Dùng hơn 1 tỷ dành dụm 7 năm về quê mở quán trà sữa rồi lỗ sạch sau 3 tháng
Những tưởng có thể ổn định làm ông chủ nhỏ ở quê nhà, anh Vương đã mất trắng số tiền tiết kiệm bao năm.
- 17-04-2023Nghỉ việc đầu tư 700 triệu đồng mở quán ăn nhưng sắp đóng cửa sau 1 tháng hoạt động
- 10-04-2023Bỏ 2 tỷ mở quán nước, tính thế nào cũng thấy lãi to nhưng 3 tháng sau phải ngậm ngùi dẹp tiệm, mất trắng tiền gom góp vì lý do nhỏ này
- 08-04-2023Đầu tư hơn 2 tỷ đồng mở quán trà sữa nhượng quyền, tôi lỗ to sau 5 tháng, mất trắng số tiền 10 năm dành dụm: Kinh doanh để làm giàu không hề dễ
Sau 7 năm đi làm nhân viên văn phòng ở thành phố lớn, anh Vương (Trung Quốc) đã quyết định từ bỏ công sở và về quê ở gần bố mẹ, ổn định cuộc sống. Anh đã dành dụm được một số tiền nên ước mơ làm ông chủ. Tại quê nhà là một thành phố nhỏ, anh bắt tay vào việc khởi nghiệp, mở một cửa hàng và đặt mục tiêu trở thành doanh nhân.
Theo thống kê ở Trung Quốc, 80% những người chọn khởi nghiệp đã chọn mở cửa hàng ăn uống và 1/3 trong số họ chọn mở cửa hàng đồ uống như trà sữa.
Anh Vương cũng không phải ngoại lệ. Để dễ dàng hơn, anh chọn mở một quán trà sữa nhượng quyền để có sẵn công thức, thương hiệu. Quá trình ban đầu rất đơn giản, anh chỉ việc lên Internet tìm kiếm các thương hiệu nhượng quyền trà sữa và liên hệ là có người nhiệt tình tới tư vấn.
Anh Vương và vợ được đưa đến tận trụ sở của hãng và được người quản lý dẫn đi xem tận mắt quá trình pha chế trà sữa. Anh nhanh chóng bị thuyết phục và chuyển tiền, lấy giấy chứng nhận ủy quyền nhãn hiệu rồi về mở cửa hàng. Vợ chồng anh còn được tham gia một khóa đào tạo và nhận nhiều sách hướng dẫn vận hành.
Sau đó, trụ sở chính đã gửi một loạt các loại máy móc thiết bị và hàng hóa nguyên liệu. Giá của các thiết bị lên tới 70.000 NDT (khoảng gần 300 triệu đồng). Đây là số tiền chưa được bao gồm trong tiền nhượng quyền mà anh không biết trước.
Khi mới khai trương, công ty còn cử giáo viên đến cửa hàng của anh Vương để hướng dẫn. Nhưng anh lại phải trả thêm cho mỗi người 500 NDT mỗi ngày. 3 ngày khai trương không tính tiền ăn ở, 2 giáo viên cũng làm anh phát sinh phải chi thêm 3.000 NDT (hơn 16 triệu đồng).
Khi quán trà sữa khai trương, lúc đầu anh Vương chạy chương trình giảm giá 50% và có hàng dài khách xếp hàng. Công ty trà sữa khẳng định dựa theo tình hình này, chỉ mất tầm 3, 4 tháng nữa là có thể hoàn vốn. Bản thân anh Vương tràn đầy tự tin, dự định sẽ mở chi nhánh nữa.
Thế nhưng chẳng mấy chốc, việc kinh doanh lao dốc. Dưới sự hướng dẫn của trụ sở chính, một số chương trình khuyến mãi thu hút khách hàng đã được chạy, nhưng không có hoạt động nào hiệu quả. Ngay cả việc công ty nhượng quyền hỗ trợ này cũng bị thu phí, tổng cộng là 20.000 NDT (hơn 70 triệu đồng).
Dưới sự thuyết phục của gia đình, anh Vương đã đóng cửa hàng. Sau khi tính toán, anh đã đầu tư gần 400.000 NDT (khoảng 1,3 tỷ đồng) và thua lỗ sạch sau 3 tháng. Thị trường quá cạnh tranh và không có kinh nghiệm kinh doanh đã khiến anh vỡ mộng.
Sau khi đóng cửa hàng, anh Vương nhớ ra vẫn còn tiền đặt cọc khi ký hợp đồng nhượng quyền nên đến trụ sở chính để lấy lại. Thế nhưng hóa ra nếu muốn lấy lại tiền, cửa hàng cần phải mở số năm nhất định mới có thể hoàn lại. Sau tất cả, anh Vương mất trắng số tiền dành dụm trong 7 năm của mình và được 1 bài học lớn.
Việc kinh doanh chưa bao giờ là đơn giản, nhất là khi thị trường tưởng “béo bở” nhưng rất cạnh tranh như dịch vụ ăn uống. Để có thể thành công, người chủ cần có kế hoạch cụ thể, hợp lý và nghiên cứu mọi mặt. Việc phụ thuộc vào nhãn hiệu nhượng quyền và không nắm vững quy trình kinh doanh thường sẽ dẫn đến thất bại đáng tiếc như anh Vương.
Phụ nữ Việt Nam