Đừng nghĩ đó là mỏ vàng lộ thiên
Từ ngày 14/1/2019, các điều khoản cam kết thực thi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực ở Việt Nam, nhiều thách thức đã và đang đặt ra với doanh nghiệp (DN) Việt Nam ở nhiều lĩnh vực. CPTPP cũng không hẳn là mỏ vàng lộ thiên là điều nhiều DN hiểu hơn hết.
- 14-01-2019CPTPP: Giấc mơ ôtô giá rẻ khó thành hiện thực
- 14-01-2019Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam: Các doanh nghiệp chắc chắn hưởng lợi từ khả năng tiếp cận thị trường lớn lên đến 500 triệu dân nhờ CPTPP
- 14-01-2019CPTPP có hiệu lực, hàng nghìn dòng thuế được xoá bỏ từ 14/1
Ngổn ngang thách thức, cơ hội vẫn ở phía trước
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương cho biết), Hiệp định CPTPP không chỉ đem lại lợi ích và cơ hội cho Việt Nam mà còn đặt ra những thách thức nhất định. Theo đó, nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ chịu thách thức cạnh tranh rất lớn.
Cụ thể, thịt lợn, thịt gà sẽ là những nông sản mà một số nước CPTPP có thế sẽ tạo sức ép với hàng Việt, dù Việt Nam đã bảo lưu được lộ trình thực hiện tương đối dài (với một số chủng loại thịt gà là trên 10 năm. Các mặt hàng công nghiệp như giấy, thép, ô tô được dự báo sẽ gặp khó khăn. Cơ quan quản lý cho rằng, 10 - 15 năm tới, sản phẩm của ta vẫn chủ yếu hướng đến phân khúc thị trường trung bình, trong khi sản phẩm của các nước CPTPP thường hướng đến phân khúc thị trường cao cấp nhưng rủi ro thực tế sẽ thường đến nhanh hơn dự báo.
Trong lĩnh vực thuế quan, việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết sẽ làm giảm thu ngân sách của đất nước. Tuy nhiên, sẽ không tác động đột ngột do trong CPTPP có đến 7/10 nước đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam, chỉ còn 3 nước là Canada, Mexico và Peru là chưa có FTA với Việt Nam nhưng kim ngạch thương mại với 3 nước này còn khiêm tốn.
Cùng với thách thức về kinh tế, việc hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế cũng là yêu cầu đề ra. Trong đó, riêng việc để thực thi cam kết trong CPTPP, sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, hải quan, sở hữu trí tuệ, lao động, công đoàn... “Sức ép phải thay đổi hệ thống pháp luật để tuân thủ những chuẩn mực mới của hiệp định là có nhưng sẽ vượt qua được và sức ép thay đổi hệ thống pháp luật không lớn”, ông Ngô Chung Khanh, Vụ Phó Vụ Thương mại đa biên nhận định.
Đại diện Vụ Thương mại đa biên cũng nhận định rằng, cạnh tranh gia tăng khi Việt Nam tham gia CPTPP. Có thể một số doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu lâm vào tình trạng khó khăn (thậm chí phá sản), một bộ phận lao động sẽ thất nghiệp.
Theo nhận định của Bộ Công Thương, gia nhập CPTPP cơ hội hay thách thức nhiều hơn phụ thuộc rất lớn vào năng lực nắm bắt cơ hội và vượt qua khó khăn của chính chúng ta. Về cơ hội, đây lần đầu tiên ta có quan hệ FTA với Canada, Mexico và Peru. Tuy nhiên, như mọi FTA khác, CPTPP không phải là mỏ vàng lộ thiên.
“Đường đã thông nhưng xe có chạy được không và đi được bao xa còn tùy thuộc vào chất lượng xe và lượng xăng nhiều ít. Thị trường đã mở nhưng nếu không chủ động tìm hiểu, thâm nhập thì cũng không chiếm lĩnh được. Thách thức cũng vậy. Với kinh nghiệm của hơn 20 năm hội nhập và cạnh tranh, xuất khẩu lại luôn tăng nhanh hơn nhập khẩu, thật sự không có lý do để bi quan với CPTPP”, đại diện Bộ Công Thương ví von nhận định.
Cũng theo lãnh đạo Vụ Thương mại đa biên, trong CPTPP, Việt Nam chỉ có 3 đối tác mới là Canada, Mexico và Peru. Họ không xuất khẩu nhiều vào Việt Nam, lộ trình giảm thuế của Việt Nam trong 11 nước tham gia CPTPP cũng ở mức vừa phải nên mức độ giảm giá hàng hóa nhờ CPTPP sẽ rất khó nhận biết. Các nước khác đều đã có FTA với Việt Nam nên hiệp định này sẽ không đem lại giá trị gia tăng lớn cho họ. Nói đơn giản, giá hàng hóa nhập khẩu từ những nước này cũng sẽ không giảm nhiều nhờ CPTPP.
Tuy nhiên, với riêng ô tô, ngoài thuế nhập khẩu còn có thuế tiêu thụ đặc biệt và các loại phí. Nếu giảm thuế nhập khẩu nhưng lại tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và các loại phí thì giá ô tô cũng sẽ không giảm như mong đợi. Đây là bài toán cân đối giữa hạ tầng và số lượng phương tiện rồi, không còn là bài toán bảo hộ nữa. Bên cạnh đó, cơ cấu chủ thể tham gia sản xuất và nhập khẩu ô tô cũng sẽ có tác động lớn tới giá ô tô.
