Dù tỷ lệ hộ dân sở hữu ô tô cao nhưng những địa phương này không nằm trong top thu nhập bình quân cao nhất cả nước
Ảnh minh họa
Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Hà Nội là địa phương có tỷ lệ hộ sở hữu ô tô cao nhất cả nước và xếp thứ 3 trên cả nước về mức thu nhập bình quân đầu người.
- 25-07-2022Thu nhập của nhóm người giàu nhất tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương đã thay đổi ra sao trong 10 năm?
- 25-07-2022Những địa phương thu hút người di cư nhất có thu nhập bình quân bao nhiêu?
- 24-07-2022Những địa phương có chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ
Theo kết quả điều tra, trung bình cả nước có 5,7% tổng số hộ gia đình có xe hơi. Trong đó, tỷ lệ của khu vực thành thị là 9,5%, cao gấp gần 3 lần so với nông thôn.
Xét theo từng địa phương, Hà Nội là địa phương có tỷ lệ hộ gia đình sở hữu ô tô cao nhất cả nước với 12%. Tiếp sau đó là Đà Nẵng và Thái Nguyên với tỷ lệ trên 10%.
Quảng Ninh và Vĩnh Phúc xếp thứ 4 và thứ 5 với tỷ lệ hộ dân sở hữu xe hơi lần lượt là 9,6% và 9,4%.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Một số tỉnh, thành khác cũng lọt top địa phương có tỷ lệ hộ sở hữu xe hơi cao là Lào Cai, Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn và Nghệ An. Đặc biệt trong danh sách này có 4 tỉnh thuộc miền núi phía Bắc.
Xét về thu nhập, theo báo cáo Khảo sát mức sống 2021 của Tổng cục Thống kê chỉ có 4/10 tỉnh, thành nằm trong top 10 địa phương có thu nhập bình quân (TNBQ) đầu người cao nhất cả nước. Trong 10 địa phương này, cũng chỉ có 5 tỉnh, thành có mức TNBQ đầu người cao hơn so với trung bình cả nước là 4,2 triệu đồng/tháng.
Cụ thể, địa phương có tỷ lệ hộ dân sở hữu xe ô tô cao nhất là Hà Nội có mức TNBQ đầu người 6 triệu đồng/tháng, xếp thứ 3 trên cả nước. Đà Nẵng xếp thứ 5 trên cả nước về TNBQ với mức 5,23 triệu đồng/người/tháng.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Ngoài ra, chỉ có Bắc Ninh và Vĩnh Phúc cũng nằm trong top 10 địa phương có TNBQ đầu người cao nhất cả nước. Bắc Ninh xếp thứ 7 với mức thu nhập gần 5 triệu đồng/người/tháng. Vĩnh Phúc nằm ở vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành và có TNBQ đầu người là 4,51 triệu đồng/tháng.
Các tỉnh như Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên nằm trong top 25 về mức TNBQ đầu người. Tại Quảng Ninh, trung bình một người có thu nhập 4 triệu đồng mỗi tháng. Ở Bắc Giang và Thái Nguyên, con số này lần lượt là 3,97 triệu đồng và 3,8 triệu đồng.
3 tỉnh còn lại là Nghệ An, Lào Cai và Lạng Sơn tuy có tỷ lệ hộ gia đình sở hữu ô tô cao nhưng lại có mức TNBQ khá thấp và nằm ở top dưới về TNBQ. Nghệ An có mức thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng và xếp thứ 45 trên cả nước. 2 tỉnh thuộc miền núi phía Bắc Lào Cai và Lạng Sơn có mức TNBQ đầu người là 2,5 triệu đồng/tháng và 2,4 triệu đồng/tháng, lần lượt ở hạng 55 và 56/63 tỉnh, thành trên cả nước.