MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dùng đường sắt để gỡ khó cho xuất khẩu cà phê?

05-08-2021 - 09:42 AM | Thị trường

Dùng đường sắt để gỡ khó cho xuất khẩu cà phê?

Một gợi ý cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê là vận chuyển hàng hóa theo đường sắt để giảm chi phí và gánh nặng vận tải.

Sáng 4/8, tại tỉnh Lâm Đồng cà phê được thu mua với mức thấp nhất 35.900 đồng/kg; tại tỉnh Đắk Lắk giá cà phê được thu mua ở mức 36.900 đồng/kg, đạt mức cao nhất.

Trên thị trường thế giới, sau khi nâng mức ký quỹ, loại bỏ các nhà đầu cơ nhỏ lẻ và qua 2 phiên giảm sâu, đến phiên 3/8 các quỹ đầu cơ tài chính bắt đầu mua vào. Điều này kích thích giá cà phê 2 sàn tại Anh và Mỹ quay đầu tăng. Dự báo xu thế còn tiếp tục cho đến hết tuần.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 9/2021 tăng 19 USD/tấn ở mức 1.772 USD/tấn, giao tháng 11/2021 tăng 21 USD/tấn ở mức 1.787 USD/tấn.

Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 9/2021 tăng 2,05 cent/lb ở mức 174,85 cent/lb, giao tháng 12/2021 tăng 2,1 cent/lb ở mức 177,85 cent/lb.

Trước đó, hai sàn cà phê nói trên chứng kiến một tuần bán tháo mạnh sau đợt tăng giá liên tục, dẫn đến giá phiên đầu tuần này giảm thêm và vẫn do thông tin sương giá ở các vùng cà phê miền Nam Brazil dự báo chỉ gây hại ở mức tối thiểu.

Tháng 7/2021, giá cà phê thế giới chững lại trong những ngày đầu tháng so với cuối tháng 6/2021, nhưng sau đó đã tăng mạnh trở lại. Những ngày cuối tháng 7/2021, giá cà phê thế giới liên tục ghi nhận ở mức cao lịch sử. Đợt sương giá nghiêm trọng tại Brazil và nguồn cung hạn chế từ Việt Nam khiến giá cà phê tăng mạnh.

Theo chuyên gia, đợt chỉnh giảm quá mạnh trên 2 sàn cà phê tuần qua lại cho thấy thông tin về cung-cầu, tác động của sương giá tác động lên giá cà phê không bằng dòng vốn.

“Tháng 7, thị trường chứng kiến 2 sàn cà phê biến động giá rất mạnh, giúp đưa giá cà phê trong nước lên mức cao nhất trong niên vụ này. Diễn biến tiếp theo trong tuần này chưa cho phép giá tìm lại đỉnh đó, thậm chí đầu tuần giá cà phê London còn chỉnh theo kỹ thuật “đảo hướng” khiến giá có thể xuống tiếp”, chuyên gia này nhận định.

Theo Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cà phê Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm hơn 14% thị phần xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu, đứng thứ hai thế giới sau Brazil.

Ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 7/2021 đạt 110 nghìn tấn, trị giá 207 triệu USD, so với tháng 7/2020 ổn định về lượng, nhưng tăng 5,9% về trị giá.

Lũy kế 7 tháng đầu, xuất khẩu cà phê ước đạt 953 nghìn tấn, trị giá 1,754 tỷ USD, giảm 9,3% về lượng và giảm 1,7% về trị giá so với 7 tháng đầu năm 2020.

Trong quý II/2021, giá cà phê tại thị trường nội địa biến động theo xu hướng tăng so với quý I/2021 và kéo dài sang cả tháng 7/2021.

Trị giá xuất khẩu cà phê quý II/2021 sang hầu hết các thị trường chính giảm so với quý I/2021, ngoại trừ Nga, Tây Ban Nha, Bỉ, Trung Quốc, Algeria, Thái Lan, Hoa Kỳ. Trong 2 quý đầu năm, xuất khẩu cà phê Robusta đạt 729,7 nghìn tấn, trị giá 1,15 tỷ USD, giảm 9,3% về lượng và giảm 3,1% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2020.

Vận chuyển đường sắt sang Mỹ và EU?

Dự báo 5 tháng cuối năm, xuất khẩu cà phê tục tập trung ở hai thị trường lớn là EU chiếm 40% sản lượng cà phê xuất khẩu và Mỹ chiếm 20% sản lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay giá cước vận chuyển các tuyến Châu Á sang Châu Âu và Bắc Mỹ tiếp tục tăng cao, tình trạng thiếu container vẫn không được khắc phục và dự kiến sẽ kéo dài tiếp. Các nhà nhập khẩu cà phê không muốn ký hợp đồng FOB, mà muốn người bán chịu toàn bộ chi phí bao gồm vận tải, bảo hiểm… khiến xuất khẩu cà phê gặp nhiều khó khăn.

Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Việt Nam phải giãn cách xã hội trên diện rộng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và vận chuyển hàng hóa, vì vậy, xuất khẩu cà phê sắp tới sẽ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt container rỗng tiếp tục kéo dài khiến chi phí tăng mạnh, làm giảm sức cạnh tranh của mặt hàng cà phê trên thị trường thế giới.

Đây không chỉ là khó khăn của riêng Việt Nam mà hầu hết các nước xuất khẩu trong khu vực Đông Nam Á đều có chung khó khăn về logictics.

Để tháo gỡ vấn đề logistics, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) vừa gợi ý cho các doanh nghiệp xuất khẩu vận chuyển hàng hóa theo đường sắt để giảm chi phí và gánh nặng vận tải. Thời gian vận chuyển sang Mỹ, EU kéo dài tới 25 – 27 ngày song giá cả hợp lý và đặc trưng cà phê xuất khẩu dạng khô, chất lượng không bị ảnh hưởng trong quá trình vận chuyển nên gợi ý này đang được tính đến.

Theo Nguyễn Huyền

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên