MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dùng AI phân tích ảnh chụp từ trên cao, phát hiện một loạt hình vẽ khổng lồ bí ẩn nằm ngay giữa sa mạc ở Peru

02-07-2023 - 09:20 AM | Kinh tế số

Một nhóm nghiên cứu tại IBM Nhật Bản và Đại học Yamagata (Nhật Bản) đã sử dụng các thuật toán học sâu, để quét qua một số lượng lớn các bức ảnh chụp từ trên không các phần của sa mạc Nazca, từ đó tìm ra những hình vẽ đầy bí ẩn nằm ngay giữa sa mạc.

Sa mạc Nazca nằm ven biển ở miền nam Peru, nổi tiếng với quần thể những hình vẽ kỳ lạ có kích thước khổng lồ được gọi là “Đường kẻ Nazca” (Nazca Lines). Những hình vẽ gồm có con người, cá, chim, bọ, thằn lằn, chó, mèo, khỉ, cây và hoa. Một số hình ảnh siêu nhiên hơn, bao gồm quái vật hai mặt hình người và rắn hai đầu khổng lồ ăn thịt người. Chúng được cho là sản phẩm của người Nazca cổ đại từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 6 sau Công nguyên.

Điều đáng chú ý về "những đường Nazca" là kích thước quá lớn (hình vẽ lớn nhất dài tới 275m) nên chỉ có thể nhìn rõ từ phía trên cao bằng cách sử dụng hình ảnh vệ tinh, chụp ảnh trên không, máy quét trên không và chụp ảnh bằng máy bay không người lái. Một số hình vẽ do tác động của thời gian đã trở nên rất mờ, đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải sử dụng trí tuệ nhân tạo để giúp sức trong quá trình tìm kiếm.

Dùng AI phân tích ảnh chụp từ trên cao, phát hiện một loạt hình vẽ khổng lồ bí ẩn nằm ngay giữa sa mạc ở Peru - Ảnh 1.

Một hình thù kỳ lạ ở sa mạc Nazca được chụp bởi máy bay ở độ cao gần 4km.

Sử dụng công nghệ 'học sâu' để tìm hình vẽ bí ẩn

Trước đây, nhóm nghiên cứu tại Đại học Yamagata đã mất khoảng 5 năm để phân tích các bức ảnh chụp từ trên không có độ phân giải cao của toàn bộ khu vực. Trong thời gian đó họ đã xác định được một số hình vẽ mới. Nhưng khi họ có được những bức ảnh chụp từ trên không có độ phân giải cao hơn nữa vào năm 2016, họ đã chuyển sang một phương pháp trí tuệ nhân tạo được gọi là "học sâu" để kiểm tra chúng.

Đây là phương pháp được thực hiện dưới sự hợp tác với IBM Nhật Bản và Trung tâm nghiên cứu Thomas J. Watson của IBM ở Mỹ, nơi tiến hành nghiên cứu nâng cao về trí tuệ nhân tạo. Các hệ thống học sâu và phương pháp chúng sử dụng để xử lý dữ liệu được lấy cảm hứng từ cách bộ não con người xử lý thông tin. Phương pháp này thể hiện hiệu suất cao trong các tác vụ như nhận dạng hình ảnh, xử lý giọng nói và xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Thông qua học sâu, máy sẽ tự động xác định các đối tượng cụ thể từ hình ảnh và vị trí, kích thước và phân loại của chúng.

Thông thường, một hệ thống học sâu được đào tạo trên hàng nghìn hoặc hàng triệu đối tượng đã biết, nhưng nhóm nghiên cứu tại Đại học Yamagata đã đào tạo hệ thống này chỉ với dữ liệu từ 21 hình vẽ địa lý Nazca đã biết, chúng được chia thành các "phần tử".

Bất kỳ hình vẽ địa lý nào đã biết đều được tạo thành từ hàng chục yếu tố này — chẳng hạn như đầu, thân, cánh tay hoặc chân. Và do đó, hệ thống học sâu mới chỉ có thể tìm thấy các phần của hình vẽ địa lý.

Kết quả, AI đã xác định các hình vẽ nhanh hơn khoảng 21 lần so với một nhà khảo cổ học được đào tạo. Sau đó, các nhà khoa học sẽ đến địa điểm của những ứng cử viên có khả năng nhất để xác minh rằng chúng thực sự tồn tại.

Dùng AI phân tích ảnh chụp từ trên cao, phát hiện một loạt hình vẽ khổng lồ bí ẩn nằm ngay giữa sa mạc ở Peru - Ảnh 2.

Các nhà khoa học của Đại học Yamagata đã tìm kiếm các bức ảnh chụp từ trên không có độ phân giải cao chụp Nazca để tìm các hình vẽ địa lý, giống như con chim này, trong gần 20 năm. Ảnh: ĐH Yamagata

Nhờ cách tiếp cận bằng AI này, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy thêm được 3 hình vẽ của “Đường kẻ Nazca”. Đường kẻ mới nhất được tìm thấy là hình vẽ một đôi chân, dài hơn 77 mét. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra hình vẽ của một con cá có chiều ngang 19 m và hình vẽ một con chim có chiều rộng 17 m. Các nhà khoa học trước đây đã sử dụng phương pháp tương tự để xác định một hình người có chiều dài khoảng 4 m và chiều ngang 2 m, vốn đã được công bố vào năm 2019.

Vẫn chưa rõ nguồn gốc

Về phần " đường kẻ Nazca", các hình vẽ khổng lồ này được bảo tồn hàng ngàn năm mà không hề bị cát và đất che lấp nhờ điều kiện khí hậu ở đây khô, không có gió và nhiệt độ ổn định. Kể từ lần đầu phát hiện vào năm 1939, các chuyên gia, nhà khảo cổ cố gắng giải mã bí ẩn về việc ai là người tạo ra những hình vẽ này.

Trong số 143 hình vẽ, các hình vẽ khổng lồ dài 50m mô tả các loài động vật  được thực hiện trong khoảng thời gian từ 100 tới 300 năm sau Công nguyên của nền văn minh Nazca. Với việc phát hiện những mảnh gốm vỡ xung quanh khu vực, nhiều khả năng các hình vẽ động vật này được thực hiện vào mục đích tâm linh nghi lễ.

Dùng AI phân tích ảnh chụp từ trên cao, phát hiện một loạt hình vẽ khổng lồ bí ẩn nằm ngay giữa sa mạc ở Peru - Ảnh 3.

Theo nhiều nghiên cứu của các nhà khảo cổ học, các hình vẽ được tạo ra bằng cách loại bỏ lớp đất đá sần sùi ở phía trên và thực hiện việc vẽ hình trên lớp đất sáng màu bên dưới.

Trong khi đó, nhiều hình vẽ nhỏ hơn được hoàn thành trước các hình vẽ động vật khổng lồ khoảng 500 năm. Chúng thường được đặt trên các sườn dốc và những con đường, tạo giả thiết về mục đích ban đầu của các hình vẽ được dùng vào việc chỉ đường và hướng dẫn. Theo nhóm nghiên cứu, vẫn tồn tại nhiều hình vẽ Nazca khác và việc phát hiện sớm ra chúng sẽ giúp chính phủ Peru dễ dàng thực hiện công việc gìn giữ bảo tồn.

Tham khảo Live Science

Theo Anh Việt

Phụ nữ số

Từ Khóa:
AI

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên