Đừng dập tắt ngọn lửa tình yêu U23 Việt Nam vừa nhóm trở lại trong lòng người hâm mộ
Vụ trọng tài Trần Văn Lập "bẻ còi" khó hiểu trong trận đấu giữa Bình Dương và Than Quảng Ninh khiến người hâm mộ lắc đầu ngao ngán với V.League, sau quãng thời gian đầy hứng khởi nhờ thành tích tốt của U23 Việt Nam và Olympic Việt Nam.
- 14-09-2018Con số đáng báo động của các tuyển thủ U23 Việt Nam
- 10-09-2018Bi kịch thủ môn Bùi Tiến Dũng: Người hùng U23 Việt Nam "sống mòn" ở Thanh Hóa
Chục năm trở lại đây bóng đá Việt Nam chứng kiến cảnh đìu hiu ở các sân vận động, khi người hâm mộ không còn mặn mà với bóng đá trong nước. Vấn nạn bạo lực sân cỏ, chất lượng chuyên môn thấp và những tiêu cực khiến giải VĐQG Việt Nam từng là điểm đến hấp dẫn của các cầu thủ trong khu vực, nay lại thiếu những cầu thủ chất lượng.
Người hâm mộ nhớ về thời vàng son khi sân cỏ đầy ắp khán giả cổ vũ cho Thể Công, Công an Hà Nội, Cảng Sài Gòn... hay sau đó là thời Hoàng Anh Gia Lai nổi lên với các danh thủ như Kiatisuk, Dusit và đối trọng là một Gạch Đồng Tâm Long An chất lượng.
Nhưng rồi các ông bầu nhiệt huyết với bóng đá rút dần, rất ít nhà tài trợ tìm đến với các đội bóng. Bóng đá trong nước phủ một màu nhợt nhạt.
Cho đến khi...
Bóng đá trẻ chính là nơi nhóm mồi lửa đầu tiên thắp sáng bóng đá trong nước và cả lửa tình yêu của người hâm mộ. Năm 2017, Việt Nam xuất sắc giành vé vào vòng chung kết U20 thế giới. Lần đầu tiên bóng đá 11 người của Việt Nam góp mặt ở sân chơi World Cup, dù là cấp độ trẻ. Đó là chỉ dấu cho sự hồi sinh của bóng đá Việt Nam và một thế hệ cầu thủ trẻ tài năng vừa ra lò.
Đến khi HLV Park Hang Seo về nắm đội tuyển quốc gia và đội U23, bóng đá Việt Nam đã tạo ra những cột mốc lịch sử, và quan trọng nhất là làm sống dậy tình yêu của người hâm mộ, sự quan tâm của khán giả với bóng đá.
U23 Việt Nam vào đến chung kết giải U23 châu Á với một dàn cầu thủ được xem là "thế hệ vàng". Các CLB trong nước bắt đầu chuyên nghiệp hoá về hình ảnh, tổ chức, truyền thông... khiến người hâm mộ quan tâm hơn với bóng đá nội. V.League 2018 chứng kiến các sân cỏ đầy ắp khán giả. Hiệu ứng U23 Việt Nam đã mang lại những tín hiệu tích cực.
Một giải vô địch quốc gia hấp dẫn mới kéo khán giả đến sân. Có khán giả, có người hâm mộ ủng hộ mới giúp các CLB phát triển, mới giúp các cầu thủ Việt Nam tiến bộ hơn. Về lâu dài các đội bóng có nguồn tài chính ổn định để tiếp tục đào tạo những lứa cầu thủ trẻ tiếp theo.
Thế mới thấy người hâm mộ quan trọng thế nào với bóng đá.
Sự yếu kém của trọng tài
Khi tình yêu của người hâm mộ với bóng đá trong nước vừa được nhen nhóm trở lại, những hạn chế trong khâu tổ chức có nguy cơ dập tắt điều đó. Trận Bình Dương gặp Than Quảng Ninh hôm 14/9 chứng kiến sai sót nghiêm trọng của trọng tài Trần Văn Lập, ảnh hưởng đến kết quả trận đấu và cả niềm tin của cầu thủ và người hâm mộ. Đây không phải là lần đầu tiên trọng tài mắc sai sót ở V.League và riêng trọng tài Trần Văn Lập mùa trước từng bị treo còi vì những quyết định gây bức xúc.
Trọng tài Trần Văn Lập (phải) và trọng tài Nguyễn Trọng Thư.
Trọng tài yếu kém thực sự hay cố ý? Người hâm mộ có quyền đặt ra nghi vấn về tính trung thực của trọng tài V.League khi những bê bối kiểu thế này đã xảy ra rất nhiều lần. Đến nỗi phía Bình Dương sau bê bối hôm 14/9 chán nản đến mức không muốn kiện cáo.
"Đội bóng chúng tôi chẳng muốn khiếu nại gì với BTC nữa. Chúng tôi đã quá chán nản và không còn mặn mà gì nữa. Ai muốn làm gì thì làm, muốn xử như thế nào là việc của BTC", Tổng giám đốc công ty thể thao bóng đá Bình Dương Lê Hồng Cường chia sẻ.
Nếu những nhà điều hành không mạnh tay và xử lý vấn đề dứt khoát, chắc chắn niềm tin của người hâm mộ với bóng đá trong nước sẽ lại đi xuống. Và điều đó không khác gì đạp đổ công sức của các đội bóng đã làm trong một năm qua, và xoá luôn hiệu ứng mà thầy trò ông Park Hang Seo đã làm được ở các giải trẻ châu Á.
Giờ là lúc người hâm mộ chờ đợi lời cam kết về bóng đá sạch và chuyên nghiệp, như ban tổ chức V.League đã nói khi bắt đầu mùa giải mới.
Trí thức trẻ