MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng lo tham quyền cố vị khi tăng tuổi hưu

30-10-2016 - 08:00 AM | Xã hội

Trái với ý kiến nêu tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tạo đất cho một số người "tham quyền, cố vị", nhiều ĐBQH trấn an “không nên lo chuyện đó”. Việc tăng tuổi hưu thậm chí còn là cơ hội để sàng lọc đội ngũ cán bộ.

Cùng với việc ủng hộ tăng tuổi nghỉ hưu, ĐB Trần Anh Tuấn (TP.HCM) lưu ý phải có cách quản lý hiệu quả để không có tình trạng “cán bộ cắp ô” cố ngồi giữ chỗ.


ĐB Trần Anh Tuấn

ĐB Trần Anh Tuấn

“Chúng ta phải theo xu hướng chung chứ không thể vì sợ quản lý khó mà không đi theo xu hướng được”, ĐB TP.HCM nhấn mạnh.

Vì vậy ông đề nghị, tăng tuổi nghỉ hưu cần được thực hiện có lộ trình, chính sách thiết kế linh hoạt, ai có nguyện vọng nghỉ thì tạo điều kiện cho họ nghỉ, không ép buộc ai, còn ai muốn cống hiến thì tạo điều kiện và cơ hội cho họ.

Đồng quan điểm, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng việc nâng tuổi hưu phải xác định rõ tiêu chí cho từng nhóm lao động.

“Không phải vì nâng tuổi hưu mà những người vốn dĩ không có năng lực, có hiệu quả trong lao động lại nghiễm nhiên ở lại được. Đây cũng là cơ hội để chúng ta sàng lọc bộ máy”, ông nói.

ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cũng tin rằng, việc nâng tuổi hưu không phải là không ủng hộ người trẻ. Nhưng ông cũng nhấn mạnh đừng vì lo ngại điều này mà sớm xóa bỏ người già hoặc người lớn tuổi cống hiến. Tất cả đều có lộ trình, kế tục phát triển.

“Người trẻ có ưu điểm người trẻ nhưng người già cũng có nhiều ưu điểm của người già, người lớn tuổi. Tôi nghĩ rằng không lo chuyện tăng tuổi hưu, người trẻ sẽ mất cơ hội. Bản thân tôi không lo là ai đó chặn đường đi của mình vì đường đi là do mình”, ĐB Hà Nội nêu suy nghĩ.

Tăng tuổi hưu đúng người có lợi cho phát triển

Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội QH Bùi Sỹ Lợi nhận định, việc tăng tuổi hưu sẽ tác động trực tiếp đến thị trường lao động, việc làm, sức khỏe của người dân, chính sách an sinh xã hội và cả công tác cán bộ.


ĐB Bùi Sỹ Lợi. Ảnh: Quốc Anh

ĐB Bùi Sỹ Lợi. Ảnh: Quốc Anh

Ông nêu hàng loạt băn khoăn của nhiều người rằng tăng tuổi hưu sẽ làm tăng tỉ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp, liệu lao động trẻ có bị mất cơ hội việc làm vì lao động “già” không chịu về hưu, quy hoạch cán bộ trong các cơ quan nhà nước thế nào, việc tinh giản biên chế sẽ thực hiện ra sao…?

“Dư luận đang bức xúc về việc có một tỷ lệ cán bộ công chức 'sáng cắp ô đi, tối cắp về', nếu tăng tuổi hưu, bộ phận này có trở thành 'tham quyền cố vị', cản trở sự phát triển chung hay không?”, ông đặt vấn đề.

Tuy nhiên, ông phân tích, nếu chúng ta nghiên cứu, thiết kế một chính sách tăng tuổi hưu cho một số nhóm nào đó ở ngành nghề nào đó phát huy được nguồn nhân lực chất lượng cao thì điều đó có lợi cho phát triển kinh tế xã hội.

Ông Lợi cũng lưu ý không nên đặt vấn đề nâng tuổi hưu cho mọi lao động.

“Chúng ta phải tính thời điểm, lộ trình, bước đi phù hợp để vừa giữ được chất lượng nguồn nhân lực, vừa tạo cơ hội cho lớp trẻ được đào tạo có cơ hội xây dựng phát triển đất nước”, ông nói.

Theo T.Hằng - H.Nhì - T.Hạnh

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên