Đừng dạy ai cách tiêu tiền: Phở 920 nghìn hay Skyview 810 nghìn, kiếm nhiều ắt biết tiêu cho đáng
Câu chuyện tranh cãi về Skyview giá 810 nghìn đồng hay bát phở giá 920 nghìn lại một lần nữa gây tranh cãi với vấn đề muôn thuở: Tiêu tiền sao cho đúng cách và liệu có cần vung tiền một cách lãng phí như vậy vào những điều “đắt đầy vô lý” như vậy không?
Trong cuốn “Lược sử loài người” được dịch ra hàng chục thứ tiếng và gây “bão” trong cộng đồng sách, tác giả Yuval Noal có một nhận định rằng “Tiến hóa dựa trên sự khác biệt, chứ không phải sự bình đẳng”. Nhìn xa là tiến hóa, trông gần hơn, đó là quy tắc vận động của cuộc sống - nếu không có sự khác biệt và chênh lệch, xã hội sẽ cào bằng và không thể phát triển được. Tất nhiên, nhiều người sẽ đặt câu hỏi vậy tại sao người ta luôn tìm cách xóa đi khoảng cách giữa giàu và nghèo - chênh lệch giàu nghèo cần giữ ở một khoảng vừa phải, đủ để xã hội phát triển và đủ để đem lại lợi ích tương đối cho toàn xã hội.
Đây là một vấn đề mà người ta có thể viết cả cuốn sách về nó; “Phải trái đúng sai” - một cuốn bestseller về công lý, đạo đức và xã hội có thể coi là một ví dụ. Vậy những tư tưởng phức tạp đó có liên quan gì tới Việt Nam, hay một vấn đề xã hội tại Việt Nam?
Ai đó đang bàn tán rầm rộ về bát phở 920 nghìn và câu chuyện lên Skyview giá 810 nghìn đồng cho người lớn tại Sài Gòn. “Bát phở 920 nghìn? ở phố cổ 60 nghìn là có cả quẩy và trà đá rồi” - “Còn cái đài quan sát 810 nghìn kia nữa? Lên tầng thượng tòa nhà hơn 30 tầng thôi là cũng đủ để ngắm thành phố cao lớn rồi, tại sao phải bỏ tiền ra nhiều như vậy, thừa tiền à?”.
“Tiền đó bỏ ra đi làm từ thiện còn hơn!”. Bạn có nghe câu nói này quen quen không, hay gặp ở đâu đó trong những tình huống tương tự?
Không có vấn đề gì đúng sai ở đây cả, cả về khía cạnh đạo đức, công bằng và khía cạnh kinh tế. Nhiều người viện lý lẽ rằng “nước mình còn nghèo, tại sao lại bỏ tiền ra cho những thứ như vậy”. Một người bỏ ra 920 nghìn để ăn bát phở không lấy đi cơ hội ăn bát phở 60 nghìn của 15 người khác. Bát phở 920 nghìn và bát phở 60 nghìn đều là công cụ để mưu cầu “hạnh phúc trong ăn uống” - những người nghèo thực sự, họ có nhu cầu ăn để khỏa lấp cái bụng, còn những người giàu sự đố kị và hơn thua, người ta có nhu cầu chứng minh bát phở 920 nghìn kia là một biểu tượng của việc giàu có, ăn trên cái nghèo của người khác.
Về cơ bản, đây chỉ là một câu chuyện về cung cầu đơn thuần khi những nhà cung cấp các dịch vụ đó, họ hiểu được rằng sẽ có một lượng khách hàng sẵn sàng bỏ tiền ra cho những sản phẩm như vậy. Không ai ép buộc bạn phải vào hàng phở hay lên đài quan sát Skyview, đó là những ngưỡng để nhiều người vươn tới trong nấc thang vật chất, để đảm bảo một xã hội kinh tế phát triển. Việc nhiều người chi tiền ra cho những điều như vậy không phải biểu hiện của một xã hội “bất thường” hay đáng buồn - thứ đáng buồn hơn cả là khi vẫn có hàng triệu người vẫn phải chờ cơm từ thiện hay ăn những món cốt chỉ “lấp đầy cái bụng”. Đó mới thực sự là vấn đề chứ không phải những người bỏ tiền ra cho các dịch vụ xa xỉ một cách hợp pháp.
Nếu giả sử ở đâu người ta cũng bán bát phở 60 nghìn thì sao? Thì chắc hẳn người ta thấy phố phường mỗi sáng đều ăn chung một loại phở, người trung lưu cũng như người giàu; và đó không phải chỉ là bát phở mà mọi thứ đều ở mức tầm trung như vậy. Người giàu không thấy có sự chênh lệch, nỗ lực làm ra tiền cũng chỉ để nhìn thấy mọi thứ đều “đồng giá”, vậy đâu có điều gì thôi thúc họ nữa? Hôm nay là chuyện bát phở, ngày mai là câu chuyện kinh tế lớn hơn của cả một đất nước.
Bát phở 920 nghìn hay Skyview 810 nghìn là biểu tượng xa hoa trong mắt những người không giàu có, nhưng với nhiều người nó lại là một “cái đích” nhỏ cho những nỗ lực vươn lên. Chúng ta không đánh giá cao bát phở 60 nghìn vì điều đó quá dễ dàng có được, còn bát phở 920 nghìn là cả một nỗ lực - nỗ lực có đủ tiềm lực để vào những nơi như vậy và nỗ lực thay đổi tư duy của chính bản thân “mình xứng đáng vào nơi như vậy” - điều mà với tôi quan trọng và khó khăn hơn. Không ai đo đếm cọng hành, thớ thịt, cân bún của bát phở 920 nghìn để cho ra một cái giá cuối cùng khi có những “giá trị tưởng tượng” như thương hiệu, vị thế, sự nổi tiếng còn quan trọng hơn rất nhiều. Tính toán ra hết, cái giá đó hoàn toàn hợp lý với những người có đủ khả năng kinh tế.
Khi tôi có mức lương 5 triệu, tôi cũng tự hỏi ăn bát phở 60 nghìn làm gì cho đắt, đầu ngõ có 30 nghìn. Khi lương tôi 10 triệu, bát phở 60 nghìn trở nên hợp lý hơn nhưng nếu lương tôi lên 60 triệu, nếu có một bát phở giá cao hơn nhưng đem lại nhiều lợi ích hơn, tôi có sẵn lòng đánh đổi không? Dĩ nhiên là có. Bát phở 30 nghìn hay 60 nghìn vẫn ngon, nhưng họ cần thêm những điều khác từ những thứ đơn giản như bát phở.
Khi nhiều bát phở bò 920 nghìn được tiêu thụ, người bán hàng sẽ có thêm tiền để mở một vài cửa hàng nữa; người nông dân nuôi bò ở Tây Ninh sẽ có thêm tiền, người trồng rau ở Lâm Đồng có thể mở rộng canh tác; ông chủ đầu tư muốn đánh bóng tên tuổi có thể sẽ phát triển quỹ từ thiện “bát phở tình nghĩa”... Đó là viễn cảnh kinh tế tươi sáng của một bát phở bò và có tác động đến người nông dân. Một cánh bướm đập ở Mexico có thể gây nên cơn bão ở Thái Bình Dương là như vậy - ai nói rằng bát phở bò kia không giúp được những người nghèo? Tất nhiên, sẽ có các khía cạnh tiêu cực khác, nhưng phủ nhận sạch trơn và phê phán bát phở bò 920 nghìn xem chừng là điều không thấu đáo.
Những người chi tiền ra cho một bát phở 920 nghìn sẽ có hai nhóm chính: Chi nhiều tiền để hưởng thụ một dịch vụ tốt, sản phẩm chất lượng hoặc chi nhiều tiêu để thể hiện việc mình giàu có, đẳng cấp. Với cả hai cách như vậy, họ đều tiêu tiền “thông minh” cho mục đích của riêng mình. Nhiều người phê phán các cô nàng thuê đồ hiệu mặc, không có nhiều tiền nhưng vẫn chịu khó đi ăn nhà hàng sang trọng nhưng không biết rằng họ cũng nhận được các hợp đồng quảng cáo nếu có lượng người theo dõi tốt; tất nhiên khoản tiền thù lao lớn hơn chi phí bỏ ra để đi ăn một bữa sang chảnh. Bạn cứ nhìn Khoa Pug thì biết, vài triệu lượt view Youtube ăn đứt số tiền vài triệu chỉ để bỏ ra ở khách sạn 5 sao.
Đừng dạy người giàu cách tiêu tiền. Vì sao? Vì họ đủ thông minh để kiếm bội tiền thì cũng biết cách làm sao để sinh lời từ những món tiền mình bỏ ra. Hoặc ít nhất, đó là một dịch vụ chất lượng khiến họ thoải mái tinh thần.
Khi tôi mới vào Sài Gòn, lương tháng 20 triệu nhưng cũng không đủ sống, bạn tôi nghe thế thôi đã nói: 20 triệu mà không đủ sống thì bao nhiêu mới đủ, rồi chê trách này nọ. Tôi không quá động lòng vì đúng là mình chưa biết “đủ”, nhưng quan niệm về tiền bạc của mỗi người khác nhau. Khi bạn kiếm 10 triệu, một tháng chỉ quẩn quanh nhà trọ và ăn uống, 20 triệu bạn sẽ nghĩ nhiều hơn đến shopping, du lịch hay ăn uống sang chảnh. “Không đủ sống” là vì ở mức lương 20 triệu, tôi bắt đầu nghĩ tới những dịch vụ, tiện ích cao hơn và nó dần thôi thúc tôi nỗ lực hơn trong công việc. Tôi không có nhu cầu khoe với ai, nhưng tôi có nhu cầu cải thiện cuộc sống của mình thay vì ngồi than thở sao mãi không giàu.
Có lẽ, không có ở đâu tại Việt Nam mà câu chuyện kiếm tiền - tiêu tiền lại sôi động như ở Sài Gòn; giàu có đi liền với khoảng cách giàu nghèo, nhưng có lẽ vì thế, nhịp điệu cuộc sống nơi đây thực sự hối hả, nhộn nhịp. Người ta biết cách tiêu tiền để rồi lại kiếm tiền nhiều hơn. Những bát phở 920 nghìn, nhìn ở khía cạnh tích cực, đang thay đổi cuộc sống của nhiều người.
Nếu hỏi cá nhân tôi nghĩ gì về những bát phở 920 nghìn hay Skyview 810 nghìn, tôi nghĩ đó là lựa chọn cá nhân trong một cuộc sống muôn màu. Chúng ta không chỉ nhìn nó hạn hẹp về sự chênh lệch giàu nghèo - điều tôi cho rằng cũng không phải điều quá tệ như đã nói ở trên, nó còn cho chúng ta nhiều bài học khác: Sự vận động của nền kinh tế, sự thay đổi của đất nước, một thành phố đang phát triển và cả cách làm sao để trở thành một người tranh luận văn minh trên mạng xã hội.
Tòa tháp Landmark81 với đài quan sát giá 810 nghìn ấy, như một đỉnh cao để nhiều người vươn tới, dù đó chỉ là một trong vô vàn đỉnh cao trong cuộc đời: người chọn leo lên nấc thang vật chất, người chọn giá trị tinh thần. Đừng dạy ai cách tiêu tiền, đồng tiền bỏ ra cho bát phở 920 nghìn hay Skyview 810 nghìn đều có mục đích và điều đó quan trọng với mỗi cá nhân, chỉ là chúng ta chưa hiểu mà thôi.
Trí thức trẻ