Đưa trật tự xây dựng vào khuôn khổ
Thông tin từ các buổi giám sát cho thấy công tác quản lý về xây dựng thời gian qua đã tốt. Việc còn lại là làm tốt hơn để giảm thiểu và tiến tới xóa hẳn vi phạm.
- 08-08-2024Giám sát quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê sông Hồng, sông Đuống
- 25-07-2024Huyện Diễn Châu (Nghệ An): Nhiều vi phạm về trật tự xây dựng
- 06-07-2024TP HCM: Bất ngờ với tình hình vi phạm trật tự xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2024
Đoàn giám sát việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP HCM của HĐND TP HCM vừa làm việc với nhiều quận, huyện, đơn vị.
Chuyển biến tích cực
Thông tin tại các buổi giám sát cho hay từ khi có Chỉ thị 23/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố và Kế hoạch 3333/2019 của UBND TP HCM liên quan công tác này, tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP HCM có nhiều chuyển biến tích cực.
Trong đó, quận 1 vừa qua không phát sinh điểm nóng, phức tạp về vi phạm trật tự xây dựng gây bức xúc trong nhân dân. Từ năm 2021 đến nay, tổng số công trình xây dựng vi phạm chỉ 22. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, số công trình vi phạm là 2, giảm đến 94,74% so với thời điểm trước khi Chỉ thị 23/2019 được ban hành. Quận 3 tương tự, khi 6 tháng đầu năm 2024, tổng số công trình vi phạm là 8.
Giữa các địa phương thì huyện Bình Chánh chuyển biến rõ rệt nhất. Ông Trương Thái Ngọc, Trưởng Phòng Quản lý đô thị huyện Bình Chánh, cho biết giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 6-2024, trên địa bàn phát sinh 42 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng (26 sai phép, 16 không phép) và đã xử lý 19. Riêng 6 tháng đầu năm 2024 chỉ có 2 trường hợp vi phạm.
"Trước thời điểm có Chỉ thị 23/2019, số vụ vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn là 0,544 vụ/ngày, đến nay còn 0,072 vụ/ngày" - ông Ngọc so sánh. Trước thông tin ấn tượng này, ông Trương Công Nam, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP HCM, đánh giá Bình Chánh từng là "điểm nóng" vi phạm về trật tự xây dựng. Sau Chỉ thị 23/2019, cả hệ thống chính trị, lực lượng thanh tra xây dựng vào cuộc… nên số vụ vi phạm giảm sâu và đây là nỗ lực lớn của huyện.
Ngăn chặn, xử lý kịp thời vi phạm
Nói về tính hiệu quả trong công tác quản lý, UBND quận 1 cho biết bên cạnh nhóm giải pháp về nhân lực, địa phương thực hiện nhóm giải pháp về ứng dụng phần mềm trực tuyến. Cùng với đó, công tác giám sát với sự phối hợp thường xuyên giữa Ủy ban MTTQ 10 phường và các tổ chức, đoàn thể, khu phố, thông qua kênh tương tác trực tuyến (Viber, Zalo…) đã kịp thời phát hiện rồi ngăn ngừa và xử lý kịp thời vi phạm.
Ông Võ Đức Thanh, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, chia sẻ huyện có những địa bàn rộng như xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Bình Hưng mà lực lượng công chức phụ trách đất đai, xây dựng chỉ 3 - 4 người nên áp lực công việc rất lớn. Vì vậy, địa phương kết hợp nhiều mô hình để tăng hiệu quả quản lý, đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ.
"3 tháng qua, trên địa bàn xã Vĩnh Lộc B thí điểm bay viễn thám để kịp thời phát hiện, ngăn chặn ngay từ đầu, không để xảy ra vi phạm. Sau thời gian thí điểm, huyện đang xây dựng đề án với kinh phí gần 15 tỉ đồng trình thành phố để áp dụng trên toàn địa bàn huyện" - ông Thanh nêu cách làm.
Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh đồng thời thông tin biện pháp nữa là đã đề nghị công an huyện tập trung xác minh, đấu tranh xử lý hình sự khi có đủ yếu tố cấu thành tội phạm đối với các đầu nậu, người đầu cơ có hành vi vi phạm về sử dụng đất. Điển hình như tự ý chuyển mục đích sử dụng đất; phân lô bán nền trái quy định; xây dựng công trình không phép, sai phép… gây ảnh hưởng đến quy hoạch được phê duyệt, gây mất an ninh trật tự địa phương.
Hạn chế bao che, đùn đẩy trách nhiệm
Để quản lý trật tự xây dựng tốt hơn nữa, ông Phạm Thanh Trực, Phó trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp (Hepza), kiến nghị việc lập biên bản vi phạm hành chính sẽ do UBND cấp huyện, xã chủ trì thực hiện nhằm bảo đảm tính liên tục, thống nhất trong xử lý vụ việc và phù hợp quy định pháp luật. Đồng thời, khi đơn vị kiểm tra, xử phạt công trình sai phép, không phép không phải là đơn vị cấp giấy phép xây dựng sẽ giúp công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng được rõ ràng, tránh việc bao che hoặc đùn đẩy trách nhiệm cũng như bảo đảm minh bạch.
Ông Dương Thành Công, Phó trưởng Ban Quản lý khu Nam, khẳng định tính cần thiết của việc tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra độc lập công trình nhà ở riêng lẻ, kịp thời phát hiện vi phạm và thông báo đến cơ quan thẩm quyền để xử lý. Đồng thời, tăng cường phối hợp với UBND quận - huyện, xã - phường và Thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra các công trình do Ban Quản lý khu Nam cấp phép xây dựng theo kế hoạch định kỳ và thường xuyên do UBND quận - huyện, xã - phường và Thanh tra Sở Xây dựng ban hành.
Khu Nam cũng kiến nghị không cấp giấy phép kinh doanh cho các công trình nhà ở khi xây dựng tự ý chuyển đổi công năng thành khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng hay văn phòng hoặc các loại dịch vụ khác công năng ở…
Số vụ vi phạm giảm rõ rệt
Theo Sở Xây dựng TP HCM, sau 4 năm thực hiện Chỉ thị 23/2019, Kế hoạch 3333/2019, tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố chuyển biến tích cực, bình quân số vụ vi phạm trên một ngày tiếp tục giảm. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2024, tổng số công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn là 142 công trình, bình quân 0,8 vụ/ngày, giảm 7,7 vụ/ngày (tỉ lệ giảm 90,8%) so với bình quân số vụ vi phạm trước thời điểm ban hành Chỉ thị 23/2019 là 8,5 vụ/ngày.
Còn tính trong 5 năm, từ ngày 15-7-2019 đến 15-6-2024, tổng số công trình vi phạm là 2.977, bình quân 1,6 vụ/ngày, giảm 6,9 vụ/ngày (81%) so với bình quân số vụ vi phạm trước thời điểm ban hành Chỉ thị 23/2019 là 8,5 vụ/ngày.
Nhằm tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 23/2019, khắc phục những hạn chế và phát huy kết quả đạt được, bảo đảm phù hợp tình hình thực tế công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, Sở Xây dựng đã trình UBND TP HCM dự thảo kế hoạch thay thế Kế hoạch 3333/2019 với những chỉ tiêu, giải pháp, nhiệm vụ cụ thể.
Người lao động