Đức sẽ giảm một nửa viện trợ quân sự cho Ukraine
Đức sẽ giảm một nửa viện trợ quân sự cho Ukraine trong năm tới, bất kể khả năng ứng cử viên đảng Cộng hòa Mỹ Donald Trump có thể trở lại Nhà Trắng và giảm bớt ủng hộ Kiev.
- 17-07-2024Nga cảnh báo việc NATO kết nạp Ukraine sẽ là “tuyên chiến” với Moscow
- 14-07-2024Ba Lan cân nhắc việc đánh chặn tên lửa Nga trên không phận Ukraine
- 13-07-2024Rò rỉ đoạn nói chuyện của hai phi công Su-34 Nga khi nhận nhiệm vụ "cảm tử" ở Ukraine
- 12-07-2024Slovakia công khai phản đối việc Ukraine trở thành thành viên NATO
Reuters dẫn thông tin từ dự thảo ngân sách năm 2025 của Đức cho biết, viện trợ của Đức cho Ukraine sẽ giảm từ khoảng 8 tỷ euro năm 2024 xuống còn 4 tỷ euro (4,35 tỷ USD) năm 2025.
Đức hy vọng Ukraine có thể đáp ứng nhu cầu quân sự của họ với khoản vay 50 tỷ USD từ tài sản bị phong tỏa của Nga mà các nước G7 đã thống nhất áp đặt.
Tại cuộc họp báo ngày 17/7, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết: “Nguồn tài chính của Ukraine được đảm bảo trong tương lai gần nhờ công cụ của châu Âu và các khoản vay của G7”.
Mỹ đẩy mạnh việc "gánh trước" các khoản cung cấp cho Ukraine để bảo đảm nước này vẫn sẽ nhận được một khoản tiền lớn.
Các quan chức cho biết, lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đồng ý với ý tưởng này để giảm nguy cơ Ukraine thiếu tiền nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng.
Chuông báo động vang lên khắp châu Âu trong tuần này sau khi ông Trump chọn Thượng nghị sĩ J.D. Vance , người chủ trương phản đối viện trợ quân sự cho Ukraine và cảnh báo châu Âu sẽ phải giảm phụ thuộc vào Mỹ, làm ứng cử viên phó tổng thống.
Nguồn dự trữ vũ khí của Đức vốn đã ít ỏi do thiếu đầu tư trong nhiều thập kỷ lại càng cạn kiệt khi phải cung cấp vũ khí cho Kiev.
Cho đến nay, Berlin đã tặng 3 hệ thống phòng không Patriot cho Kiev, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, khiến Đức chỉ còn 9 hệ thống Patriot .
Dù sẽ giảm viện trợ quân sự cho Ukraine nhưng Đức vẫn sẽ tuân thủ quy định của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về chi 2% GDP cho quốc phòng vào năm 2025, với tổng số tiền 75,3 tỷ euro.
Vài ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine năm 2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz công bố kế hoạch "Zeitenwende", nghĩa là “bước ngoặt lịch sử”, để lập quỹ đặc biệt trị giá 100 tỷ euro cho phát triển quân đội.
Từ quỹ đặc biệt này sẽ có thêm 22 tỷ euro cho quốc phòng, cộng thêm 53,3 tỷ euro trong ngân sách thường xuyên, nhưng vẫn ít hơn mức mà Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius mong muốn.
Tiền Phong