MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đua làm điện gió để hưởng giá tốt

Nếu có chính sách phù hợp và kiểm soát chặt chẽ, Việt Nam có thể trở thành thị trường mới nổi trong lĩnh vực điện gió.

Làn sóng làm điện gió tại ĐBSCL thời gian qua khá nhộn nhịp bởi nhiều doanh nghiệp (DN) muốn tận dụng mức giá 9,8 cent/KWh đối với dự án điện gió ngoài khơi và 8,5 cent/KWh cho dự án trên bờ.

Hút vốn tư nhân

Cuối tháng 2-2020, hai nhà đầu tư là Công ty Janakuasa Pte Ltd (Singapore) và Công ty CP Năng lượng tái tạo Ecotech Trà Vinh tổ chức lễ động thổ Dự án Nhà máy Điện gió Hiệp Thạnh công suất 78 MW tại tỉnh Trà Vinh. Dự án có vốn đầu tư gần 3.400 tỉ đồng, sử dụng gần 2.800 ha mặt đất và mặt nước, sản lượng 300 triệu KWh điện/năm. Chủ đầu tư dự án đặt tham vọng tới đầu năm 2021 sẽ đưa các tua-bin gió đầu tiên vào hoạt động và hoàn thành toàn bộ dự án vào giữa năm 2021, thậm chí có thể sớm hơn. "Chúng tôi tự tin sẽ vận hành thương mại sớm đáng kể so với mốc thời gian trên và sẽ là nhà đầu tư điện gió đầu tiên đưa dự án điện gió vào vận hành ở tỉnh Trà Vinh" - ông Ti Chee Liang, Chủ tịch Công ty CP Năng lượng tái tạo Ecotech Trà Vinh, không giấu giếm.

Cách đây ít ngày, Nhà máy Điện gió số 3 của Công ty TNHH BPP Vĩnh Châu Wind Power cũng được khởi công xây dựng ở tỉnh Sóc Trăng với công suất giai đoạn I là 29,4 MW, tổng mức đầu tư 1.365 tỉ đồng. Ngày 5-3, một dự án điện gió khác với quy mô 129 MW sẽ được khởi công tại thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) bởi chủ đầu tư là Công ty TNHH Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng.

Theo thống kê của Ban Thị trường điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến hết tháng 1-2020, ngoài 9 dự án điện gió đã được cấp chứng nhận vận hành thương mại còn có 31 dự án với tổng công suất 1.645 MW đã ký hợp đồng mua bán điện. Ngoài ra, khoảng 60 dự án đã bổ sung quy hoạch đến năm 2025 với tổng công suất khoảng 2.700 MW.

Ông Scott Powers, Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam Á của Công ty Siemens Gamesa Renewable Enegry Vietnam - đơn vị cung cấp thiết bị cho nhiều dự án điện gió tại Việt Nam, cho rằng với mức giá 9,8 cent/KWh cho dự án điện gió ngoài khơi và 8,5 cent/KWh cho dự án trên bờ áp dụng đến tháng 11-2021 (được đánh giá là khá tiềm năng so với mức 7,8 cent/KWh được đề cập hồi năm 2018), Việt Nam có thể trở thành thị trường mới nổi trong lĩnh vực điện gió.

Đua làm điện gió để hưởng giá tốt - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp đang đầu tư dự án điện gió ở đồng bằng sông Cửu Long

Thiếu nhiều quy định

Tuy đang có giá tốt nhưng thực tế, nhà đầu tư vẫn phân vân do thiếu nhiều quy định liên quan đến xây dựng các dự án điện gió. Ông Ti Chee Liang cho biết hiện chưa có quy định cụ thể về xây dựng điện gió ven bờ khiến nhà đầu tư và cấp có thẩm quyền phải cân nhắc kỹ càng. "Vì chưa có quy định rõ ràng về việc thuê mặt biển nên chúng tôi phải trao đổi với Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thuê mặt biển theo diện tích chân cột tua-bin hay cả khu vực mặt biển với chi phí thuê tăng đáng kể. Ngoài ra, các dự án điện gió ven bờ cũng chưa có các quy định ưu đãi về thuê biển và ưu đãi thuế như các dự án điện gió trên bờ" - ông Ti Chee Liang cho biết.

Nhấn mạnh điện gió là nguồn năng lượng có ưu thế trong sản xuất điện tương lai và sẵn sàng tiếp tục đầu tư nếu được trao thêm cơ hội nhưng ông Ti Chee Liang lưu ý nếu không tìm hiểu kỹ khung pháp lý của ngành năng lượng Việt Nam thì việc đầu tư sẽ như "thầy bói xem voi". "Các nhà đầu tư phải hiểu và giải thích khung pháp lý cho các tổ chức tín dụng quốc tế để họ hiểu, chấp nhận và tìm cách loại trừ rủi ro. Bên cạnh đó, nhà đầu tư phải nghiên cứu trước về chế độ gió, điều kiện hải văn và phải lắp đặt cột đo gió trước khi thực hiện báo cáo khả thi; cùng với đó là cân nhắc và nghiên cứu các vấn đề về đấu nối lưới. Đây đều là những điều kiện sống còn để thu xếp vốn cho dự án" - ông Ti Chee Liang lưu ý thêm.

Chủ đầu tư một dự án điện gió phản ánh do Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 nên đã xảy ra tình trạng nhiều dự án điện gió chưa thực hiện khảo sát, đo gió đã nộp báo cáo bổ sung quy hoạch với mục đích "lấy ngày". "Đặc biệt, có tình trạng đăng ký khống quy mô dự án để giữ lưới hoặc để bán lại dự án nếu được giá. Điều này dẫn đến tình trạng công suất ảo, mặt khác, các dự án khác lại không vào được quy hoạch do lưới bị chủ đầu tư khác chiếm giữ. Như vậy, rất dễ dẫn đến tình trạng thừa lưới nhưng thiếu nguồn, ngược lại với tình trạng thừa nguồn - thiếu lưới của điện mặt trời" - chủ đầu tư này phân tích.

Các chủ đầu tư kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước vẫn tạo điều kiện cho chủ đầu tư các dự án điện gió được nộp hồ sơ bổ sung quy hoạch song song hoặc trước khi tiến hành các khâu khảo sát, đo gió… Mặt khác, cần kiểm soát, đánh giá kỹ tiến độ, quy mô dự án để tránh tình trạng dự án quy mô "ảo" được vào lưới còn dự án quy mô thật bị "văng" ra ngoài, làm ảnh hưởng đến bức tranh chung của thị trường điện gió. 

Cần thẩm định kỹ dự án

Ông Scott Powers, Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam Á của Công ty Siemens Gamesa Renewable Enegry Vietnam, cho biết công ty đã ký hợp đồng nguyên tắc để cung ứng thiết bị cho 700 MW điện gió tại thị trường Việt Nam, tương ứng khoảng 7-8 dự án. "Chúng tôi đánh giá khả năng của chủ đầu tư để xác định mức độ tin tưởng, nhất là đánh giá về điều kiện gió, vị trí dự án, dự án nằm trong quy hoạch hay chưa và cách làm việc của chủ đầu tư... Chúng tôi cũng khá cân nhắc về việc tốc độ gió ở Việt Nam thấp hơn một số nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc..." - ông nhận xét.

Theo Phương Nhung

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên