MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự trữ ngoại hối kỷ lục gần 60 tỷ USD: Cao nhưng vẫn thấp

18-02-2018 - 10:03 AM | Tài chính - ngân hàng

Thông tin cho thấy dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã liên tục phục hồi kể từ năm 2016 và tăng mạnh vào năm 2017, hiện đã đạt gần 60 tỷ USD, là mức kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Đây quả thật là một tin vui trong những ngày Tết Nguyên đán, đánh dấu sự tiếp tục cải thiện và củng cố các nền tảng kinh tế quốc gia.

TS. Phan Minh Ngọc
TS. Phan Minh Ngọc
Công tác tại Singapore
211 bài viết

Tuy nhiên, nếu quy con số dự trữ ngoại hối trên tương đương với số tháng nhập khẩu (tính theo kim ngạch) của Việt Nam thì thực tế cho thấy chúng ta vẫn còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để có thể tạm thời bằng lòng với thành quả này.

Cụ thể, hãy lấy mốc tháng 1/2018 để tính toán. Kim ngạch nhập khẩu tháng 1/2018 của cả nước là 20,04 tỷ USD. Và giả sử con số dự trữ ngoại hối gần 60 tỷ USD là con số đạt được trong tháng 1/2018 thì mức dự trữ ngoại hối mới chỉ tương đương với đúng 3 tháng nhập khẩu của Việt Nam. Con số này tuy là một sự cải thiện nhẹ so với 2,9 tháng trong năm 2017 và 2,8 tháng trong năm 2016 nhưng cũng chỉ vừa đúng bằng con số tối thiểu 3 tháng nhập khẩu mà thế giới khuyến nghị để có thể gọi quỹ dự trữ ngoại hối của một nước nào đó là đủ lớn trong việc đối phó với các cú sốc ngoại lai.

Hơn nữa, nếu so với 9 quốc gia thành viên của ASEAN khác thì có thể thấy mặc dù dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã liên tục được cải thiện trong hơn 2 năm gần đây nhưng con số này nếu quy ra số tháng nhập khẩu của Việt Nam vẫn thuộc dạng rất thấp so với khu vực, có thể chỉ cao hơn Myanmar và/hoặc Lào trong cùng khoảng thời gian, trong khi các nước khác đều có dự trữ ngoại hối tương đương với từ trên 6 tháng đến cả hơn 1 năm nhập khẩu của họ.

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam và ASEAN tính theo tháng nhập khẩu

Dự trữ ngoại hối kỷ lục gần 60 tỷ USD: Cao nhưng vẫn thấp - Ảnh 1.

Nguồn: ADB và tổng hợp từ truyền thông trong nước


Sự so sánh nêu trên cho thấy Việt Nam cần phải một mặt tiếp tục bổ sung và củng cố dự trữ ngoại hối, mặt khác phải hạn chế tốc độ tăng trưởng nhập khẩu ở mức quá nhanh như hiện nay (20% năm 2017 và tới 52% trong tháng 1/2018) để đưa mức dự trữ ngoại hối từ mức đáy của khu vực lên ngang bằng với mức trung bình trong khu vực.

Cho dù tăng nhập khẩu là điều không thể tránh khỏi khi bản chất nền kinh tế vẫn là kinh tế gia công nên xuất khẩu tăng mạnh cũng sẽ lôi kéo theo nhập khẩu tăng mạnh (xuất khẩu tăng 21% năm 2017 và 41% tháng 1/2018) nhưng việc để tăng trưởng nhập khẩu với tốc độ xấp xỉ và thậm chí còn nhanh hơn cả tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cho thấy nền kinh tế vẫn còn tiếp tục dễ bị tổn thương và chưa được cải thiện nhiều về nền tảng cơ sở.

Ngoài ra, việc kiềm chế nhập khẩu không chỉ sẽ giúp ích trực tiếp cho việc làm lành mạnh dự trữ ngoại hối ở trên giác độ là làm tăng số tháng nhập khẩu quy đổi mà còn gián tiếp làm tăng dự trữ ngoại hối cũng như số tháng nhập khẩu quy đổi nhờ phần thặng dư thương mại (xuất khẩu lớn hơn nhập khẩu) ngày càng tăng lên, cuối cùng thì cũng sẽ được bổ sung trực tiếp vào quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia.

Như vậy, có thể nói rằng điều quan trọng hơn với và là hướng tiếp tục phấn đấu nỗ lực cho Việt Nam hiện nay là phải tiếp tục đạt được thặng dư thương mại ngày càng lớn, thay vì quá chăm chú và an lòng với sự tăng nhanh về con số tuyệt đối của dự trữ ngoại hối như trong thời gian vừa qua.

TS. Phan Minh Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên