi bị kiểm tra, thanh tra rất hay bỏ trốn, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, thanh tra, cũng như chuyển sang xử lý hình sự", Đại biểu Nhàn nêu rõ.

Theo đó, để phòng ngừa bỏ trốn, Đại biểu Nhàn đề nghị nếu sau khi thanh tra, kiểm tra chuyển sang xử lý hình sự mà có dấu hiệu bỏ trốn hoặc xét thấy cần thiết ngăn chặn thì nên quyết định tạm hoãn xuất cảnh ngay chứ không cần phải là hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng như quy định của dự thảo.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) thì đề nghị Ban soạn thảo cần phải cụ thể hoá các tiêu chí về tạm hoãn xuất, nhập cảnh để áp dụng trong thực tế không bị lúng túng, hạn chế thấp nhất những trường hợp quy định của pháp luật chuyên ngành khác.

"Cần phải xem xét lại quy định các trường hợp tạm hoãn xuất, nhập cảnh của luật này có phù hợp với những quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hay không vì trong Bộ luật Tố tụng dân sự chỉ quy định cấm xuất, nhập cảnh hoàn toàn không quy định về tạm hoãn xuất, nhập cảnh", ông Tạo lấy ví dụ và đề nghị cụ thể hóa các tiêu chí.

Tuy nhiên, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng do luật này tác động đến quyền tự do xuất, nhập cảnh và quyền này là quyền con người, được quy định trong Hiến pháp và các công ước quốc tế, nên cần thận trọng trong việc hạn chế xuất nhập cảnh.

"Tạm hoãn xuất, nhập cảnh là rất nhạy cảm và liên quan tới rất nhiều việc, ví dụ như đi sinh nhật con cái, cha mẹ, dự lễ tốt nghiệp của con, đi chữa bệnh, đi làm ăn, đi ký kết hợp đồng, v.v. cũng có ý nghĩa rất lớn cho nên tạm hoãn xuất, nhập cảnh là rất nhạy cảm", Đại biểu Nghĩa nhấn mạnh.

Ông Nghĩa cũng đề nghị cho phép người dân có quyền thực hiện khởi kiện hành chính với các quyết định hoãn xuất nhập cảnh trong trường hợp họ thấy đây là quyết định sai và ảnh hưởng đến quyền lợi công dân.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên