Đừng để mạng xã hội “ngắt” kết nối gia đình
Sự phát triển vượt bậc của công nghệ số đã giúp cuộc sống con người thay đổi mạnh mẽ về mọi mặt, giúp việc liên hệ và kết nối ngày càng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, khi nó len lỏi vào từng gia đình, việc lướt mạng, giao tiếp online trở thành thói quen của nhiều thành viên thì mối quan hệ, tình cảm gia đình trở nên lỏng lẻo, thậm chí bị “ngắt” kết nối.
- 28-06-2024Gặp Thủ tướng, lãnh đạo tập đoàn hàng đầu thế giới đã đầu tư 4 tỷ USD vào Việt Nam bày tỏ một cam kết
- 27-06-2024Dự báo mới nhất về tăng trưởng GDP năm nay
- 25-06-2024Từng đạt kỷ lục chưa từng có về thu hút FDI, một tỉnh miền Bắc sẽ trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao
Việc sử dụng mạng xã hội (MXH) đã trở thành thói quen của nhiều người. Ngoài sử dụng MXH phục vụ cho công việc thì không ít người sử dụng MXH để chơi game, tán gẫu.
Đáng lo ngại, MXH đã bùng nổ và “tấn công” vào các gia đình, dẫn đến tình trạng phổ biến là nhiều người ăn, ngủ cùng MXH, điều này làm gia tăng các mối quan hệ, hạnh phúc ảo. Tại nhiều gia đình, sau bữa cơm chung, mỗi thành viên đều tìm cho mình một kênh giải trí riêng như xem ti vi, dùng lap top, điện thoại, ipad… để truy cập MXH, làm việc cá nhân mà rất ít khi dành thời gian trò chuyện cùng nhau. Nhiều gia đình kết nối với nhau bằng tin nhắn, bằng điện thoại nhiều hơn nói chuyện trực tiếp. Không ít người rơi vào trạng thái cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình.
Bà Lê Thị Thiêm (Ba Đình, Hà Nội) kể, trước đây, sau bữa ăn tối là thời điểm các thành viên của 3 thế hệ trong gia đình bà lại quây quần uống nước, xem tivi và kể cho nhau nghe những việc làm, những câu chuyện đã diễn ra trong ngày. Đây là khoảng thời gian “vàng” khiến bà cảm thấy hạnh phúc nhất. Tuy nhiên, câu chuyện này là của nhiều năm về trước và nay đã trở thành hoài niệm trong ký ức bà. Còn hiện tại, mọi thứ đã đổi thay và khác đi rất nhiều.
Giọng trầm buồn, bà Thiêm kể, gia đình bà có 3 thế hệ đang sinh sống cùng nhau, ban ngày các con đi làm, các cháu đi học. Từ khi mạng xã hội trở nên phổ biến thì mỗi người trong gia đình bà đều sở hữu 1 chiếc điện thoại thông minh để phục vụ cho công việc và học tập. Bà cảm thấy các thành viên dường như “bận rộn” hơn rất nhiều. Bởi cứ về đến nhà, sau khi ăn uống và sinh hoạt cá nhân, mỗi người đều cầm một chiếc điện thoại bấm bấm, lướt lướt.
Cháu gái của bà Thiêm đang học lớp 8, vốn là người sống rất tình cảm, trước đây thường nói chuyện, chia sẻ với bà mọi chuyện buồn, vui thì bây giờ khi bà hỏi, mồm trả lời nhưng mắt vẫn không rời khỏi chiếc điện thoại.
“Tôi ở nhà một mình cả ngày, chỉ mong đến tối con cháu về nhà để được trò chuyện, tâm sự, thế nhưng ăn cơm tối xong, con cái và các cháu về phòng riêng, mỗi người “ôm” một cái điện thoại. Nhiều khi tôi cảm thấy thực sự buồn và cô đơn bởi không có người tâm sự, chuyện trò”, bà Thiêm ngậm ngùi.
Việc bùng nổ các thiết bị thông minh khiến nhiều người đắm chìm trong thế giới ảo, đây là nguyên nhân khiến lối sống, cảm xúc, ứng xử của con người thực sự bị đảo lộn.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, để phát huy giá trị gia đình, cần nhiều hơn những kết nối, sẻ chia. Bởi gia đình là nơi gắn kết giữa vợ - chồng, bố mẹ - con cái, ông bà - cháu chắt. Ở đó cần sự yêu thương, chia sẻ, đồng cảm với nhau bằng những lời nói, cử chỉ, ánh mắt, nụ cười… trong không gian ngôi nhà. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, sự gắn kết của các mối quan hệ đó dần trở nên lỏng lẻo hơn, mà thiết bị số là một trong những nguyên nhân hàng đầu. Ở mức độ nghiêm trọng hơn, nó khiến tình cảm dần phai nhạt, con người cô đơn trong chính tổ ấm của mình, hạnh phúc gia đình trở nên mong manh, khó giữ.
Cần nhiều hơn sự kết nối
Ths. Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững (MSD) cho rằng, trong bối cảnh mới, đặc biệt là thời đại công nghệ số, hiện đại, các thành viên trong gia đình thường bận rộn hơn, lệ thuộc vào công nghệ và đôi khi thay đổi cả phương thức giao tiếp thông thường, sử dụng internet để trao đổi với nhau nhiều hơn trao đổi trực tiếp.
“Tôi đã từng nghe nhiều câu chuyện, khi vào bữa cơm gia đình hay giờ sinh hoạt gia đình mà cả bố mẹ và con trẻ đều cắm đầu vào điện thoại, ipad, không nói với nhau câu nào. Có nhiều gia đình, cha mẹ và con cái chỉ nhắn tin trao đổi. Đôi khi chỉ từ 2 phòng, cách nhau vài mét, cha mẹ và các con cũng nhắn tin thay vì sang phòng gặp nhau, thậm chí ngồi cùng phòng cũng nhắn tin, lâu dần tạo ra khoảng cách và ngại nói chuyện. Nhiều cha mẹ sử dụng ipad, điện thoại như một phương tiện để "trông con" và tránh bị làm phiền. Nhiều trẻ em vì sợ bố mẹ không cho dùng thiết bị công nghệ nên lén lút sử dụng, trốn tránh cha mẹ để đỡ bị để ý”, bà Nguyễn Phương Linh chia sẻ.
Theo bà Linh, việc lệ thuộc vào công nghệ thái quá có thể khiến sự gắn kết của gia đình bị lung lay, thậm chí đứt gãy mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Gia đình thời đại số dễ gặp các vấn đề như vậy làm rối loạn chức năng cần có của gia đình, đó là tổ ấm, là nơi trao đổi, giao tiếp và yêu thương, nơi mọi thành viên trong gia đình tìm được sự an toàn và niềm hạnh phúc. Dù thời đại nào thì những giá trị trên của gia đình vẫn không nên thay đổi. Để vượt qua những cám dỗ và lệ thuộc vào công nghệ ấy, cả cha mẹ và con cái cần duy trì kỷ luật và xây dựng văn hoá gia đình, cha mẹ luôn phải làm gương cho con cái.
“Tôi nghĩ, gia đình nên có một bản thoả thuận an toàn mạng giữa cha mẹ và con cái, để mỗi thành viên trong gia đình đều có quyền lợi và trách nhiệm trong việc đảm bảo sức khoẻ, sử dụng internet vừa phải, lành mạnh để bảo vệ bản thân, gia đình. Ngoài ra, gia đình luôn cần dành thời gian chất lượng cho nhau - đây chính là món quà quý giá nhất. Các gia đình dù bận rộn đến đâu cũng nên có bữa ăn cả gia đình, mỗi ngày dành ít nhất 30 phút đến 1 tiếng, cùng trao đổi và chia sẻ các việc trong ngày, tạo nên sự giao tiếp, thấu cảm và tạo niềm tin và sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình”, Ths. Nguyễn Phương Linh cho hay.
Ông Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nêu quan điểm, chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng khá bất ổn ở nhiều gia đình Việt, đó là việc thiếu vắng sự chăm sóc, giáo dục của các bậc cha mẹ đối với con cái, mặc dù họ vẫn sống cùng nhà với các con. Chính vì vự thiếu quan tâm của cha mẹ đối với con đã dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực, cả về mối liên hệ tình cảm cha mẹ - con cái hoặc tăng thêm nguy cơ đối với các hành vi lệch chuẩn trong cuộc sống. Thực tế đã có không ít trẻ em trong các gia đình không được cha mẹ quan tâm đã bỏ học, đi lang thang bụi đời, để cuối cùng rơi vào vòng xoáy của các tệ nạn xã hội như cờ bạc, trộm cắp, nhiều em bé bị tai nạn thương tích hoặc bị xâm hại rất thương tâm.
Theo ông An, để phát huy giá trị và tầm quan trọng của gia đình trong nhịp sống hiện đại, để hàng ngày các thành viên vẫn quây quần, rôm rả trò chuyện trong bữa cơm gia đình, thay vì mỗi người mải miết với chiếc điện thoại thông minh thì trước hết, các ông bố, bà mẹ cần tìm được điểm dung hòa với con trẻ. Đó là cha mẹ vẫn duy trì tình yêu thương, bao dung để bổ khuyết cho đứa trẻ, đồng thời chấp nhận việc phải thay đổi tư duy và nhận thức về con trẻ, về xã hội.
Hãy duy trì văn hóa cởi mở, tôn trọng, chia sẻ, thuyết phục hơn là áp đặt để thu hẹp khoảng cách thế hệ, để những mâu thuẫn hay sự khác biệt trở thành những câu chuyện tâm tình giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ cũng phải học, học làm bạn, học đồng hành, lớn lên và trưởng thành cùng con . Hãy coi mỗi đứa trẻ như một người bạn, người lớn thì chắc chắn chúng ta có thể tiếp cận được chúng sâu hơn là coi chúng là trẻ con.
“Đối với những gia đình có điều kiện thì cha mẹ hãy thường xuyên tự học tập, trau dồi tri thức để có thể tự chủ được bản thân, thích ứng với những thay đổi của xã hội và cũng nên học hỏi để biết sử dụng nhiều loại thiết bị công nghệ thông tin hiện đại, trước tiên là tự phục vụ mình, sau nữa là để tránh tình trạng quá lạc hậu so với con cái và xã hội. Khi đã tự khẳng định được mình, con cái sẽ cảm thấy tự hào về cha mẹ, mọi thành viên trong gia đình sẽ chung tiếng nói với nhau hơn”, ông Nguyễn Trọng An chia sẻ.
Ông An cũng cho rằng, các bậc cha mẹ hãy cố gắng cùng nhau chia sẻ học hỏi, nên duy trì và tạo ra những khoảnh khắc đáng nhớ: Một cảm giác đầm ấm và vui vẻ khi cả gia đình được ngồi bên nhau cùng thưởng thức một món ăn ngon, cùng xem một bộ phim hay cùng nhau đi du lịch, đó sẽ là thời gian quý giá nhất để được gần nhau và hiểu nhau nhiều hơn. Nếu biết dung hòa cảm xúc và thông cảm cho nhau, biết cách tạo ra niềm vui và sự khôi hài sẽ gúp cho gia đình thêm ấm cúng và vui vẻ.
Cùn với đó, luôn tạo không khí gia đình thật thoải mái và nhẹ nhàng, từ đó mọi người cởi mở hơn trong việc cùng nhau chia sẻ những vấn đề có thể xảy ra trong cuộc sống; Tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhau, tạo niềm tin cho nhau. Đây là những việc làm rất có ý nghĩa để tạo ra bầu không khí hạnh phúc và yên lành trong gia đình. Đó cũng là giá trị và nét đẹp văn hoá trong mỗi gia đình Việt Nam.
VOV