Lo mất dần thị trường
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, Với các Hiệp định CPTPP và EVFTA sắp có hiệu lực, nếu như không cẩn trọng và có bước đi thích hợp, doanh nghiệp Việt sẽ phải nhường thị phần cho các doanh nghiệp FDI vốn có lợi thế hơn về vốn, kinh nghiệm, công nghệ, nhân lực chất lượng cao. Theo đó, nhiều doanh nghiệp FDI sẽ thiết lập chuỗi sản xuất từ sợi - vải - may mặc tại Việt Nam, vừa để tận dụng các lợi thế miễn giảm thuế từ các FTA, vừa để tránh ảnh hưởng, giảm ảnh hưởng nếu có rủi ro kịch bản căng thẳng thương mại với Mỹ trong tương lai. Nếu như vậy thì kịch bản tăng trưởng của toàn ngành vẫn sẽ tốt, chỉ có tăng trưởng khu vực doanh nghiệp nội là đáng quan ngại.
Theo ông Hiếu, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần đưa ra các giải pháp cụ thể với từng kịch bản thị trường, doanh nghiệp dệt may làm việc chặt chẽ với khách hàng cũng như doanh nghiệp sợi vải, liên kết chuỗi để cùng vượt qua khó khăn thách thức mà biến động thị trường gây ra. Ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng cho hay, các cam kết FTA mang lại cơ hội nhưng sức nóng từ cạnh tranh trong hội nhập thì các DN là những nơi hiểu rõ hơn cả.
Ông Bình cho biết, từ năm 2016, dù liên tục cải tiến các mô hình hoạt động, tăng cường đầu tư, phát triển thị trường nhưng lợi nhuận của công ty liên tục giảm dần. Theo đó, từ khi hội nhập kinh tế quốc tế mới thấy sức cạnh tranh của DN trong nước rất yếu. Như Trung Quốc, khi biết có những FTA của các nước đã được ký kết và có hiệu lực từ 2018 thì năm 2017 họ đã sang Thái Lan làm những nhà máy quy mô với sản lượng cao gấp đôi so với cao su Đà Nẵng. Đến giờ, sản lượng của họ đã cao hơn và bán thoải mái vào Việt Nam do được hưởng lợi từ các hiệp định thuế quan ASEAN. Họ cũng làm các chiến dịch quảng bá rất rầm rộ. Việc này dẫn đến tình trạng có gian lận thương mại khi DN mua hàng của Trung Quốc sản xuất tại Thái Lan giá rẻ hơn và nhập về với thuế ưu đãi khiến DN trong nước không cạnh tranh được.
“Trong 3 năm tới sẽ có 3 nhà máy của Trung Quốc được đầu tư tại Việt Nam và Thái Lan, đây là thách thức với các DN trong nước. Công ty phải mò mẫm bán vào những thị trường xa xôi của Nga. Lợi nhuận là bài toán mấu chốt mà Cty hết sức khó khăn trong khi nhìn thấy rõ sức cạnh tranh không so sánh được với người khổng lồ Trung Quốc”, ông Bình nói.
Việt Nam hưởng lợi gì?
Các ngành dự kiến có mức tăng trưởng lớn là thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, dệt may, một số phân ngành sản xuất và dịch vụ. Trong đó, mức tăng trưởng lớn nhất là ở các ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, dệt may, hóa chất, sản phẩm nhựa và đồ da, trang thiết bị vận tải, máy móc và các trang thiết bị khác. Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với các ngành công nghiệp nhẹ và thâm dụng lao động khác, CPTPP có thể tạo ra mức tăng trưởng bình quân 4% - 5% và mức tăng xuất khẩu có thể đạt 8,7% - 9,6%.
Tham gia CPTPP sẽ tạo ra các cơ hội giúp nâng cao tốc độ tăng trưởng. Vì vậy, về mặt xã hội, hệ quả là sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xoá đói giảm nghèo. Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CPTPP có thể giúp tổng số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 20.000 - 26.000 lao động. Đối với lợi ích về xóa đói giảm nghèo, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030, CPTPP dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn nghèo 5,5 USD/ngày. Tất cả các nhóm thu nhập dự kiến sẽ được hưởng lợi.
Việt Nam vẫn chưa mở cửa cho rác thải công nghệ
Về việc rác thải công nghệ đang là một trong các vấn đề được quan tâm tại nhiều diễn đàn trên thế giới và được đặt ra với Việt Nam. Vụ Thương mại đa biên cho hay, cam kết về hàng tân trang là một trong các nội dung mới mà Việt Nam chưa từng cam kết trong các FTA đã ký kết. Tuy nhiên, khi đàm phán và thống nhất nội dung này, Việt Nam cũng đã bảo lưu được một khoảng không chính sách nhất định để Chính phủ có thể quản lý, kiểm soát mặt hàng này một cách chủ động và hiệu quả khi CPTPP có hiệu lực.
Trước hết, hàng hóa phải là hàng hóa thu được toàn bộ hoặc một phần từ các nguyên vật liệu được thu hồi, có tuổi thọ và chức năng giống hệt hoặc tương tự hàng mới và có chứng nhận bảo hành như hàng mới mới được coi là hàng tân trang. Khi đó hàng hóa mới được phép nhập khẩu vào thị trường CPTPP theo mức thuế suất như đối với hàng mới.
Hơn nữa, Việt Nam cam kết sẽ chỉ cho phép nhập khẩu loại hàng hóa này sau 3 năm kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực. Ngoài ra, Việt Nam cũng bảo lưu một danh mục loại trừ các mặt hàng được cho là hàng tân trang bao gồm xe máy, xe đạp và một số máy móc điện-điện tử gia dụng như quạt điện, máy điều hòa không khí, máy sấy, máy rửa bát, máy giặt, máy hút bụi... Các mặt hàng này không được phép nhập khẩu vào Việt Nam theo cam kết về hàng tân trang.
Tiền phong