MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đức có thể hạn chế viện trợ quân sự cho Ukraine

20-08-2024 - 07:58 AM | Tài chính quốc tế

Khả năng duy trì "nguồn cung cấp vũ khí liên tục" cho Ukraine của Đức đang bị đe dọa do hạn chế về ngân sách.

Theo thông tin trao đổi giữa Bộ Tài chính Đức và Lực lượng phòng vệ liên bang (quân đội Đức) được tờ Bild trích dẫn vào ngày 18/8.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Christian Lindner đã liên lạc với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Boris Pistorius và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Annalena Baerbock để nhấn mạnh rằng ngân sách của Đức không thể đáp ứng được nguồn tài trợ tiếp theo cho Ukraine, cũng như không thể chuyển giao bất kỳ gói viện trợ quân sự mới nào chưa được phê duyệt cho Kiev, tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung đưa tin vào đầu tuần này.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Lindner sẽ xem xét "cung cấp tiền trong ngắn hạn" cho Kiev, miễn là các yêu cầu được "báo cáo cụ thể và dễ hiểu". Tuy nhiên, vì không có "thông báo cụ thể về nhu cầu" nào được truyền đạt nên Bộ Tài chính Đức "không thể đưa ra bất kỳ cuộc kiểm tra hoặc quyết định nào".

Đáp lại, Bộ Quốc phòng Đức được cho là đã cáo buộc ông Lindner "thay đổi luật chơi sau khi trò chơi đã bắt đầu", điều này "gây nguy hiểm cho nguồn cung cấp liên tục của tất cả các hệ thống vũ khí đã bàn giao cho Ukraine" - tờ Bild viết.

Theo một nguồn tin được tờ báo này trích dẫn, do những yêu cầu của Bộ trưởng Lindner, hiện có "hơn 30 biện pháp ưu tiên cao" hỗ trợ cho Kiev mà "không thể được tiếp tục theo đuổi".

Bộ Quốc phòng Đức ban đầu đã trình bày một đề xuất về "chi tiêu không theo kế hoạch" trị giá 3,87 tỷ Euro (4,27 tỷ USD) cho Ukraine vào tháng 5 - theo tờ Bild. Gói viện trợ cho Ukraine này được cho là bao gồm phụ tùng thay thế, đạn pháo, máy bay không người lái và xe bọc thép. Tuy nhiên, 3 tháng sau, một phần đáng kể trong số này đã được bán ở nơi khác, nghĩa là ngay cả khi được chấp thuận, ngành công nghiệp Đức cũng không có gì để gửi đến Ukraine ngay lập tức - Bild đưa tin.

Berlin - nhà tài trợ chiến tranh lớn thứ hai của Ukraine - đã phân bổ hoặc cam kết ít nhất 28 tỷ Euro cho Kiev kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bắt đầu diễn ra vào ntháng 2/2022. Chính quyền của Thủ tướng Olaf Scholz được cho là đã gây sức ép buộc Bộ Trưởng Bộ Tài chính Lindner phải đình chỉ "phanh nợ" của Đức trong bối cảnh nước này đang phải vật lộn với khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ lên tới 60 tỷ Euro.

Ông Lindner hy vọng sẽ trang trải nhu cầu của Ukraine bằng cách sử dụng lợi nhuận từ 300 tỷ USD tài sản của Nga bị các quốc gia G7 đóng băng. Vào tháng 5, Brussels đã phê duyệt kế hoạch sử dụng lãi suất được tạo ra từ các quỹ bất động sản (của Nga) để hỗ trợ Kiev.

Moscow coi cuộc xung đột này là cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống lại Nga của Mỹ và các đồng minh. Nga đã lên án mọi nỗ lực nhằm chiếm đoạt và sử dụng sai mục đích các tài sản có chủ quyền của nước này là "trộm cắp" và đã cam kết sẽ có các biện pháp trả đũa.

Theo Quỳnh Chi

VTV

Từ Khóa:
Trở lên trên