MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đưa dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội dần về đích

Đưa dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội dần về đích

Được đánh giá là dự án chậm tiến độ và đội vốn kỷ lục, dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm Nhổn – ga Hà Nội sau khi được tháo gỡ các vướng mắc đang được chủ đầu tư và nhà thầu đẩy nhanh tiến độ triển khai, trước mắt đưa vào vận hành đoạn trên cao vào cuối năm 2022.

Ngày đầu chạy thử đạt hiệu suất 100%

Đưa dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội dần về đích - Ảnh 1.

Tại Depot Nhổn (Hà Nội), những đoàn tàu đầu tiên trên tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội đã chính thức được vận hành chạy thử trong môi trường hạn chế. Ảnh: Trung Nguyên/Báo Tin tức

Ngày 6/12, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, tuyến đường sắt đô thị thí điểm, đoạn Nhổn – ga Hà Nội chính thức vận hành thử đoạn trên cao vào ngày 5/12 và đạt hiệu suất 100% trong ngày vận hành đầu tiên.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2 sẽ diễn ra ngay sau khi hoàn thành đánh giá hiệu suất RAMs, với 5 kịch bản vận hành đoàn tàu hạn chế ở các chế độ: mất điện kéo trên toàn tuyến, mất điện kéo ở một đoạn trên tuyến, mất nguồn cấp điện phụ trợ, phát hiện cháy tại một ga và tàu cứu hộ trên tuyến chính.

Đoàn tàu vận hành theo biểu đồ chạy tàu cho ngày trong tuần, vào các khung giờ thấp điểm, dự án vận hành 3 - 4 đoàn tàu, còn đối với các khung giờ cao điểm vận hành tối đa 8 đoàn tàu. Bắt đầu từ 8 giờ sáng với công tác chuẩn bị kỹ thuật, đoàn tàu đã chạy thử liên tục đến 20 giờ. Quá trình chạy thử diễn ra thuận lợi, tính khả dụng của hệ thống đạt 100%.

Trong quá trình chạy thử tàu có sự tham gia của Chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, đơn vị tư vấn, các nhà thầu và đơn vị sẽ tiếp nhận vận hành là Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội, ngoài ra còn có sự chứng kiến của đơn vị đánh giá độc lập (tư vấn ABC) để đánh giá kết quả chạy thử, cách quản lý/kiểm soát an toàn trong và sau chạy thử,...

Theo Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, quá trình vận hành thử gồm 2 giai đoạn. Hiện dự án đang triển khai giai đoạn 1 bao gồm vận hành hệ thống để đo lường hiệu suất RAMs. Trong giai đoạn này, dự án sẽ vận hành theo 2 lịch chạy tàu: vận hành tối đa 4 đoàn tàu theo lịch chạy tàu cuối tuần, vận hành tối đa 8 đoàn tàu theo lịch chạy tàu ngày trong tuần, thời gian từ 9 giờ -19 giờ. Các đoàn tàu sẽ khởi hành từ Depot Nhổn đến ga S8 - Đại học Giao thông Vận tải và ngược lại. Đoàn tàu sẽ dừng tại mỗi ga 20 giây, thời gian chạy 1 chiều khoảng 16 phút và thời gian đoàn tàu chạy 1 vòng (cả chiều đi và về) bao gồm cả quay đầu khoảng 32 phút.

Hiệu suất được đo đạc hàng ngày qua hệ thống ATS và được báo cáo, tóm tắt tại cuộc họp 19 giờ hàng ngày. Trường hợp mục tiêu hiệu suất chạy thử trong 5 ngày liên tiếp không đạt được (nếu tính khả dụng của hệ thống đạt dưới 98%), việc chạy thử có thể kéo dài tới 6 tuần cho đến khi đạt kết quả.

Việc đoàn tàu Nhổn – ga Hà Nội vận hành thử là tín hiệu vui được người dân Thủ đô chờ đợi về sự góp mặt thêm một tuyến đường sắt đô thị hiện đại phục vụ nhu cầu đi lại của người dân vào cuối năm nay.

Tiến dần về đích

Đưa dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội dần về đích - Ảnh 2.

Dự án metro Nhổn – ga Hà Nội đang được xây dựng với chiều dài 12,5 km, trong đó đoạn trên cao 8,5 km từ Nhổn – Cầu Giấy đang trong giai đoạn hoàn thiện, còn 4 km đoạn ngầm dự kiến hoàn thành năm 2027. Ảnh: Trung Nguyên/Báo Tin tức

Được khởi công chính thức từ năm 2010 nhưng quá trình thực hiện dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm Nhổn – ga Hà Nội gặp nhiều vướng mắc, khó khăn tồn tại nhiều năm dẫn đến chậm tiến độ kéo dài, tăng vốn đầu tư nên phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay, điều chỉnh hợp đồng hết sức phức tạp, nảy sinh các vấn đề khiếu kiện.

Nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ là do chậm trễ, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án. Năng lực triển khai thực hiện dự án của chủ đầu tư và sự phối hợp giữa đơn vị tư vấn, chủ đầu tư và các sở/ngành liên quan còn nhiều hạn chế, yếu kém. Năng lực nhà thầu Hancorp là nhà thầu thực hiện gói thầu CP05 - Công trình kiến trúc depot còn hạn chế và chậm trễ trong việc thực hiện các yêu cầu của chủ đầu tư và UBND thành phố.

Bên cạnh đó là các vướng mắc liên quan đến sự khác biệt giữa quy định của Hợp đồng FIDIC và pháp luật Việt Nam hiện hành, quy về giao kế hoạch vốn ODA của Việt Nam và quy định của các nhà tài trợ; các vướng mắc quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá, giá vật tư, thiết bị chuyên ngành đường sắt đô thị; cơ chế, chính sách và quy định về giải phóng mặt bằng rất phức tạp; vướng mắc liên quan đến trình tự thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh gia hạn các khoản vay kéo dài. Ngoài ra, đại dịch COVID – 19 cũng ảnh hưởng đến việc triển khai dự án, khiến dự án bị chậm tiến độ.

Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND thành phố cũng như các đơn vị liên quan, đến nay các vướng mắc của dự án đã cơ bản được tháo gỡ. Theo Phó Giám đốc Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội Lê Trung Hiếu, hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng và đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi tuyến hầm đã được giải quyết dứt điểm, triệt để; năng lực của đơn vị chủ đầu tư và sự phối hợp giữa chủ đầu tư với các sở, ngành được cải thiện... Hiện chỉ còn vướng mắc liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá, giá vật tư, thiết bị chuyên ngành đường sắt đô thị. Nhờ tháo gỡ các vướng mắc, dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội đang được tích cực triển khai đưa dự án tiến dần về đích. Hiện, dự án đã hoàn thành gói thầu thi công đoạn trên cao và gói thầu kỹ thuật hạ tầng depot, đang chạy thử đoạn trên cao dự kiến đưa vào vận hành chính thức vào cuối năm nay.

Trước đó, sáng 7/8, tại cuộc làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, đơn vị nhà thầu thi công và thành phố Hà Nội để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu hoàn thành đoạn trên cao đường sắt Nhổn - ga Hà Nội chậm nhất là 31/12/2022 và rút ngắn ít nhất một nửa thời gian hoàn thành đoạn đi ngầm của dự án so với đề xuất của đơn vị tư vấn là năm 2027.

Theo quy hoach giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, thành phố Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị. Hệ thống đường sắt đô thị này được kỳ vọng là xương sống của giao thông vận tải thành phố, gắn kết với xe buýt và các phương thức vận tải công cộng khác. Sau khi hoàn thành, hệ thống đường sắt đô thị này sẽ tạo nên những trục chính của mạng lưới vận tải hành khách công cộng tại Thủ đô.

Trong số 10 tuyến đường sắt đô thị được quy hoạch cho giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được đưa vào hoạt động, phát huy hiệu quả, được dư luận và người dân đánh giá cao vì sự văn minh, hiện đại.

Tuy nhiên, để các tuyến đường sắt phát huy hiệu quả cần khớp nối với các tuyến đường sắt đô thị khác và các phương tiện xe buýt, và các phương thức vận tải khách công cộng khác.

“Tôi đã đi qua rất nhiều quốc gia, được trải nghiệm các dịch vụ vận tải công cộng của họ, trong đó có các tuyến đường sắt trên cao, tôi thấy tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông không thua kém gì, thậm chí còn mới và đẹp hơn một số tuyến ở các nước châu Âu. Nhưng tàu Cát Linh – Hà Đông mới chạy được quãng đường ngắn, tôi rất mong tàu Nhổn – ga Hà Nội sớm đưa vào hoạt động và kết nối với các tuyến xe buýt giúp người dân đi lại thuận tiện hơn, như vậy thì các tuyến đường sắt trên cao mới khai thác được hết công suất”, chia sẻ của chị Lê Thu Nga (Hà Đông) cũng là mong muốn chung của nhiều người dân Thủ đô.

Hy vọng với 2 tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – ga Hà Nội đưa vào khai thác sẽ giúp việc đi lại giữa các khu dân cư, khu công nghiệp, trường học, bệnh viện... được dễ dàng, thuận tiện hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các khu vực và đô thị dọc tuyến đường sắt ngày càng phát triển văn minh, hiện đại.

Theo Tuyết Mai

Báo Tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên