Dưa lưới Yubari King giải cứu thành phố ở Nhật Bản
Loại dưa lưới Yubari King nổi tiếng đã trở thành niềm hy vọng đem thành phố khai thác than một thời "trở lại" trên bản đồ Nhật Bản.
- 04-12-2023Tác giả ‘Cha giàu, cha nghèo’: 'Tôi đã mua 15.000 căn nhà để phòng thân'
- 04-12-2023Chuyện gì đang xảy ra với Boring Company của Elon Musk: Mới xây được 3km đường hầm, nhân viên bỏ việc sau đúng 1 ngày, siêu dự án 7 năm vẫn nằm trên giấy
- 04-12-2023Làn sóng mới trong thị trường lao động Trung Quốc: Không còn mê ‘phố thị’, thanh niên có xu hướng ‘di cư mới’, lập nghiệp với hoa quả là chuyện bình thường của cử nhân đại học
TP Yubari, tỉnh Hokkaido - Nhật Bản dường như chỉ là một thành phố trên danh nghĩa với rất ít tiện nghi gắn liền với cuộc sống đô thị: Không có tàu điện, không có khu mua sắm và rất ít phòng khám, dù nơi đây có diện tích lớn hơn cả Singapore.
Theo The Straits Times, Yubari là thành phố phá sản duy nhất của Nhật Bản. Nơi đây tuyên bố phá sản vào năm 2007 sau khi gánh khoản nợ 35 tỉ yen (hơn 5.790 tỉ đồng).
Song, TP Yubari cũng gắn liền với một loại trái cây được cho là đắt nhất thế giới - dưa lưới Yubari King.
Vào thời kỳ phong kiến ở Nhật Bản, chỉ có vua chúa hoặc người có địa vị cao trong xã hội mới được thưởng thức dưa Yubari. Hiện nay, mỗi quả dưa đều thu về số tiền cao ngất ngưỡng ở các phiên đấu giá đầu mùa được tổ chức vào tháng 5 hàng năm.
Tháng 5 năm nay, một cặp dưa được bán với giá 3,5 triệu yen (khoảng 579 triệu đồng) - chỉ kém mức giá kỷ lục hồi năm 2019 khi một cặp dưa được mua với giá 5 triệu yen (khoảng 827 triệu đồng).
Ngoài “giá ăn mừng” đầu mùa cao, một quả dưa Yubari có thể dễ dàng bán ra với giá thấp nhất là 5.000 yen (hơn 820.000 đồng) ở các cửa hàng.
Dưa lưới Yubari King là giống dưa quý hiếm được liệt vào danh sách những giống thực vật được bảo tồn của Nhật Bản. Loại dưa này chỉ được cho phép trồng ở TP Yubari.
Việc hạn chế khu vực trồng trọt bên trong thành phố là một hình thức bảo vệ thương hiệu để ngăn chặn hàng giả. Thậm chí hạt giống của dưa Yubari cũng được bảo vệ nghiêm ngặt và chưa từng được vận chuyển ra ngoài thành phố.
Điều khiến dưa Yubari trở nên đắt đỏ là loại dưa này đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật và nông nghiệp cao mới trồng được. Dưa Yubari vào mùa từ tháng 6 đến tháng 8 và chỉ để được 3 ngày ở nhiệt độ phòng từ khi thu hoạch đến khi chín rục.
Những quả dưa thượng hạng có hình tròn hoàn hảo và tỉ lệ đường cao nhất, từ 13% trở lên, cùng với hoa văn trên vỏ phải đạt 90% độ “hoàn chỉnh”.
TP Yubari hiện vẫn là một thành phố vắng vẻ với dân số 6.464 người tính đến hết tháng 10-2023. Con số này chỉ xấp xỉ 5,6% dân số cao nhất của thành phố trong thời kỳ khai thác than thịnh vượng ngày trước.
Sản xuất dưa đang gặp khó khăn do sự suy giảm và già hóa dân số ở Yubari, dẫn đến thiếu nhân lực kế thừa tại các nông trại. Năm 1990, có 216 nông trại trồng và thu hoạch dưa Yubari King. Năm 2023, con số đó giảm còn 92 nông trại, sản lượng tương ứng 2 mốc thời gian trên là 7.598 tấn và 2.344 tấn.
Nguồn cung sụt giảm, cùng với việc sự chú ý từ truyền thông ngày càng tăng mỗi lần đầu giá đầu mùa, đã làm cho giá dưa Yubari King tăng 40% so với thập kỷ trước.
Theo Thị trưởng Tsukasa Atsuya, Yubari dự kiến thanh toán hết các khoản nợ vào tháng 5-2027.
“Lúc tôi còn trẻ, thành phố này có hết mọi thứ. Có thể bây giờ nó chỉ còn là một thành phố vắng lặng nhưng điều này thúc đẩy chúng tôi làm hết sức để ngăn chặn suy thoái” - ông Atsuya nhấn mạnh.
Người Lao Động