MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dùng ghe, xuồng hối hả thu hoạch sắn chạy lũ

07-09-2019 - 15:19 PM | Thị trường

Những ngày này, người dân ở Thừa Thiên- Huế đang khẩn trương ra đồng dùng ghe, xuồng lội nước lũ thu hoạch hàng trăm ha sắn bị ngập úng, có nguy cơ mất trắng.

Ông Trịnh Đức Giả, trú ở thôn Cao Bàn, xã Phong Hiền (huyện Phong Điền) cho biết, năm nay gia đình ông trồng được 6 sào sắn nhưng giờ phải thu hoạch sớm vì ngập. Năm nay hạn hán kéo dài, sắn bắt đầu sinh trưởng tốt bởi những trận mưa cách đây khoảng 1 tháng thì nay gia ông phải huy động nhân lực thu hoạch để chạy với nước lũ.

 Dùng ghe, xuồng hối hả thu hoạch sắn chạy lũ - Ảnh 1.

Ghe, xuồng là phương tiện chủ yếu để người dân vận chuyển sắn sau khi thu hoạch

“Mưa lớn những ngày qua khiến cây sắn đã bắt đầu xuống lá và có chiều hướng thối củ; nếu trong vài ngày tới không thu hoạch kịp thì cây sắn ngập úng và thối củ và nguy cơ mất trắng” ông Giả ngậm ngùi cho biết.

Gần đó, gia đình bà Trần Thị Lan (xã Phong Hiền) cũng đang khẩn trương thu hoạch gần 2ha sắn đang ngập trong nước để khỏi bị hư hại.

 Dùng ghe, xuồng hối hả thu hoạch sắn chạy lũ - Ảnh 2.

Người dân tất bật xuống đồng thu hoạch sắn bị ngập trong nước lũ

Theo ghi nhận, tại một số xã Phong Bình, Phong Hiền,… trên những cánh đồng sắn bạt ngàn, bà con nông dân đang tất bật huy động người và ghe, xuồng hối hả khai thác sắn. Để hạn chế thiệt hại do ngập úng, người dân đã cố gắng thu hoạch tránh giảm thiểu thiệt hại tối đa.

Sắn thu hoạch xong được chất đống hai bên đường để chờ thương lái đến thu mua. Hàng chục hộ trồng sắn ở TX. Hương Trà cũng đang khẩn trương thu hoạch những diện tích sắn đang chìm trong nước.

Theo những người trồng sắn nơi đây, năm nay thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, hạn hán kéo dài nên cây sắn thiếu nguồn nước bổ sung, không năng suất; thêm đó, do phải khai thác sớm nên sản lượng sắn bị giảm nhiều so với các năm.

Cũng theo những nông dân này, thương lái đã đến trực tiếp tại các cánh đồng sắn để thu mua với giá 1.500 đồng/kg. So với thời điểm này năm ngoái, giá sắn quá thấp, tính ra chưa đủ chi phí phân, giống và công chăm sóc nhưng vớt vát được đồng nào đỡ đồng đó nên hàng trăm nông dân vẫn đang tất bật nhổ sắn, tránh nguy cơ mất trắng.

 Dùng ghe, xuồng hối hả thu hoạch sắn chạy lũ - Ảnh 3.

Từ ghe sắn được bỏ vào bao, bì để tiếp tục bốc dỡ về nhà

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hiền thông tin, toàn xã năm nay trồng 205ha sắn, nhiều diện tích chưa đến thời vụ thu hoạch. Trong khi đó, xã Phong Hiền đã có khoảng 70ha bị ngập, úng do mưa lũ những ngày qua; đến nay chỉ mới thu hoạch được khoảng 40ha.

Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền hay, vụ sắn năm nay, toàn huyện Phong Điền đưa vào gieo trồng 1.204ha; trong đó, hơn 479ha sắn ở vùng thấp trũng bị ngập lũ, chủ yếu ở các xã như Phong Bình, Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Hiền… đến nay, người dân đã thu hoạch được khoảng 100ha và đang tiếp tục thu hoạch diện tích sắn chạy lũ này.

 Dùng ghe, xuồng hối hả thu hoạch sắn chạy lũ - Ảnh 4.

Sắn chất đống hai bên đường chờ thương lái đến thu mua

“Những diện tích sắn ở khu vực thấp trũng trên địa bàn huyện năm nào bà con cũng phải thu hoạch sớm để tránh nước lũ, năm nay nắng hạn dài ngày nên năng suất có giảm. Khoảng đến ngày 15/9 toàn bộ số sắn nơi bị ảnh hưởng sẽ được thu hoạch xong. Ủy ban huyện cũng đã làm việc với nhà máy tinh bột sắn Fococev trên địa bàn huyện và đã thống nhất thu nhập sắn cho bà con” ông Hùng cho hay.

Đồng thời, Chủ tịch huyện Phong Điền cũng khuyến cáo, vụ thu hoạch sắn trùng với mùa mưa lũ, nên để hạn chế thiệt hại do ngập úng, người trồng sắn nên đẩy nhanh tiến độ thu hoạch đối với những diện tích đã “đúng” tuổi.

Cùng với đó, trước sự chuyển biến bất thường của thời tiết cơ quan chức năng huyện Phong Điền cũng đã thông báo cho người dân về việc thường xuyên nắm thông tin thời tiết để có biện pháp thu hoạch các loại hoa màu khác nhằm tránh những thiệt hại.

 Dùng ghe, xuồng hối hả thu hoạch sắn chạy lũ - Ảnh 5.

Nhiều diện tích sắn bị nước ngập sâu


Theo Tiến Thành

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên