Đưa tiếng Hàn, tiếng Đức thành ngoại ngữ 1, học sinh có thêm nhiều lựa chọn?
Các chuyên gia cho rằng, việc đưa tiếng Hàn, tiếng Đức thành ngoại ngữ 1 sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho học sinh lựa chọn, đặc biệt những em có định hướng du học tại các quốc gia này từ sớm.
- 04-03-2021Bộ GD-ĐT phản hồi thông tin tiếng Hàn, tiếng Đức trở thành môn học bắt buộc trong nhà trường
- 04-03-2021Tiếng Hàn, tiếng Đức trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3 đến 12?
Mới đây, Bộ GD-ĐT ban hành Quyết định số 712/QĐ-BGDĐT về việc Ban hành Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) môn tiếng Hàn và tiếng Đức - Ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm. Theo đó, môn tiếng Hàn, tiếng Đức sẽ được thí điểm là Ngoại ngữ 1 trong chương trình GDPT dạy từ lớp 3 đến lớp 12.
Chị Trần Ngọc, (Hà Nội) có con đang học bậc tiểu học, THCS ủng hộ quy định này của Bộ GD-ĐT. Phụ huynh này cho rằng, có thêm ngoại ngữ 1 đồng nghĩa với việc học sinh có thêm nhiều sự lựa chọn hơn. Đặc biệt với những gia đình có định hướng cho con đi du học tại các quốc gia này có thể cho con học ngoại ngữ từ sớm ngay tại trường.
“Trong bối cảnh hội nhập, việc biết thêm nhiều ngoại ngữ ngoài tiếng Anh là cần thiết. Các con có thể lựa chọn thứ tiếng phù hợp với khả năng và sở thích của bản thân. Hơn nữa, Đức, Hàn Quốc cũng là những quốc gia có nền giáo dục phát triển, được nhiều phụ huynh lựa chọn để con đi du học. Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam, nên cơ hội việc làm cho các con sau này khá lớn”, chị Ngọc cho biết.
Thầy Nguyễn Phú Chiến, Hiệu trưởng Trường THCS Ngoại ngữ (ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, khi tiếng Hàn, tiếng Đức trở thành ngoại ngữ 1, có nghĩa học sinh có thể chọn 1 trong những thứ tiếng thuộc danh mục ngoại ngữ 1 để học bắt buộc, ngoại ngữ 2 tùy chọn.
“Đây là định hướng tốt, bởi khi có thêm tiếng Hàn, tiếng Đức, học sinh sẽ có thêm lựa chọn bên cạnh những ngôn ngữ như tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung, Nhật. Việc lựa chọn tùy theo nhu cầu và sở thích của học sinh, không mang tính bắt buộc”, thầy Chiến cho biết.
Cũng theo thầy Nguyễn Phú Chiến, những năm gần đây, tỷ lệ học sinh, sinh viên theo học tiếng Đức, tiếng Hàn đều có xu hướng tăng. Tại trường THCS Ngoại ngữ, có đến 25% học sinh đăng ký thi vào các lớp tiếng Đức, 12% đăng ký học tiếng Hàn. Học sinh học theo giáo trình ngoại ngữ 2 thí điểm của Bộ GD-ĐT với các ngoại ngữ này chỉ đến lớp 7 hầu hết có thể giao tiếp tốt. Tại các trường đại học đào tạo về ngoại ngữ, những năm gần đây, điểm chuẩn ngành ngôn ngữ Hàn cũng thường xuyên đứng đầu bảng với số lượng thí sinh đăng ký “khủng”.
Hiệu trưởng trường THCS Ngoại ngữ cho rằng, hiện nay ngôn ngữ phổ biến nhất toàn cầu vẫn là tiếng Anh, nhưng rất nhiều học sinh có định hướng du học từ sớm, nên việc chuẩn bị ngôn ngữ là điều rất quan trọng. Đặc biệt, tiếng Hàn và tiếng Đức đều là những tiếng khó học, nên học sinh học càng sớm, khả năng tiếp thu càng tốt.
“Trong bối cảnh toàn cầu, mỗi công dân đều cần tự trau dồi khả năng ngoại ngữ, thậm chí mỗi người nên biết ít nhất 2 ngoại ngữ. Việc đưa các ngoại ngữ mới vào từ bậc phổ thông rất đúng đắn. Phụ huynh không nên lo lắng, vì các con vẫn có quyền chủ động lựa chọn học theo đúng sở thích và nhu cầu của bản thân.
Vấn đề đáng bàn nhất khi triển khai là nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu đào tạo của các trường phổ thông hiện nay”, thầy Chiến nói.
Cô Lại Thị Phương Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng, việc đưa tiếng Hàn, tiếng Đức thành ngoại ngữ 1 giảng dạy trong các nhà trường phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Đây cũng là cơ hội để học sinh tiếp cận với những ngoại ngữ mới, theo đuổi cơ hội nghề nghiệp. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các cơ sở giáo dục có thể lựa chọn 1 trong những ngoại ngữ 1 phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương để đưa vào giảng dạy.
Cô Thảo cũng nhấn mạnh, việc chọn học tiếng Hàn, tiếng Đức hay tiếng Anh cũng như một số ngoại ngữ 1 khác mang tính linh hoạt, không bắt buộc.
“Hiện nay, nhu cầu học tiếng Đức, tiếng Hàn ngày càng tăng. Việc các em lựa chọn các ngôn ngữ này không hẳn do những ảnh hưởng về phim ảnh, văn hóa Hàn Quốc, mà dựa trên định hướng nghề nghiệp và cơ hội sau này, có sự định hướng của gia đình và nhà trường. Tuy nhiên, khi du học tại Hàn Quốc hay Đức, học sinh, sinh viên vẫn phải sử dụng tiếng Anh như 1 công cụ giao tiếp, học tập, chứ không chỉ ngôn ngữ bản địa. Trong chương trình học của các trường hiện nay vẫn có ngoại ngữ 2, do đó khi học tiếng Đức, tiếng Hàn là ngoại ngữ 1, các em vẫn có thể học thêm tiếng Anh. Phụ huynh không cần lo lắng khi con học những thứ tiếng khác sẽ mất cơ hội học tiếng Anh”, cô Thảo nói.
Cô Lại Thị Phương Thảo cũng cho rằng, nhu cầu nhân lực biết tiếng Đức, tiếng Hàn hiện nay khá lơn, việc dạy các ngoại ngữ này cũng là mục tiêu mang tính “dài hơi”, vì vậy cần có những bước đi bài bản, chuẩn bị kỹ lưỡng từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu học tập… Đặc biệt, khi đưa các ngôn ngữ này vào giảng dạy cần chú ý đảm bảo đủ giáo viên cho các bậc học. Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, cập nhật nội dung giảng dạy tiên tiến cho những giáo viên này./.
VOV