MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đưa quán ăn “lên app”: Hao tốn ít, lợi ích nhiều

20-06-2019 - 13:30 PM | Sống

Sự bùng nổ của các dịch vụ đặt món trực tuyến tại Việt Nam trong thời gian qua đã khiến nhiều đơn vị kinh doanh ăn uống từ lớn đến nhỏ đều phải "lăn tăn" với câu hỏi: "Lên app" hay "Không lên app"?

"Lên app" làm gì khi còn mù công nghệ?

"Thuộc dạng "thâm niên" trong ngành, cũng có chút danh tiếng trong khu vực nên hàng cơm tấm của tôi kinh doanh khá thuận lợi, mới đây còn mở thêm "chi nhánh" mới. Cá nhân tôi hài lòng với kết quả kinh doanh hiện tại và cảm thấy việc lên app là không mấy cần thiết bởi khâu vận hành rườm rà và khá tốn kém" - ông Hoàng, chủ hàng cơm tấm với "thâm niên" ngót nghét mười năm tại quận Bình Thạnh, TP.HCM cho biết.

Có thể thấy, việc kinh doanh ăn uống tại các thành phố lớn đang là một xu hướng bùng nổ trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, một "yếu điểm" cần phải nhìn nhận rằng phần lớn các đơn vị kinh doanh là các hàng quán nhỏ lẻ, hoạt động theo mô hình hộ gia đình và mang tính tự phát cao. Dù nhiều quán ăn đã sở hữu cho mình một menu hấp dẫn, thu hút đông đảo thực khách đến thưởng thức nhưng việc phát triển kinh doanh ở mặt trận "online" lại là chuyện hoàn toàn khác.

Hầu hết các chủ quán e dè việc "lên app" khi tự nhận thấy trình độ hiểu biết công nghệ của mình còn hạn chế, cũng như sẽ gặp nhiều khó khăn trong khâu quản lý "online" như thiết kế menu, "hiển thị" hấp dẫn trên app, quy trình vận chuyển trực tuyến... Bên cạnh đó, nhiều đại diện hàng quán cũng tỏ ra băn khoăn trước những thủ tục giấy tờ rườm rà, bất tiện và cả vấn đề tốn kém thời gian, chi phí khi hợp tác với các dịch vụ giao nhận thức ăn.

Cũng không thể phủ nhận rằng việc kinh doanh theo hình thức hộ gia đình, tự phát và còn nhiều hạn chế về trình độ nhân sự đôi khi khiến chủ quán có những đánh giá chưa đúng về tình trạng kinh doanh của mình. Tiềm năng phát triển và những lợi ích "khủng" khi tham gia vào các nền tảng đặt món trực tuyến vì vậy cũng như một con số 0 trong mắt các hàng quán nhỏ lẻ.

Hao tốn ít, lợi ích nhiều

"Trước đây, tuy có lợi thế về món ăn nhưng quán tôi lại ở vị trí khá xa trung tâm, cộng thêm hình thức vận hành "truyền thống", chưa được chuyên môn hoá dẫn đến doanh thu không thể chạm ngưỡng tối đa. Từ ngày lên GrabFood, tôi được khuyên nên phân công nhân sự rõ ràng ở từng khâu riêng biệt, đóng gói thức ăn thẩm mỹ, làm luôn bãi giữ xe, cung cấp trà đá miễn phí để tạo điều kiện cho tài xế đến mua hàng… Nhờ đó, lượng đơn hàng tăng lên đáng kể và thu nhập của tiệm theo đó cũng tăng 3 - 5 lần" - bà Nguyễn Thị Hồng Thu, chủ quán Cơm gà xối mỡ 142 (Quận 8, TP.HCM) hồ hởi cho biết.

Có thể thấy, ở thời điểm các nền tảng online chuyên về giao nhận thức ăn đang phát triển mạnh mẽ, bất kì đơn vị kinh doanh nào muốn gia nhập cuộc chơi công nghệ cũng được "nhiệt tình" chào đón. Việc "lên app" nhìn chung không yêu cầu phải bỏ ra quá nhiều chi phí và thời gian, ngược lại các hàng quán còn được "bội thu" với hàng loạt lợi ích không tưởng.

Lợi ích đầu tiên phải kể đến là việc tiếp cận với lượng lớn khách hàng tiềm năng đến từ nhiều khu vực khác nhau, điều vốn bị giới hạn bởi phạm vi địa lý khi kinh doanh "truyền thống". Không cần bỏ ra khoản chi phí lớn để tìm đến một đội ngũ truyền thông chuyên nghiệp cho thương hiệu, các hàng quán nhỏ lẻ chỉ cần hợp tác với dịch vụ gọi món trực tuyến là có thể kết nối với hàng triệu thực khách.

Ngoài ra, việc bắt tay với các nền tảng giao nhận thức ăn còn giúp hàng quán giảm tải chi phí thuê mặt bằng đắc địa nhằm "hút khách", bớt đi gánh nặng về ngân sách cho các khâu vận chuyển và giao hàng, cũng như các thủ tục thuê "shipper" lằng nhằng nhưng độ tin cậy lại không cao. Ngược lại, ở vị trí của khách hàng, đặt món qua nền tảng trực tuyến cũng giúp tiết kiệm được thời gian đi lại hay đỡ phải chịu cảnh chen chúc, kẹt xe khi mua đồ ăn tại các hàng quán nằm sâu trong hẻm.

Đưa quán ăn “lên app”: Hao tốn ít, lợi ích nhiều - Ảnh 1.

Tận dụng lực lượng "shipper" đông đảo từ các nền tảng giao nhận thức ăn, hàng quán có thể tiết kiệm thời gian và chi phí vận hành "online".

Mì Ý A Hoài (Quận 1, TP.HCM) là ví dụ điển hình của quán ăn vẫn "ăn nên làm ra" mà không cần "mặt tiền". Hợp tác với ứng dụng giao đồ ăn GrabFood, quán nhận được lời khuyên chuyển sang hình thức nhận đơn hàng tự động thông qua máy POS để "rút ngắn" công đoạn vận đơn online. Đồng thời xây dựng luôn "vệ tinh" nhận đồ ăn ngay đầu hẻm để giảm thiểu tình trạng ùn tắc "shipper" vào khung giờ cao điểm.

Song, việc "lên app" nhìn chung còn hỗ trợ các hàng quán, đặc biệt là quán ăn nhỏ lẻ trong việc xây dựng lại thương hiệu, tìm ra lời giải cho bài toán "vắng khách". Theo đó, bằng những gợi ý giúp hàng quán thay "áo" mới như làm thế nào để dễ "search" hơn trên app, hình ảnh như thế nào là đẹp mắt, cách thiết kế menu món ăn để thu hút và dễ chọn hơn… Nhờ đó, một số hàng quán trước đây chỉ kinh doanh online trên các trang mạng xã hội, nay cũng có cơ hội "làm giàu" thêm nhờ lên app.

Tạm kết

Không ai có thể phủ nhận sự "bùng nổ" của thị trường F&B Việt Nam trên các kênh trực tuyến, nhưng phần lớn các "nhân vật chính" - chủ các nhà hàng, quán ăn lại chưa thực sự nhận ra tiềm năng và những lợi ích "khủng" khi phát triển online. Bỏ qua tâm lý "tiểu thương", đơn vị kinh doanh ăn uống, đặc biệt là các hàng quán nhỏ lẻ nên tận dụng tối đa sự hỗ trợ của công nghệ mà các dịch vụ giao nhận thức ăn mang đến để nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên