Dừng BRT để mở nhiều dự án hiệu quả
Việc dừng dự án Phát triển Giao thông xanh TP HCM được nhìn nhận không ảnh hưởng đến quan hệ các bên.
- 14-11-2022Hà Nội đánh giá buýt nhanh BRT giảm ùn tắc, thúc đẩy phát triển
- 27-08-2022Đầu tư 'khủng' nhưng không hiệu quả, nên giữ hay bỏ bus nhanh BRT?
- 28-06-2022Liệu buýt nhanh BRT có bị khai tử?
Chia sẻ nguyên nhân dừng thực hiện dự án Phát triển Giao thông xanh TP HCM (tuyến BRT số 1), ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (gọi tắt Ban Giao thông, chủ đầu tư dự án), cho biết có 2 nguyên nhân chính.
Dừng lại chứ không kết thúc
Nguyên nhân đầu tiên, theo ông Lương Minh Phúc, do hiệp định tài trợ hết hiệu lực, không thể gia hạn sau năm 2023 trong khi thời gian thực hiện dự án cần kéo dài đến năm 2024. Hai là, UBND TP HCM làm việc với Ngân hàng thế giới (WB) và đã có chương trình hợp tác toàn diện trong 10 năm tới với 12 lĩnh vực, trong đó có nội dung phát triển giao thông công cộng cho TP HCM đa dạng, tổng quan hơn với hệ thống tuyến metro, xe buýt xanh, BRT và hệ thống giao thông thủy.
Việc dừng BRT không ảnh hưởng việc WB tiếp tục hỗ trợ TP HCM trong phát triển giao thông xanh (ảnh phối cảnh dự án)
Việc dừng dự án là bất khả kháng nhưng dừng lại không có nghĩa là kết thúc và không ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác giữa 2 bên. Trong các buổi làm việc, WB chia sẻ nguyên nhân kéo dài dự án và nhận định nhu cầu kết nối giao thông từ trục Đông sang Tây, giữa Bến xe Miền Tây và Bến xe Miền Đông cũng như kết nối giao thông TP Thủ Đức với các đô thị trung tâm là cần thiết. "Do đó, WB sẽ tiếp tục hỗ trợ thành phố trong phát triển giao thông xanh trên trục Đông - Tây với quy mô lớn hơn, toàn diện hơn gắn với định hướng phát triển mới, quy hoạch mới của TP HCM" - ông Phúc cho hay.
Giám đốc Ban Giao thông cũng thông tin những nghiên cứu đang thực hiện dang dở sẽ được sử dụng cho dự án mới và không lãng phí. Hiện nay đơn vị tư vấn cùng Ban Giao thông, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tiếp tục rà soát, bổ sung, cập nhật các loại hình giao thông công cộng cần ưu tiên phát triển, dự kiến tháng 11-2023, trình kế hoạch cho UBND thành phố.
Riêng về nguồn viện trợ 10,5 triệu USD của Chính phủ Thụy Sĩ cho dự án hỗ trợ kỹ thuật Phát triển Giao thông xanh TP HCM cũng sẽ dừng do dự án chính đã ngưng lại. Về nguồn viện trợ này, ông Phúc cho biết khi làm việc với lãnh đạo thành phố, đại diện Chính phủ Thụy Sĩ nói sẽ tiếp tục duy trì nguồn viện trợ cho 1 dự án hỗ trợ kỹ thuật khác của TP HCM. Ban Giao thông cùng Sở GTVT đang rà soát, nghiên cứu để trình UBND TP HCM.
Có chút tiếc nuối
Dự án Phát triển Giao thông xanh TP HCM với xây dựng tuyến xe buýt nhanh đầu tiên của thành phố được phê duyệt năm 2013 do Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư ban đầu gần 156 triệu USD, thời gian thực hiện 5 năm (từ 2014-2019).
Dự án có 2 hợp phần. Hợp phần 1 là phát triển hành lang xe buýt nhanh (BRT), xây dựng tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 dài 26 km trên hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ và các hạ tầng hỗ trợ như trạm dừng, cầu đi bộ, ga đầu và cuối, bãi hậu cần kỹ thuật và hệ thống quản lý hiện đại. Hợp phần 2 là tăng cường thể chế, thực hiện các hoạt động giám sát và đánh giá bao gồm các nội dung đánh giá sự thành công của hệ thống BRT.
Theo ông Lương Minh Phúc, những kết quả nghiên cứu đang thực hiện dang dở sẽ được sử dụng cho dự án mới và không lãng phí
Tuy nhiên, sau nhiều năm chậm trễ, cuối năm 2020, UBND TP HCM đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, giảm còn 143 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của WB giảm còn hơn 121,2 triệu USD (tương đương hơn 2.849 tỉ đồng) và vốn đối ứng từ ngân sách thành phố hơn 400 tỉ đồng. Thời gian thực hiện đến năm 2023.
Ngoài ra, để triển khai hiệu quả dự án, thành phố bổ sung dự án hỗ trợ kỹ thuật từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Thụy Sĩ thông qua tổ chức SECO với tổng vốn khoảng 10,5 triệu USD.
Theo dõi dự án từ những ngày sơ khai, ThS Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP HCM, bày tỏ tiếc nuối khi dự án dừng lại vì lỡ mất cơ hội hình thành tuyến BRT đầu tiên của TP HCM. Ông Tính nhận định nếu có BRT thì sẽ góp phần đa dạng hóa loại hình giao thông công cộng tại TP HCM bên cạnh hệ thống xe buýt, tuyến metro 1… Chưa kể, BRT có khả năng vận chuyển hành khách khối lượng lớn, chi phí đầu tư thấp hơn tuyến metro nhiều lần.
"Việc kéo dài thời gian thực hiện dự án quá lâu trên 10 năm vì những nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan khiến hiệp định tài trợ chấm dứt là điều dễ hiểu. Bài học kinh nghiệm rút ra là khi thực hiện một dự án mới, thành phố cần nghiên cứu thật kỹ, trình các cấp thẩm quyền phê duyệt, trên cơ sở có kinh phí thì tiến hành làm ngay" - ông Tính nói.
Giao thông sẽ linh hoạt, đa dạng hơn
Nhận định về việc dừng thực hiện dự án Phát triển Giao thông xanh, TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên - Môi trường TP HCM, cho rằng việc WB dừng tài trợ do hiệp định tài trợ được ký kết giữa 2 bên hết hiệu lực là chuyện bình thường theo quy định ký kết hợp tác.
Trong 5 đến 10 năm tới, phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt cần ưu tiên nhiều loại hình. Để thu hút hành khách đi xe buýt, thành phố cần kêu gọi các nhà đầu tư phát triển thêm những tuyến xe buýt điện loại nhỏ từ 8 đến 16 chỗ, dễ luồn lách, tiếp cận hành khách ở khu đô thị, khu dân cư mới, các tuyến hẻm. Song song đó, đầu tư các tuyến xe buýt chất lượng cao, có làn đường riêng, bảo đảm đúng hành trình, tiết kiệm thời gian đi lại cho hành khách.
"Trên tinh thần Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội vừa thông qua, TP HCM được chủ động xây dựng bãi đậu ô tô, xe máy. Đây có thể xem là giải pháp hỗ trợ hành khách tham gia phương tiện công cộng. Do đó, nếu tuyến BRT dừng lại, thành phố có thể đàm phán, chuyển nguồn tài trợ này sang các khoản khác để đầu tư phát triển giao thông công cộng cho thành phố một cách linh động, đa dạng và hiệu quả hơn" - TS Thuận nói.
Cho rằng tuyến BRT không phù hợp thực tế thì nên dừng, một chuyên gia giao thông góp ý TP HCM cũng cần thay đổi tư duy trong quy hoạch hệ thống giao thông công cộng, trong đó chú trọng các tuyến metro, xe buýt kết nối từ Đông sang Tây, đặc biệt kết nối TP Thủ Đức với các khu đô thị hiện nay.
"Thực tế các thành phố có quy mô dân số từ 7 triệu dân trở lên rất hạn chế dùng BRT, Monorail lẫn Tramway trừ Bangkok (Thái Lan) vì các loại hình này năng lực vận chuyển không cao, chi phí đã không thật sự rẻ còn gây tiếng ồn, phá vỡ cảnh quan và chiếm diện tích đất đai khi xây dựng kết cấu công trình. Hiện nay Bangkok và Jakarta (Indonesia) cũng định hướng giảm dần các loại hình này và tăng thêm các tuyến metro cho phù hợp định hướng tương lai" - chuyên gia này dẫn chứng.
Đã tính kỹ trước khi dừng
Từ ngày 1-7-2022, WB có thư gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông báo việc tạm ngừng giải ngân khoản tín dụng số 5654-VN cho dự án Phát triển Giao thông xanh TP HCM đồng thời không thể gia hạn ngày kết thúc Hiệp định số TF0A2457. Tiếp đó, WB có thư ngày 27-9-2022 và thư ngày 15-6-2023 gửi Chủ tịch UBND TP HCM về ngưng thực hiện dự án này.
Thay vì sử dụng BRT trong tương lai gần, người dân còn nhiều lựa chọn phương tiện khác
Ngày 12-7-2023, Ban Cán sự Đảng UBND TP HCM đã có tờ trình báo cáo, xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM để xem xét việc dừng triển khai thực hiện dự án Phát triển Giao thông xanh thành phố. Đến ngày 24-7, Ban Thường vụ Thành ủy có thông báo kết luận về việc thống nhất chủ trương ngưng thực hiện dự án theo đề nghị của WB.
Người lao động