Đừng nghĩ rằng "trẻ không hạnh phúc ở trường là bình thường"
Chuyên gia người Pháp cho rằng, trẻ hài lòng ở trường sẽ có kết quả học tập tốt hơn, nâng cao năng lực để đương đầu với những thách thức ngoài xã hội và ngược lại.
Muốn trường học trở thành một nơi hạnh phúc, giáo viên phải là người nắm vai trò chủ chốt. Để giúp đỡ các nhà quản lý giáo dục và thầy cô hỗ trợ học sinh tốt hơn, chiều 8/10, Viện Tâm lý và Tâm thần học Việt – Pháp tổ chức tọa đàm "Trường học hạnh phúc" với sự tham gia của bà Agnès Florin. Bà là giáo sư danh dự về Tâm lý học trẻ em và Giáo dục, Đại học Nantes (Cộng hòa Pháp). Ngoài ra, tọa đàm còn có các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam là Bác sĩ - Phó giáo sư - Tiến sĩ Vũ Văn Bản, Phó tổng giám đốc Bệnh viện Việt Pháp và Tiến sĩ Tâm lý học trẻ em và Giáo dục Ngô Thanh Huệ.
Trong sự kiện, giáo sư Anges và đội ngũ chuyên gia cùng các nhà quản lý giáo dục và thầy cô đi tìm hiểu về nhu cầu và sự phát triển của trẻ nhỏ trên mọi phương diện, từ ăn ngủ, sức khỏe đến nhận thức, cảm xúc, kỹ năng xã hội. Giáo sư Agnes cũng phân tích một số hiện tượng thường gặp như sự nản chí trong học tập.
Theo đó, bà chỉ ra sáu nhóm yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số hạnh phúc ở trường của trẻ. Trong đó bao gồm: mối quan hệ bạn bè, các hoạt động học tập ở trường, lớp học, quan điểm về tiến trình đánh giá, mối quan hệ với giáo viên và cảm giác an toàn.
Chuyên gia Florin khẳng định trẻ dù ở độ tuổi nào cũng cần thời gian giải trí, nghỉ ngơi và không một đứa trẻ nào có thể tập trung tuyệt đối quá 50 phút trong buổi tọa đàm khoa học.
Một khảo sát đối với học sinh tiểu học và THCS đã chỉ ra rằng, đa số hài lòng với lớp học, mối quan hệ với bạn bè và cảm giác an toàn khi ở trường. Tuy nhiên, ở một vài khía cạnh, học sinh đánh giá tiêu cực, tức là ảnh hưởng đến chỉ số hạnh phúc của chúng.
Ví dụ, 60% học sinh được khảo sát thấy có quá nhiều bài tập ở nhà, trong đó học sinh THCS thấy vấn đề này nhức nhối hơn. 57% cho rằng phải học quá nhiều ở trường. 58% chưa hài lòng và muốn giáo viên giải thích kỹ hơn ở những vấn đề khó. Học sinh rất sợ bị điểm kém, sợ giáo viên trao đổi với bố mẹ và sợ sai khi làm bài tập.
Vì vậy, các bậc phụ huynh nên quan tâm hơn với "hạnh phúc" và "sự thoải mái" của trẻ trong môi trường nhà trường. "Trẻ gặp những vấn đề như thành tích học, khả năng tương tác, sức khỏe tinh thần và thể chất kém thường có những hành vi gây nguy cơ như lâm vào tình trạng nghiện ngập cái gì đó, dẫn tới bỏ học", bà Florin nói.
Bà Florin khẳng định trẻ dù ở độ tuổi nào cũng cần thời gian giải trí, nghỉ ngơi và không một đứa trẻ nào có thể tập trung tuyệt đối quá 50 phút. Vì vậy, cần điều chỉnh bằng cách giảm thời lượng tiết học, có thời gian nghỉ giữa hai tiết hoặc có chương trình, hoạt động giúp học sinh giải trí xen kẽ các giờ học.
"Theo nghiên cứu của PISA, giờ học ở trường không liên quan quá nhiều đến kết quả học tập. Những nước có thành tích học tập tốt thì số giờ học lại ít. Vậy tại sao không cố gắng giảm bớt giờ học cho học sinh", bà Florin nói.