MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đức mạnh tay chi tiền để "thoát" năng lượng Nga: Tổng chi gần 500 tỉ USD, ‘đốt’ 1,4 tỷ mỗi ngày nhưng có thể vẫn "chưa thấm vào đâu"!

17-12-2022 - 15:30 PM | Tài chính quốc tế

Đức mạnh tay chi tiền để "thoát" năng lượng Nga: Tổng chi gần 500 tỉ USD, ‘đốt’ 1,4 tỷ mỗi ngày nhưng có thể vẫn "chưa thấm vào đâu"!

Đức đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế.

Hãng tin Reuters của Anh cho biết kể từ khi cuộc xung đột quân sự Ukraine đẩy nước Đức vào cuộc khủng hoảng năng lượng cách đây 9 tháng, Berlin đã chi ra 440 tỉ euro (465 tỉ USD) để duy trì hệ thống năng lượng của đất nước tiếp tục hoạt động và tìm kiếm các nguồn năng lượng mới.

Reuters cho biết số tiền trên được phân bổ cho các kế hoạch và các gói hỗ trợ của chính phủ sau khi Đức mất khả năng tiếp cận nguồn khí đốt từ nhà cung cấp chính của mình là Nga.

Số tiền này chiếm 12% GDP của Đức và khoảng 1,6 tỷ USD/ngày kể từ khi cuộc xung đột ở Đông Âu bùng nổ, và tương đương với 5.400 USD cho mỗi cư dân của nước này.

Và con số gần 500 tỉ USD - được Reuters ví như một "khẩu bazooka năng lượng" - có thể vẫn là chưa đủ.

Ông Michael Groemling, chuyên gia của Viện Kinh tế Đức (IW) cho biết: "Cuộc khủng hoảng này sẽ nghiêm trọng đến mức nào và kéo dài bao lâu còn phụ thuộc rất nhiều vào những diễn biến tiếp theo của cuộc khủng hoảng năng lượng."

Nền kinh tế của Đức từ lâu đã là một ví dụ điển hình cho việc lập kế hoạch thận trọng, giờ đây lại phải phụ thuộc vào... thời tiết. Lần đầu tiên sau nửa thế kỷ, Đức không có khí đốt Nga. Việc phân phối năng lượng sẽ là điều rủi ro trong trường hợp có một đợt lạnh kéo dài trong mùa đông này.

Để bù lại cho lượng khí đốt nhập khẩu Nga bị mất, Đức đã tìm đến thị trường giao ngay đắt đỏ hơn để mua năng lượng, khiến lạm phát của nước này bị đẩy lên mức 2 chữ số.

Đồng thời, Đức cũng đang thúc đẩy xây dựng các cơ sở phục vụ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và năng lượng tái tạo - nhưng cũng không có gì đảm bảo an toàn khi Đức còn cách xa nhiều năm so với mục tiêu của họ.

Ông Stefan Kooths, phó chủ tịch kiêm giám đốc nghiên cứu về chu kỳ kinh doanh và tăng trưởng tại Viện Kinh tế Thế giới Kiel cho biết: "Nền kinh tế Đức hiện đang trong giai đoạn rất quan trọng vì tương lai của nguồn cung năng lượng đang trở nên bất định hơn bao giờ hết."

Bộ Kinh tế Đức, cơ quan phụ trách an ninh năng lượng của nước này, cho biết chính phủ Đức đang tiếp tục nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung, đồng thời bổ sung thêm rằng LNG và các kho cảng cần thiết phục vụ việc nhập khẩu LNG là một phần quan trọng trong quá trình này.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng giá năng lượng càng đắt đỏ, thì nền kinh tế của Đức sẽ càng đau đớn hơn. IMF dự đoán rằng nền kinh tế của Đức sẽ có sự "co lại" lớn nhất trong số các quốc gia G7 trong năm 2023.

Hóa đơn nhập khẩu năng lượng của Đức sẽ tăng tổng cộng 124 tỷ euro trong năm nay và năm tới, từ mức tăng 7 tỉ euro trong các năm 2020-2021, theo dữ liệu của Viện Kiel. Điều này đặt ra một thách thức lớn đối với các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng của Đức.

Theo hiệp hội ngành công nghiệp VCI, ngành hóa chất của Đức - ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi chi phí năng lượng tăng cao - dự kiến sẽ giảm 8,5 sản lượng vào năm 2022.

Đến nay, Đức đã chi 440 tỉ USD để chống chọi với cuộc khủng hoảng năng lượng, gần bằng khoản tiền 480 tỉ USD mà nước này đã chi từ năm 2020 để bảo vệ nền kinh tế trước tác động của đại dịch COVID-19.

Số tiền này bao gồm 4 gói cứu trợ trị giá 295 tỉ euro, trong đó công ty điện lực Uniper được hỗ trợ 51.5 tỉ euro, công ty Sefe (trước đây là Gazprom Germania) nhận 14 tỉ euro, nhóm các công ty tiện ích được hỗ trợ tổng cộng lên đến 100 tỉ euro để đảm bảo họ không bị vỡ nợ, và khoảng 10 tỉ euro dành cho cơ sở hạ tầng để nhập khẩu LNG.

Khoản tiền này cũng bao gồm 52,2 tỉ euro của công ty cho vay nhà nước KfW để giúp các công ty tiện ích công và tư nhân tích trữ khí đốt, mua than, tìm nguồn cung khí đốt thay thế, và giải quyết một số lệnh gọi ký quỹ.

Những thách thức của Đức

Bất chấp những nỗ lực kể trên, Đức vẫn chưa chắc có thể thay thế hoàn toàn được nguồn cung khí đốt từ Nga. Năm 2021, Đức đã nhập khẩu khoảng 58 tỷ mét khối khí đốt từ Nga, chiếm khoảng 17% tổng mức tiêu thụ năng lượng của nước này, theo dữ liệu từ Eurostat và hiệp hôi công nghiệp Đức BDEW.

Đức mong muốn nguồn năng lượng tái tạo sẽ tạo ra ít nhất 80% sản lượng điện của nước này vào năm 2030, tăng gần gấp đôi so với mức 42% trong năm 2021. Tuy nhiên, với tốc độ mở rộng gần đây, đó vẫn là một mục tiêu xa vời.

Đức chỉ tạo ra 5,6 gigawatt năng lượng mặt trời và 1,7 gigawatt năng lượng gió vào năm 2021, theo số liệu được ghi lại gần đây nhất.

Để đạt được mục tiêu 80%, Đức cần tăng năng lực điện gió từ 6-10 lần so với hiện tại, lên 10 gigawatt, và năng lực điện mặt trời cũng phải tăng gấp 4 lần, lên 22 gigawatt.

Bà Susi Dennison, nhà nghiên cứu chính sách cấp cao thuộc nhóm chuyên gia tư vấn của Hội đồng Đối ngoại Châu Âu (ECFR), nói rằng mặc dù Đức đã làm tốt trong việc thay thế khí đốt Nga bằng năng lượng từ thị trường giao ngay, nhưng nước này đã đánh mất vị thế "lãnh đạo" trong lĩnh vực năng lượng sạch.

Bà Dennison nói rằng Đức nên chú ý hơn tới việc mở rộng quy mô các cơ sở năng lượng tái tạo như khí hydro và năng lượng gió.

Vào tháng 3 năm nay, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã đặt mục tiêu thay thế năng lượng của Nga vào giữa năm 2024, trong khi nhiều nhà kinh tế học và người trong ngành tin rằng điều này là quá tham vọng.

Chẳng hạn, ông Marcel Fratzscher, chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức, và ông Markus Krebber, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất điện lớn nhất Đức RWE, cho rằng Đức sẽ khó có thể đạt được điều này trước năm 2025, với điều kiện nước này tìm thấy các nguồn thay thế hoặc năng lực sản xuất năng lượng tái tạo được mở rộng nhanh chóng.

Tương tự, Đức cũng phải đối mặt với một ngọn núi cao trong lĩnh vực LNG.

Đức không có cơ sở hạ tầng LNG riêng vì nước này đã phụ thuộc vào nguồn khí đốt Nga lâu dài, do đó nước này mới chỉ bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc nhập khẩu LNG gần đây.

Hiện tại, Đức có kế hoạch dựa vào 6 cảng nhập khẩu LNG nổi để giúp đa dạng hóa nguồn cung khí đốt. Ba dự án sẽ đi vào hoạt động vào mùa đông năm nay, phần còn lại sẽ được triển khai vào cuối năm 2023, nâng tổng công suất lên ít nhất 29,5 bcm/năm.

Ba công ty RWE, Uniper và EnBW của Đức đã cam kết cung cấp đủ khối lượng để đảm bảo các thiết bị đầu cuối hoạt động hết công suất cho đến cuối tháng 3/2024, nhưng vẫn chưa rõ khối lượng sẽ đến từ đâu.

Theo dữ liệu từ ECFR, Đức mới chỉ đạt được hai thỏa thuận LNG chắc chắn kể từ khi nguồn cung khí đốt Nga bị ngừng hoàn toàn vào mùa hè năm nay.

Tuy nhiên, đây chỉ là các thỏa thuận ngắn hạn khiêm tốn cho hai mùa đông tới, bao gồm thỏa thuận gia 1 tỷ mét khối khí đốt/năm giữa công ty Woodside của Australia và Uniper, và thỏa thuận giữa Công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi và RWE gồm 137.000 mét khối vào tháng 12 và các chuyến hàng tiếp theo chưa xác định thời gian trong năm 2023.

Uniper và RWE cho biết họ có thể đảm bảo cung cấp thêm thông qua danh mục LNG của mình mà không cung cấp thêm thông tin chi tiết. EnBW cho biết các hợp đồng cung cấp vẫn đang được tiến hành và họ đang tìm kiếm thêm cơ hội trên thị trường.

Trong năm nay, Thủ tướng Olaf Scholz và Bộ trưởng Habeck đã bận rộn đi khắp thế giới để tìm thêm nguồn cung, nhưng những khó khăn trong việc đảm bảo các thỏa thuận dài hạn quan trọng cho thấy Đức dường như đã mất đi lợi thế.

Ông Giovanni Sgaravatti, nhà phân tích tại tổ chức tư vấn Bruegel, cho biết: "Tôi nghĩ rằng Đức đã và đang làm bất cứ điều gì có thể. Trong thị trường LNG, Đức phải bắt đầu lại từ đầu, và điều này không hề dễ dàng."

Hồng Anh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên