MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng quên dành tiền cho tuần mới, có hơn 500 triệu cổ phiếu chào sàn

Trong đó có 4 doanh nghiệp niêm yết trên HoSE.

Tuần mới từ 17/7 đến 21/7/2017 có đến 14 mã chứng khoán chào sàn trên cả 3 sàn giao dịch HoSE, HNX và UpCOM. Trong đó, đang chú ý là cuộc “chuyển nhà” của Chứng khoán Rồng Việt từ HNX sang HoSE.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) chuyển sàn từ HNX sang HoSE

Toàn bộ 70 triệu cổ phiếu VDS của Chứng khoán Rồng Việt chính thức giao dịch trên HoSE từ 19/7/2017 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 11.700 đồng/cổ phiếu.

Trước thông tin chuyển sàn giao dịch, cổ phiếu VDS đã vụt tăng từ vùng giá 8.000 đồng (cuối tháng 3/2017) lên 13.300 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, trong 5 phiên giao dịch cuối cùng trên HNX cổ phiếu này đã tăng mạnh từ 11.000 đồng lên 13.300 đồng.

Giá chào sàn trên HoSE 11.700 đồng/cổ phiếu thấp hơn giá đóng cửa phiên cuối cùng trên HNX đến 1.600 đồng/cổ phiếu là một điểm khiến nhà đầu tư quan tâm.

Kế hoạch chuyển sàn giao dịch của VDSC thực ra không mới. Từ ĐHCĐ năm 2016 đã được trình bày với cổ đông và được cổ đông thống nhất khi đủ điều kiện. Tuy nhiên năm 2016 chưa thực hiện được, phải đến thời điểm này Chứng khoán Rồng Việt mới chính thức chuyển sàn giao dịch. Trước đó, ban lãnh đạo của VDSC cũng đã thông tin, mục đích của VDS khi chuyển sàn là nhằm tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu của công ty, mở rộng các kênh huy động vốn trung và dài hạn.

Năm 2016 kế hoạch tăng vốn không thành, ĐHCĐ thường niên năm 2017 của Chứng khoán Rồng Việt cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 700 tỷ đồng lên 910 tỷ đồng, và định hướng đến 2020 tăng vốn lên 1.500 tỷ đồng.

Tổng công ty Việt Thắng

Tổng công ty Việt (TVT) Thắng sẽ đưa 21 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên HoSE với mã chứng khoán TVT. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 35.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hóa ngày lên sàn xấp xỉ 730 tỷ đồng.

Tổng công ty Việt Thắng là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), được xây dựng từ năm 1960 và đưa vào hoạt động từ 1962 do một số nhà tư bản trong và ngoài nước góp vốn.

Trong cơ cấu doanh thu năm 2016 của Vicotex, doanh thu từ mặt hàng vải mộc + thương phẩm chiếm tỷ trọng 41,87% tổng doanh thu. Doanh thu từ mặt hàng may mặc đạt 714 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 28,32% tổng doanh thu, còn mặt hàng vải sợi mang lại hơn 225 tỷ đồng doanh thu.

Tổng doanh thu năm 2016 đạt 2.491 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ thị trường trong nước đạt 1.578 tỷ đồng, chiếm 63,35% tổng doanh thu, còn lại là doanh thu từ xuất khẩu. Lợi nhuận sau thuế năm 2016 đạt gần 118,8 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với gần 61,7 tỷ đồng đạt được năm 2015.

150 triệu cổ phiếu của Biwase chào sàn HoSE

Sàn HoSE tuần tới còn đón nhận thêm 150 triệu cổ phiếu BWE của CTCP Nước – Môi trường Bình Dương (Biwase). Biwase sẽ giao dịch trên HoSE với mã chứng khoán BWE, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 14.300 đồng/cổ phiếu tương đương vốn hóa ngày lên sàn xấp xỉ 2.150 tỷ đồng.

Biwase tiến hành IPO hồi tháng 8/2016 và đã thu hút được sự quan tâm của 269 nhà đầu tư cá nhân trong nước, 9 tổ chức trong nước và 5 tổ chức nước ngoài tham gia với lượng đặt mua gần 62 triệu cổ phần, gấp 3 lần lượng chào bán.

Báo cáo thường niên năm 2016 của Biwase cho biết, Công ty đang quản lý và khai thác tổng cộng 3.301 km đường ống cấp nước loại D60-D1400. Trong năm 2016, Biwase sản xuất tổng cộng 106,8 triệu m3 nước, sản lượng tiêu thụ đạt 98,06 m3. Năm 2016, Biwase đạt doanh số 1.370 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, đạt 241 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 41% so với năm 2015.

Về cơ cấu cổ đông, hiện Becamex IDC đang sở hữu 76,5 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 51%, TDM sở hữu 52,5 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 35,00%. Khoảng 823 cổ đông cá nhân còn lại chỉ sở hữu vỏn vẹn 8,35 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 5,57% vốn.

Gạch Khang Minh (GKM)

Gạch Khang Minh sẽ đưa 4,5 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên HNX từ 17/7 tới đây với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 11.000 đồng/cổ phiếu. Mã chứng khoán GKM.

Gạch Khang Minh là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chính là gạch không nung cung cấp tại thị trường miền Bắc. Công ty thành lập năm 2010 nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường theo chủ trương phát triển VLXD không nung thay thế gạch đất sét nung của Chính phủ.

Với vốn điều lệ ban đầu 21 tỷ đồng, đến nay công ty đã tăng vốn lên thành 45 tỷ đồng từ tháng 5/2015. Từ đó đến nay công ty cũng chưa tiến hành tăng thêm vốn. Tính đến 22/7/2016, ông Đặng Việt Lê, Chủ tịch HĐQT, đang sở hữu 33,33% vốn điều lệ công ty. Đây cũng là cổ đông lớn duy nhất của Gạch Khang Minh. Số cổ phần còn lại thuộc sở hữu của 117 cá nhân khác.

Hiện công ty đang có nhà máy sản xuất rộng 40.000m2 tại cụm công nghiệp mở rộng Tây Nam, Kim Bảng, Hà Nam với 6 dây chuyền sản xuất đạt công suất 195 triệu viên/năm.

Sản lượng tiêu thụ tăng mạnh, từ năm 2012 đạt 30,82 triệu viên thì đến năm 2016 đạt 125,17 triệu viên. Tổng doanh thu cũng tăng trưởng đều từ 25,48 tỷ đồng năm 2012 lên 125,23 tỷ đồng năm 2016. Tuy vậy, năm 2016 công ty lãi sau thuế 3,14 tỷ đồng, giảm mạnh 76% so với hơn 13,11 tỷ đồng đạt được năm 2015. Nguyên nhân doanh thu tăng, lợi nhuận giảm do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, giá bán thành phẩm giảm, chi phí phát sinh cao.

Thủy điện Định Bình

Thủy điện Định Bình có vốn điều lệ 82,3 tỷ đồng tương ứng 8,32 triệu cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UpCOM với mã chứng khoán TDB. Giá chào sàn của cổ phiếu TDB là 32.000 đồng/cổ phiếu – tương ứng mức định giá ngày lên sàn trên 260 tỷ đồng.

Thủy điện Bình Định thành lập năm 2004 với 4 thành viên sáng lập là CTCP Điện lực 3, CTCP Xây dựng 47, Công ty TNHH Đại Hoàng Hà và CTCP Đầu tư Thương Mại và Dịch vụ Á Châu. Lần gần đây nhất công ty tiến hành tăng vốn điều lệ vào tháng 12/2012.

Hiện tại 3 cổ đông lớn của Công ty là Tổng công ty Điện lực Miền Trung, CTCP Xây dựng 47 và Công ty TNHH Đại Hoàng Hà sở hữu tổng cộng 55,61% vốn điều lệ. Doanh thu của công ty đến từ nguồn thu bán điện thương phẩm. Doanh thu 2 năm 2015m 2016 gần đây đều xấp xỉ 55 đến 60 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế khoảng 29 đến 31 tỷ đồng.

Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam

Riêng trong ngày 17/7, có đến 7 mã chứng khoán mới lên đăng ký giao dịch trên sàn UpCOM với tổng lượng chứng khoán đăng ký đạt hơn 155 triệu cổ phiếu. Trong số đó có Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Điện Việt Nam – CTCP (VGV), CTCP cấp nước Vĩnh Long (VLW), CTCP Điện Cơ (EME), CTCP Cấp nước Đà Nẵng (DNN), CTCP Vận tải Transimex (TOT) và CTCP Container Miền Trung (VSM).

VNCC tiền thân là Cục thiết kế dân sự thuộc Nha kiến trúc, thành lập tháng 4/1955. Hoan 35,77 triệu cổ phiếu VGV của công ty sẽ chào sàn với giá tham chiếu 12.000 đồng/cổ phiếu. Hiện Bộ Xây dựng đang là công ty mẹ - cổ đông lớn - nhất nắm giữ 87,32% vốn điều lệ công ty.

Container Miền Trung

Container MIền Trung sẽ đưa hơn 3 triệu cổ phiếu VSM lên chào sàn với giá tham chiếu 15.100 đồng/cổ phiếu.

Viconship tiền thân là Công ty TNHH Container Miền Trung, được thành lập tháng 6/2002, chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 11/2015 với vốn điều lệ ban đầu 30,5 tỷ đồng. Từ đó đến nay công ty chưa tiến hành tăng vốn điều lệ.

Hiện CTCP Container Việt Nam (Viconship - VSC) là cổ đông lớn duy nhất nắm giữ 65% vốn điều lệ. Doanh thu và lợi nhuận các năm gần đây đều tăng trưởng khá mạnh từ 10-18%. Từ năm 2011 doanh thu thuần đạt 45,9 tỷ đồng thì đến 2016 doanh thu đạt hơn 120,1 tỷ đồng. Doanh thu công ty chủ yếu đến từ dịch vụ vận tải và dịch vụ kho bãi…

Tổng công ty Xây dựng số 1 và CTCP Đầu tư Xây dựng lắp máy Idico

Sang ngày 20/7, ngoài Nước – Môi trường Bình Dương đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HoSE thì còn CTCP Đầu tư Xây dựng lắp máy Idico (LMI) và Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM.

Lắp máy Idico đưa 5,5 triệu cổ phiếu lên chào sàn với giá tham chiếu 14.300 đồng/cổ phiếu còn Tổng công ty Xây dựng số 1 mang 110 triệu cổ phiếu lên đăng ký giao dịch trên UpCOM với giá tham chiếu 14.200 đồng/cổ phiếu. Trong số đó có gần 51 triệu cổ phiếu đang trong diện bị hạn chế giao dịch.

Tổng công ty Xây dựng số 1 đưa 14,1 triệu cổ phiếu ra đầu giá lần đầu (IPO) hồi giữa tháng 7/2016. Có đến 73 nhà đầu tư tham giá đấu giá với tổng lượng đặt mua lên đến gần 69 triệu cổ phiếu.

Hiện cơ cấu cổ đông của CC1 rất cô đọng. Riêng Bộ Xây dựng nắm giữ 40,53% vốn điều lệ công ty; 3 cổ đông chiến lược – CTCP Đầu tư Xây Dựng Tuấn Lộc, CTCP Cơ Điện Lạnh Nam Thịnh và CTCP TOP American Việt Nam sở hữu tộng cộng 45% vốn. Ngoài ra, một cá nhân là ông Lê Thành sở hữu 12,8% vốn. Do vậy, riêng 5 cổ đông lớn đã nắm giữ 98,33% vốn điều lệ CC1.

Trong cơ cấu doanh thu công ty năm 2015, 2016, doanh thu xây lắp vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, tiếp đó là doanh thu bán hàng hóa và doanh thu bán điện. Riêng giai đoạn sau cổ phần hóa tháng 11 và 12/2016, công ty không còn ghi nhận doanh thu bán điện.

Tổng doanh thu năm 2015 đạt hơn 5.500 tỷ đồng; còn năm 2016 được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ 1/1 đến 31/10 doanh thu đạt 5.550 tỷ đồng và giai đoạn 2 từ 1/11 đến 31/12/2016 doanh thu đạt hơn 1.033 tỷ đồng.

Phương Chi

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên