Đừng chỉ nhìn thấy cơ hội mà quên đi những rủi ro và thách thức của Fintech
Cho đến thời điểm này, Fintech - việc áp dụng công nghệ vào tất cả các hoạt động tài chính nhằm mang tới cho khách hàng các sản phẩm tài chính dựa trên công nghệ - đã phủ khắp các mảng hoạt động chủ đạo của tài chính, bao gồm cả ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán.
- 25-11-2017Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói gì về các công ty Fintech?
- 25-11-2017Học hỏi người Singapore trong đại hội FinTech toàn cầu, ngân hàng việt chủ động “tăng tốc” công nghệ
- 13-11-2017Ngân hàng và Fintech: Đối thủ hay đối tác?
- 07-11-2017Các ngân hàng đang chuẩn bị gì cho làn sóng Fintech sắp tới?
-
Rất cần thiết và cấp thiết phải có những kế hoạch ngay từ bây giờ để bảo đảm đủ vốn giúp người dân và doanh nghiệp sớm phục hồi cuộc sống và hoạt động kinh doanh sau dịch bệnh, nếu không, nạn tính dụng đen sẽ bủa vây người dân thời hậu dịch
-
Với mức lãi suất hấp dẫn, kỳ trả lãi ngắn và nhu cầu phát hành cao thì trái phiếu bất động sản sẽ tiếp tục nở rộ trong năm 2020
Fintech đang hiện diện khắp các hoạt động tài chính
Có hai nhóm khá rõ nét mà Fintech đang hiện diện bao gồm nhóm hỗ trợ và nhóm kinh doanh.
Với nhóm hỗ trợ, sản phẩm Fintech gồm công nghệ blockchain và công cụ hỗ trợ có tác dụng tạo nền tảng và thúc đẩy các lĩnh vực hoạt động của nhóm kinh doanh mà Fintech phát triển. Trong đó công nghệ blockchain là một nền tảng dữ liệu theo phương thức sổ cái phân tán giúp lưu trữ và truyền tải thông tin. Ứng dụng của Blockchain được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như thanh toán, bảo hiểm, chuyển tiền, tài trợ thương mại, giao dịch ngoại hối.... giúp đơn giản hóa các quy trình phức tạp, giảm thiểu chi phí hạ tầng kỹ thuật, đẩy nhanh tốc độ xử lý giao dịch và duy trì khả năng hoạt động liên tục, tăng cường bảo mật và minh bạch thông tin. Còn công cụ hỗ trợ cung ứng các giải pháp công nghệ giúp hỗ trợ cho ngành tài chính như công cụ bảo mật, công cụ nhận diện khách hàng, công cụ quản lý và phân tích dữ liệu, công cụ quản lý rủi ro, công cụ quản lý quan hệ khách hàng, các phần mềm quản lý tài chinh cá nhân và doanh nghiệp...
Còn nhóm kinh doanh có các sản phẩm Fintech tương ứng với các mảng hoạt động hiện tại của ngành tài chính truyền thống gồm thanh toán; huy động vốn; cho vay; đầu tư và quản lý tài sản; bảo hiểm.
Với lĩnh vực Thanh toán, các sản phẩm thanh toán do Fintech cung cấp như thanh toán di động, ví điện tử, phương thức chuyển tiền ngang hàng... là những phương thức thanh toán hiện đại, được xử lý thanh toán trong thời gian thực giúp đẩy nhanh tốc độ giao dịch và gia tăng bảo mật.
Với lĩnh vực huy động vốn thì nền tảng gọi vốn trực tuyến từ cộng động là giá trị cốt lõi của sản phẩm Fintech huy động vốn mang lại. Nền tảng này cho phép người có dự án hay ý tưởng sản phẩm nhưng lại không có vốn để thực hiện, có thể huy động vốn từ xã hội. Các hình thức gọi vốn hiện có trên thị trường có thể kể đến: Gọi vốn theo hình thức ủng hộ; Gọi vốn theo hình thức có đãi ngộ; Gọi vốn theo hình thức góp vốn; Gọi vốn theo hình thức cho vay; Gọi vốn theo hình thức phát hành tiền ảo.
Với lĩnh vực cho vay, các sản phẩm Fintech cho vay ngang hàng khác với hoạt động cho vay truyền thống ở chỗ nó dựa nền tảng trực tuyến để kết nối người đi vay và người cho vay với mục tiêu tăng lợi suất cho người cho vay, giảm chi phí với người đi vay thông qua giảm bớt các chi phí trung gian tài chính.
Với lĩnh vực bảo hiểm, có 2 mô hình bảo hiểm ngang hàng mà Fintech cung cấp là mô hình người môi giới và mô hình công ty bảo hiểm giúp thúc đẩy khả năng tìm kiếm các loại hình bảo hiểm phù hợp và mang lại những giải pháp tốt hơn cho khách hàng thông qua việc sử dụng công nghệ, điều này làm giảm bớt chi phí, nâng cao tính minh bạch.
Với lĩnh vực đầu tư và quản lý tài sản thì mạng giao dịch xã hội và tư vấn tự động là 2 sản phẩm Fintech giúp cung cấp các giải pháp tư vấn, lựa chọn hình thức và quản lý các khoản đầu tư dựa trên công nghệ cho người sử dụng.
Như vậy, rõ ràng những sản phẩm Fintech rất đa dạng và tham gia vào các lĩnh vực của ngành tài chính như vậy, rõ ràng nó sẽ thay đổi hoàn toàn diện mạo, hệ thống cũng các phương thức tài chính truyền thống. Tuy nhiên, cũng như tất cả các lĩnh vực khác, bởi tính đa dạng nên Fintech cũng sẽ có những tác động cả tiêu cực và tích cực với hệ thống tài chính cũng như nền kinh tế.
Những lợi ích rõ ràng
Những lợi ích mà Fintech mang lại có thể nhìn thấy rất rõ ràng. Thứ nhất, Fintech không cần nhiều mạng lưới chi nhánh như tài chính truyền thống do được phát triển trên nền tảng hệ thống công nghệ thông tin và viễn thông. Ngoài ra, Fintech giúp tăng cường tiếp cận tài chính cho khách hàng, mang dịch vụ tài chính đến gần hơn tới những khách hàng ở vùng sâu, vùng xa – nơi mà tài chính truyền thống chưa có khả năng tiếp cận hoặc những khách hàng gặp hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính do những rào cản về thủ tục hoặc địa lý.
Thứ hai, Fintech giúp phục vụ tốt hơn nhóm khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ do những khách hàng này thường có nhu cầu nhỏ, rủi ro cao thường bị các dịch vụ tài chính truyền thống bỏ qua.
Thứ ba, Fintech giúp cung cấp danh mục các sản phẩm tài chính đa dạng cho khách hàng nhờ sự đổi mới của liên tục của công nghệ, giúp bảo đảm sự cung ứng dịch vụ liên tục ngay cả khi hệ thống các tổ chức tài chính truyền thống gặp vấn đề.
Thứ tư, Fintech giúp tăng tính bảo mật nhờ sự phát triển của công nghệ dữ liệu lớn và các ứng dụng giao diện mở, từ đó công tác quản trị rủi ro của cả hệ thống tài chính sẽ hiệu quả hơn, giảm bớt những thông tin thất thiệt.
Những rủi ro luôn rình rập
Bên cạnh những lợi ích mà Fintech đem lại, các hoạt động của Fintech có thể mang lại một số tác động bất lợi đến hệ thống tài chính.
Đầu tiên là nguy cơ bị tấn công bởi chính công nghệ. Các sản phẩm Fintech được tạo ra trên nền tảng công nghệ nên việc gặp phải các nguy cơ tấn công từ công nghệ là điều không tránh khỏi.
Hai là, Fintech phát triển quá vượt trội so với hệ thống pháp luật hiện hành. Sản phẩm Fintech là dựa trên những đổi mới và sảng tạo liên tục của công nghệ, dó đó, nhiều trường hợp các quy định của pháp luật hiện hành chưa theo kịp. Ngoài ra, hầu hết các lĩnh vực Fintech chưa được quản lý chặt chẽ bởi các cơ quản quản lý nhà nước như với các lĩnh vực tài chính truyền thống.
Ba là, rủi ro hệ thống. Các sản phẩm Fintech thường dựa vào một hoặc một vài nhà cung cấp công nghệ do vậy khi có sự cố có thể dẫn đến rủi ro hệ thống. Không những thế, tính ổn định trong Fintech không cao do khách hàng có thể dễ dàng chuyển đổi nhà cung cấp dịch vụ Fintech, hệ thống Fintech cũng sẽ nhạy cảm hơn với các thông tin trên thị trường.
Bốn là tính phực tạp của sản phẩm. Sản phẩm tài chính vốn đã có đặc tính khó hiểu và phức tạp với đại bộ phận dân cư, nhất là trong những vùng có nhận thức tài chính thấp, với các sản phẩm Fintech thì tính phức tạp và khó hiểu cao hơn rất nhiều, từ đó sẽ tạo những nguy cơ tranh chấp hoặc rủi ro không đáng có.
Năm là, tỷ lệ thất nghiệp trong ngành tài chính gia tăng. Với những đổ bộ của công nghệ vào ngành tài chính đã tạo ra một làn sóng cắt giảm nhân sự rất rõ rệt, đặc biệt với những thành tựu của trí tuệ nhân tạo đã làm cho làn sóng này không chỉ diễn ra với những vị trí nhân sự cấp thấp như giao dịch viên mà những vị trí nhân sự cấp cao như kinh doanh ngoại tệ.
Fintech với Việt Nam cũng không là ngoại lệ
Fintech chính thức xuất hiện tại Việt Nam năm 2008 là hoạt động thanh toán và hiện nay các lĩnh vực hoạt động của nó đã đa dạng hơn nhiều như: Thanh toán với các công cụ như Moca, Payoo,VinaPay, MoMo... hoặc cung ứng giải pháp thanh toán kỹ thuật số POS/mPOS4 nhe Hottab, SoftPay; các công ty cung cấp nền tảng gọi vốn như FundStart, Comicola, Betado hay FirstStep...; Cho vay trực tuyến như LoanVi, Tima; Quản lý tài chính cá nhân như BankGo, Moneylover, Mobivi; Quản lý dữ liệu như Trusting Social, Circle Bii; Chuyển tiền như Matchmove, Cash2vn; Blockchain như Bitcoin Vietnam, VBTC Bitcoin…
Mặc dù Fintech tại Việt Nam đang ngày càng mở rộng, tuy nhiên, so với các nước trong khu vực như Malaysia, Trung Quốc, Singapore cũng như các nước khác thì Fintech tại Việt Nam vẫn rất manh nha từ khuôn khổ pháp lý và hệ thống quản lý quản nhà nước, hàng hóa và mức độ phát triển của thị trường …
Cũng như với thị trường tài chính toàn cầu, Fintech tại Việt Nam hiện đang đang phải đối mặt với khá nhiều thách thức. Đầu tiên là hệ sinh thái Fintech còn chưa hoàn chỉnh, khuôn khổ pháp lý và quản lý chưa đầy đủ và đồng bộ cho Fintech phát triển. Số lượng các công ty tham gia vào Fintech vẫn ít với lĩnh vực hoạt động chủ yếu là thanh toán, cần hướng các doanh nghiệp Fintech sang các lĩnh vực khác như dịch vụ quản lý tài sản, quản lý thanh khoản, quản lý danh tính, quản lý đầu tư, quản lý rủi ro, quản lý kinh doanh; bảo hiểm, bảo lãnh phát hành; dịch vụ tư vấn tài chính tự động...
Ngoài ra, sự kết nối giữa các thành tố trong hệ sinh thái Fintech như cơ quan quản lý, các định chế tài chính, công ty Fintech, các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động Fintech chưa chặt chẽ và hiệu quả.
Thách thức tiếp theo đến từ nhận thức và niềm tin của khách hàng với các sản phẩm Fintech, đặc biệt khi các sản phẩm Fintech chưa xây dựng được thương hiệu mạnh cũng cản trở không nhỏ tới sự kích thích sử dụng của khách hàng. Và yếu tố thách thức cuối cùng là sự chưa hoàn thiện của cơ sở hạ tầng thị trường tài chính tại Việt Nam.
Bên cạnh những thách thức, Fintech tại Việt Nam có rất nhiều cơ hội khi mà số lượng dân số trẻ chiếm tỷ trọng lớn trong 92 triệu dân, tỷ lệ người dùng Internet hiện chiếm 54% dân số, xu hướng sử dụng điện thoại thông minh có thể đạt mốc 40 triệu vào năm 2021, nhận thức của nhà quản lý về Fintech ngày càng rõ nét… những thuận lợi này sẽ tạo ra những tiềm năng rộng mở cho phát triển Fintech tại Việt Nam
Làm gì để Fintech tại Việt Nam phát triển?
Trong thời gian sắp tới, tác giả cho rằng, những giải pháp cần được thực hiện đồng bộ hướng tới hoàn thiện hệ sinh thái Fintech bao gồm:
Thứ nhất, xây dựng hệ thống quy định quản lý tổng thể về Fintech với sự tham gia của không chỉ Ngân hàng Nhà nước mà liên Bộ như Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng tham gia xây dựng hệ thống này; Thứ hai, phối hợp các trường Đại học để đào tạo trực tiếp các chuyên ngành liên quan đến Fintech, bảo đảm chương trình đào tạo chứa đựng đầy đủ khung lý thuyết và thực hành;
Thứ ba, tăng cường hợp tác và đầu tư từ nước ngoài để nhận chuyển giao và cập nhật công nghệ mới và phù hợp, đặc biệt là những công nghệ tạo ra những sản phẩm bậc cao như tư vấn tự động, nhận diện kỹ thuật số…; Thứ tư, tăng cường phổ cập kiến thức Fintech thông qua các gameshow trên truyền hình để những nội dung đào tạo hấp dẫn và mang lại thông tin giá trị người dân…