MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán 2019: Bỏ quy định cho phép công ty tự quy định room ngoại

Nghị định mới bỏ quy định cho phép công ty quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Trong trường hợp doanh nghiệp bị hạn chế room ngoại 49% thì nhà đầu tư nước ngoài có thể bị hạn chế đầu tư theo nhiều danh mục.

7 tháng kể từ sau khi Luật chứng khoán 2019 được ban hành, dự thảo đầu tiên của Nghị định hướng dẫn một số điều trong Luật được đưa ra lấy ý kiến. Bên cạnh các vấn đề đã được làm rõ trong Luật, quy định về sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài được quan tâm do đây là nội dung Quốc hội giao cho Chính phủ hướng dẫn.

Theo Dự thảo Nghị định mới, công ty đại chúng không thuộc trường hợp có ngành nghề tỷ lệ sở hữu nước ngoài do điều ước quốc tế quy định, ngành kinh doanh có điều kiện thì không hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Như vậy, Nghị định mới bỏ quy định cho phép công ty quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài, hạn chế các trường hợp công ty đại chúng quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp hơn mức pháp luật cho phép.

Hiện chỉ số ít các doanh nghiệp niêm yết có tỷ lệ sở hữu nước ngoài 100%, có thể kể đến như Chứng khoán SSI , Dược Hậu Giang ( DHG ), Domesco ( DMC ), Công ty PVI , Nhựa An Phát Xanh ( AAA )...Đa số doanh nghiệp không muốn mở cửa hoàn toàn và thiết lập tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 49% trong điều lệ. Điều này sẽ không còn được cho phép theo quy định mới có hiệu lực từ năm tới.

Tuy nhiên, với các trường hợp có tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá 49%, quy định mới siết chặt hơn khi bổ sung thêm danh mục ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong khi vẫn giữ nguyên danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (cả 2 danh mục này đều có trong Luật đầu tư sắp được Quốc hội thông qua trong tuần này). Điều này được hiểu là nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế đầu tư theo nhiều danh mục, và mâu thuẫn với quy định tại Luật đầu tư sắp được thông qua.

Luật Đầu tư bao gồm danh sách các lĩnh vực tiếp cận thị trường có điều kiện với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, 37 lĩnh vực có điều kiện hạn chế như viễn thông, tài chính, quảng cáo, xuất bản, giáo dục, vận tải, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp, sòng bạc, an ninh, khai thác cảng (sông, biển, bầu trời), bất động sản, phân phối, du lịch, thể thao và giải trí, vận hành chợ truyền thống, trao đổi hàng hóa, định giá, thuốc lá, ...). Ngoài ra, quan trọng hơn, danh sách này bao gồm hai nhóm ngành khác là 38 và 39.

Nhóm ngành 38 là nhóm các ngành, lĩnh vực kinh doanh mới chưa tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam tại thời điểm Luật này có hiệu lực. Nhóm ngành 38 được giải thích là “Những hoạt động kinh tế không thuộc Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam theo quyết định 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/07/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam”, hay đơn giản là các ngành chưa được liệt kê trong VSIC 2018 (Vietnam Standard Industrial Classification 2018). Như vậy, đây là một cách để hạn chế các ngành nghề kinh doanh mới phát sinh.

Về nhóm ngành 39 phân thành 2 phương án. Phương án 1 là các ngành, lĩnh vực khác mà Việt Nam chưa cam kết đối xử quốc gia với nhà đầu tư nước ngoài theo Biểu cam kết của Việt Nam theo Hiệp định GATS-WTO và pháp luật trong nước có quy định về điều kiện tiếp cận thị trường áp dụng riêng với nhà đầu tư nước ngoài. Phương án 2 quy định là các ngành, lĩnh vực khác mà Việt Nam chưa cam kết đối xử quốc gia với nhà đầu tư nước ngoài theo Biểu cam kết của Việt Nam theo Hiệp định GATS-WTO trừ một số ngành cụ thể (nhưng chưa được ghi rõ trong Nghị định).

Vì vậy, nhóm ngành 39 nếu không liệt kê cụ thể sẽ dẫn tới gồm tất cả các trường hợp còn lại trong các cam kết quốc tế của Việt Nam nên nếu chỉ với Nghị định hướng dẫn này, nhà đầu tư nước ngoài sẽ không thể xác định được ngành nghề kinh doanh đầu tư có thuộc danh mục hạn chế hay không.

Thùy Yên

Người đồng hành

Trở lên trên