Đừng lãng phí sự nghiệp để tìm việc dựa vào thứ gọi là thích hay không thích: Niềm hứng thú không phải người thầy giỏi nhất, bạn thích không có nghĩa là bạn sẽ hợp và làm tốt
Sự hứng thú giống như một lon nước ngọt, mặc dù sẽ khiến bạn cảm thấy “ngon lành” vào lúc này, nhưng rất nhanh bạn sẽ ngán, không thể ngày nào cũng uống nó.
- 11-09-2018Niềm tin quyết định thành bại của việc kinh doanh: Tin vào chính mình để khởi đầu chính xác, tin vào cộng sự để có thể tiến xa hơn
- 10-09-2018Đừng nghĩ cuộc đời này bất công với bạn, chẳng qua là do bạn chưa hiểu rõ luật chơi thôi
- 10-09-2018Muốn thành công, phải trưởng thành: Người không muốn trưởng thành là người sợ đam mê, hèn nhát và sống tạm bợ
- 01 -
Tôi đã từng đọc được một câu danh ngôn rất hay: “Niềm hứng thú là người thầy tốt nhất”. Không thể phủ nhận, nhiều lúc hứng thú là động lực đầu tiên để chúng ta theo đuổi một công việc nào đó, nhưng đồng thời cũng không thể phủ nhận rằng, nhiều lúc hứng thú không phải là động lực lâu dài để chúng ta kiên trì làm điều gì đó, thứ thật sự khiến chúng ta tiếp tục kiên trì, là khả năng và ý chí của chúng ta. Hứng thú không phải vạn năng, bạn thích không có nghĩa là bạn sẽ hợp, cũng không có nghĩa là bạn có thể làm tốt được.
Trong cuộc sống thực, bạn thích điều gì nhất không quan trọng, quan trọng là bạn có thể vì những điều bạn thích bỏ ra bao nhiêu.
Khánh, bạn của tôi, lại nghỉ việc rồi, đây là lần nghỉ việc thứ ba trong năm của cậu ấy, lý do vẫn giống như hai lần trước: “Không cảm thấy hứng thú.”
Năm trước sau khi tốt nghiệp, Khánh vào làm cho một công ty lớn, tiền lương không cao nhưng ổn định, cậu ấy vốn dĩ khá hài lòng, nhưng làm được vài tháng đã bắt đầu chán công việc này. Ban đầu cậu ấy còn tưởng vấn đề nằm ở công ty, sau khi nhảy việc sang công ty khác, nào ngờ vẫn trải qua những ngày tháng nhàm chán như vậy. Thế là cậu ấy kết luận: “Mình không có hứng thú với nghề này, phải thay đổi nghề khác mới được.”
Chúng tôi đều khuyên cậu ấy: “Nửa năm đã đổi liên tiếp hai công việc, liệu có quá vội vàng, hay là cậu làm thêm một thời gian nữa hẵng tính đến vấn đề này?” Nhưng thái độ của cậu ấy rất kiên quyết: “Hứng thú mới là người thầy tốt nhất, tớ không thích công việc này, căn bản không thể nào làm tốt được, các cậu có khuyên tớ cũng vô ích!”
Sau khi suy nghĩ, cậu ấy cảm thấy rất có đam mê với công việc tiếp thị, mức lương cũng cao, vì vậy liền đi làm tiếp thị. Kết quả là, cậu ấy tiếp thị được một tháng, một đơn đặt hàng cũng không thấy đâu, cậu ấy lại kết luận đây không phải là công việc mà mình “hứng thú”, thế là lại từ chức lần nữa, tiếp tục tìm kiếm một công việc “thú vị” tiếp theo. Từng ngày trôi qua, cậu ấy lưu lạc đây đó rồi ở trong nhà ăn bám mỗi ngày...
Chúng ta thường tin vào câu nói “niềm hứng thú là người thầy tốt nhất”, nhiều người coi đây là câu nói vàng, dù đang lựa chọn nghề nghiệp hay tìm việc làm đều nghe theo “sự yêu thích của mình”, “cảm thấy hứng thú”.
Nhưng cũng có người nói rằng: “Sự hứng thú giống như một lon nước ngọt, mặc dù sẽ khiến bạn cảm thấy “ngon lành” vào lúc này, nhưng rất nhanh bạn sẽ ngán, không thể ngày nào cũng uống được.”
Vì vậy, đã đến lúc phải nói ra sự thật: Hứng thú không phải là người thầy giỏi nhất, chỉ dựa vào hứng thú để tìm việc, quả thật là đang lãng phí cuộc đời sự nghiệp của mình.
- 02 -
Khi nói về sự hứng thú, thật ra chúng ta đang nói đến điều gì?
Nhiều người muốn tìm một công việc phù hợp với sở thích của mình, khiến bản thân cảm thấy hứng thú. Nhưng vấn đề là, thứ mà nhiều người thật sự có hứng, chỉ là vầng hào quang của công việc đó.
Muốn trở thành ngôi sao, chỉ là vì cảm thấy làm ngôi sao có thể nổi tiếng, lại có thể kiếm được rất nhiều tiền;
Muốn trở thành nhà thiết kế, chỉ là vì cảm thấy công việc này rất ngầu, rất phong cách;
Muốn trở thành nhà văn tự do, chỉ là vì cảm thấy công việc này rất thoải mái...
Tôi có một người bạn, 35 tuổi, làm việc nhiều năm tại công ty nằm trong danh sách 500 công ty hàng đầu, làm đến chức giám đốc lại từ chức để mở một quán cà phê. Theo cô ấy, mở một quán cà phê là giấc mơ của những người trẻ yêu thích văn chương và nghệ thuật.
Cô ấy cho rằng mở quán cà phê vừa nhàn hạ vừa kiếm được tiền, không gì khác ngoài pha cà phê, làm bánh và trò chuyện với khách hàng mỗi ngày, khi rảnh thì ôm một chú mèo, vừa thưởng thức một tách cà phê vừa đọc sách, ngày tháng tự tại biết bao.
Tuy nhiên, hiện thực tàn khốc đã cho cô ấy một cú sốc đầu tiền: Tiền thuê nhà hàng tháng không những đã cao lại còn bị bắt trả trước một phần; cộng thêm đủ loại chi phí tu sửa và trang trí; còn có cả tiền lương cho nhân viên,... Sau nửa năm bận rộn chuẩn bị, quán cà phê của cô ấy cuối cùng đã được khai trương, vốn dĩ cô ấy nghĩ rằng cuối cùng mình cũng có thể thư giãn, không ngờ những khó khăn còn đang ở phía sau. Quán cà phê của cô ấy nằm tại khu thương mại trung tâm, mặc dù có nhiều khách hàng vào ngày làm việc, nhưng vừa đến cuối tuần thì trở nên vắng vẻ, vì vậy trong 22 ngày làm việc, cô ấy phải kiếm đủ số tiền để chi trả cho 30 ngày. Khoảng thời gian đó, mỗi buổi sáng cứ mở mắt ra là cô ấy lại buồn rầu lo lắng. Nếu như doanh thu hôm nay nhỏ hơn dự kiến, thì xem như cô ấy đã phí công rồi.
Hơn một năm, cô ấy chưa bao giờ được ngủ trước một giờ sáng, tóc rụng nhiều, nếp nhăn cũng xuất hiện nhiều hơn. Cuối cùng cảm thấy bản thân quả thật không thể chống đỡ được nữa, cô ấy đã chuyển nhượng quán cà phê với giá thấp. Khoảnh khắc ký vào hợp đồng chuyển nhượng, cô ấy đã giận dữ buông một câu: “Giấc mơ quán cà phê vớ vẩn!”
Ngoài việc mở quán cà phê, không ít ngành nghề đều tự mang theo vầng hào quang, bao gồm: bác sĩ, luật sư, nhà văn, nhà báo, ngôi sao, nhà thiết kế,... Nếu như niềm yêu thích, hứng thú của bạn là những công việc này, trước khi bạn lựa chọn những nghề trên, xin hãy tự hỏi mình: “Tôi yêu thích công việc này hay chỉ đang thích vầng hào quang của nó?” Đừng khẩn trương nếu bạn cảm thấy hứng thú, đáng sợ là ngoài hứng thú ra bạn chẳng còn gì cả.
Câu nói “niềm hứng thú là người thầy tốt nhất” không hợp lý là do nó đã phóng đại quá mức vai trò của mong muốn chủ quan từ phía cá nhân, nhưng lại bỏ qua vai trò của các yếu tố khác.
Ngành quản lý nguồn nhân lực cho chúng ta biết rằng, bước đầu tiên của việc lập kế hoạch nơi làm việc là xác định, phải xem xét ba yếu tố sau:
1. Tố chất và năng lực: những việc bạn làm được.
2. Sở thích và hứng thú: những việc bạn thích làm.
3. Hoàn cảnh nội bộ: tính cách của bạn thế nào.
Cũng có nghĩa là, muốn lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân, ngoại trừ sở thích và hứng thú, bạn còn phải xem xét khả năng và tính cách của mình. Cho dù bạn yêu thích bóng rổ nhiều bao nhiêu đi nữa, nhưng bạn chỉ cao 1m7, trong khi chiều cao trung bình của cầu thủ bóng rổ là 1m9, bạn nỗ lực nhiều hơn nữa, khả năng thất bại vẫn là rất cao. Cho dù công việc bán hàng kiếm được nhiều tiền hơn nữa, nếu như bạn là người hướng nội, vừa nhìn thấy người lạ liền muốn lùi về sau, vậy thì công việc này cũng không thích hợp với bạn.
Hứng thú không phải vạn năng, bạn thích không có nghĩa là bạn sẽ hợp, cũng không có nghĩa là bạn có thể làm tốt được.
- 03 -
Một nhà văn nổi tiếng đã từng nói: “Nhiều người thường nhầm lẫn mong muốn sáng tác thành khả năng sáng tác.”
Hứng thú, nhiều nhất chỉ là một điểm khởi đầu, khích lệ bạn yêu thích và quan tâm đến một sự việc nào đó; nếu như chỉ dừng lại ở “thích”, vậy thì bạn chỉ có thể xem như chơi đùa cho vui, tuyệt đối không thể phát triển nó thành một nghề nghiệp.
Có một câu nói rất hay: “Đừng sử dụng sở thích của bạn để khiêu chiến với khả năng của tôi.” Từ hứng thú đến nghề nghiệp, phải có một quá trình lâu dài và gian khổ ở giữa.
Chẳng hạn như câu chuyện của một nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng. Từ nhỏ ông ấy đã thích chơi đàn, lúc 3 tuổi cha ông đưa ông đi học dương cầm, học suốt 2 giờ đồng hồ vẫn không cảm thấy mệt mỏi, vả lại còn thích học hơn. Cha của ông thấy con trai mình yêu thích dương cầm, tư chất tự nhiên cũng rất cao, vì vậy đã quyết định bồi dưỡng ông thành một nghệ sĩ dương cầm.
Nhưng để trở thành một nghệ sĩ dương cầm, mỗi ngày chỉ đàn 1, 2 giờ là không đủ, người xưa trong ngành có câu: Tập đàn 8 giờ một ngày là nhà diễn tấu, tập đàn 4 giờ một ngày là người biểu diễn bình thường, tập đàn 2 giờ một ngày là người rất yêu thích dương cầm, tập đàn 1 giờ một ngày so với không tập chẳng khác nhau là bao. Vì thế, thời gian luyện tập của ông ấy cũng dần dần tăng lên, 3 giờ, 4 giờ,... cho đến khi tập đàn 8 giờ một ngày.
Khi đó ông ấy chỉ mới là cậu bé 6, 7 tuổi, trước đây vẫn rất thích chơi dương cầm, sau này mỗi ngày phải luyện tập lâu như vậy, đã khóc và la hét không muốn tập tiếp nữa, thậm chí vừa nghe thấy hai từ dương cầm đã cảm thấy không thoải mái.
Tuy nhiên, cha ông biết rõ tư chất của con trai mình không thể chỉ dựa vào niềm hứng thú, phải thực hiện bằng cách học tập gian khổ, dưới sự kiên trì của người cha, ông ấy chỉ có thể cắn răng tiếp tục nỗ lực. Cứ như vậy, cậu bé kiên trì ngày nào giờ đã trở thành một nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng.
Hãy thử tưởng tượng, nếu năm đó cha ông nhìn thấy được “hứng thú” dành cho dương cầm của ông, nhưng mặc kệ không quan tâm đến, không ép ông phải tập đàn, liệu ông có là nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng như hôm nay?
Hứng thú nhưng không muốn bỏ ra bất kỳ một điều gì, hầu hết đều là những hứng thú “giả”, không đáng tin cậy.
Do đó, để đánh giá xem bản thân có coi hứng thú như một nghề nghiệp hay không, một tiêu chí đơn giản để bạn phán đoán là: Bạn đã từng nỗ lực thế nào cho những điều bạn thích?
Cô bạn là biên tập viên của tôi thường nhận được rất nhiều email của sinh viên đại học nói rằng muốn xin vào công ty của cô ấy thực tập. Nhưng lý do của họ luôn là: “Em rất thích các bài viết của chị, xin hãy cho em một cơ hội”, “em rất thích viết lách, em nhất định sẽ làm tốt”. Khi nhận được những email như vậy, cô ấy không bao giờ quan tâm đến mà xóa ngay.
Cho đến một lần, cô ấy nhận được email từ một cô gái với nội dung này: “Em cũng muốn viết ra những bài hay như chị, vì vậy mỗi bài viết của chị em đều sẽ phân tích văn phong, bố cục nội dung và cách chọn đề tài của chị; mỗi tuần em đều sẽ sáng tác hai bài viết đăng lên trang của mình, cho đến nay đã được 50 bài. Em xin đính kèm vài bài mà mình đã viết, phiền chị cho em một cơ hội để thực tập tại công ty của chị.”
Sau khi bạn tôi xem xong email, lại đọc những bài viết của cô gái, ngay lập tức gửi email cho quản lý để tìm cô gái này vào công ty làm việc. Cô ấy đã từng nói: “Chỉ nói thích bằng miệng thì có ích gì? Không bỏ ra một chút nỗ lực nào nên không thể đạt được thành tích dù chỉ một chút, kiểu yêu thích này hầu như là không đáng tin. Nhất định đừng nói với tôi, bạn muốn trở thành một nhà văn, đã mua về cả đống sách báo, tiêu tiền thì ai lại không làm được?”
Bạn thích gì không phải là quan trọng nhất, những gì bạn đã làm cho điều mình thích mới là quan trọng nhất.
Nỗ lực thật sự không phải là tiêu tiền một cách không thương tiếc, mà là dành thời gian và công sức tôi luyện kỹ năng của mình từng chút một, cho dù thất bại cũng không bao giờ bỏ cuộc.
Thời gian, công sức, sự nhẫn nại, đau đớn, mồ hôi và thậm chí cả nước mắt,... Những điều này mới là gốc rễ để bạn đứng vững vàng, giúp bạn có dũng khí và tư cách để nói rằng: “Đây là điều mà tôi thích làm”.
Bạn nói rằng bạn thích viết lách, muốn trở thành một nhà văn, vậy bạn đã nỗ lực thế nào vì nó? Liệu bạn có bằng lòng mất ngủ cả một tuần không ngừng chỉnh sửa câu từ để có một bài viết hay?
Bạn có thường xuyên đọc sách, đọc ít nhất một cuốn sách mỗi tuần, không chỉ xem, mà còn ghi chú thật nghiêm túc không? Bạn có kiên trì tập viết mỗi ngày, phần nào bản thân viết không ổn thì sẽ chỉnh sửa nhiều lần, cho đến khi cảm thấy hay mới thôi?
Như câu chuyện trên, nghệ sĩ dương cầm đã tập luyện 8 giờ một ngày, sau này nổi tiếng rồi, bất kể mỗi ngày đi làm về muộn thế nào, ông cũng nhất định dành ra 2 giờ để tập đàn, ông nói rằng: “Không rèn luyện chẳng khác nào đang dần giết chết chính mình!”
Như một nhà văn đã nói: “Nếu như có một ý nghĩ nằm trong tâm trí của bạn đã rất nhiều năm rồi, nhưng lại không được bạn nỗ lực thực hiện, vậy thì nó không phải là hứng thú, mà chỉ là cảm giác có thêm một mối bận tâm.”
- 04 -
Không phải hứng thú thì mới làm tốt, mà là làm tốt rồi mới cảm thấy hứng thú
Một sự thật rất tàn nhẫn là: Nhiều người thường bảo “không có hứng thú”, chỉ là để thoát khỏi cảm giác nhàm chán trong công việc. Không ít người khó có thể chịu được sự nhàm chán này, vì vậy họ muốn thoát khỏi nó, nhưng lại không biết phải làm thế nào, chỉ có thể gửi gắm hy vọng vào việc tìm thấy một công việc mà bản thân “hứng thú”, như thể làm như vậy sẽ không bao giờ nhàm chán một lần nữa.
Sau đó, họ sẽ không ngừng nhảy việc, hy vọng rằng công việc tiếp theo là “công việc yêu thích” mà bản thân vẫn luôn tìm kiếm. Thật ra điều này đã hoàn toàn che khuất bản chất của vấn đề, làm cho người khác càng không xác định được phương hướng. Bởi vì, không có công việc nào là hoàn hảo, ngay cả khi nó mới mẻ và thú vị, được bạn yêu thích nhiều hơn đi nữa, nhưng lặp đi lặp lại từ năm này sang năm khác, sớm muộn cũng sẽ mài mòn tất cả sự nhiệt tình của bạn.
Chỉ dựa vào niềm hứng thú sẽ chẳng thể nào đi được đường dài, bởi vì một nghề nghiệp có khởi đầu từ niềm hứng thú muốn chống đỡ được lâu phải phụ thuộc vào các yếu tố như đãi ngộ, cảm giác thành tựu, cảm giác giá trị, sự kiên trì của bản thân...
Vai trò của hứng thú căn bản không quan trọng như chúng ta đã tưởng tượng, bởi vì những người giỏi có thể làm tốt một việc không phải vì họ yêu thích nó, mà bởi vì họ có khả năng làm tốt nó.
Nếu như đến bây giờ bạn vẫn không biết mình muốn làm gì, vậy hãy tập trung tinh thần làm tốt những việc hiện tại. Không phải có hứng thú thì sẽ làm tốt, mà là làm tốt rồi mới có hứng thú, như một tác giả chuyên viết về các vấn đề tại nơi làm việc đã nói: “Sẽ có một ngày bạn nhận ra rằng, cái gọi là ưu tú, ngoài việc lựa chọn, còn phụ thuộc vào năng lực và thói quen.”
Trí thức trẻ