MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng quên tuần mới có hơn 580 triệu cổ phiếu mới lên sàn

Trong đó, nhà đầu tư hẳn đang mong đợi 555 triệu cổ phiếu TBP lên sàn.

Tuần mới từ 16/4 đến 20/4 sẽ có 4 doanh nghiệp với hơn 580 triệu cổ phiếu mới sẽ lên giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trong đó, có lẽ sự kiện Tienphong Bank lên sàn đang được các nhà đầu tư mong đợi nhất.

555 triệu cổ phiếu của Tiên Phong Bank sẽ lên sàn

Cùng với "sóng" của các cổ phiếu ngân hàng, Ngân hàng TMCP Tiên Phong sẽ đưa 555 triệu cổ phiếu lên niêm yết trên Sở GDCK Thành Phố Hồ Chí Minh với mã chứng khoán TPB. Ngày giao dịch đầu tiên 19/4/2018. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 32.000 đồng/cổ phiếu. Tại mức giá khởi điểm 32.000 đồng/cp, vốn hóa thị trường của TPBank ước đạt 17.760 tỷ đồng và trở thành ngân hàng có vốn hóa lớn thứ 8 trên ba sàn.

TienphongBank thành lập tháng 5/2008 với vốn điều lệ ban đầu 1.000 tỷ đồng. Đến nay vốn điều lệ lên đến hơn 5.842 tỷ đồng, tương ứng 584.210.500 cổ phần mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần.

Tính đến 21/3/2018 TienphongBank có 3 cổ đông lớn trong đó CTCP FPT nắm giữ 8,68%; CTCP Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI sở hữu 7,6% và Tổng CTCP Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (VNR) sở hữu 5,14%. Trong đó FPT và VNR chính 2 trong số 6 cổ đông sáng lập của TienphongBank. Ngoài ra, trong danh sách cổ đông sáng lập còn có tên ông Trương Gia Bình, sở hữu 1,1 triệu cổ phần.

Kết quả kinh doanh, năm 2017 TienphongBank đạt 1.206 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 70,5% so với năm 2016 và vượt 54,5% chỉ tiêu lợi nhuận được giao. Tổng cộng tài sản đến 31/12/2017 đạt 124.119 tỷ đồng.

năm 2018 TienphongBank đặt mục tiêu lãi trước thuê 2.200 tỷ đồng, tăng 82,42% so với năm 2017. Trong đó theo báo cáo, đến hết tháng 3/2018 TPB đạt hơn 513 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 2,4 lần so với cùng kỳ. Dự kiến đến cuối năm tổng cộng tài sản đạt 141.987 tỷ đồng, tăng trưởng 14,4% so với thời điểm đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Hanosimex chào sàn UpCOM với giá tham chiếu 15.800 đồng/cổ phiếu

Cũng trong ngày 19/4, toàn bộ 20,5 triệu cổ phiếu HSM của Tổng CTCP Dệt may Hà Nội (Hanosimex) sẽ lên giao dịch trên UpCOM với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 15.800 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, vốn hóa ngày lên sàn của Hanosimex rơi vào khoảng 324 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của Hanosimex năm 2017 khá lạc quan khi lợi nhuận sau thuế đạt 32,3 tỷ đồng, tăng trưởng 17% so với năm 2016. Doanh thu cả năm đạt 2.360 tỷ đồng, trong đó riêng doanh thu ngành sợi đạt 1.647 tỷ đồng, đóng góp gần 69,8% tổng doanh thu.

Một điểm khá hấp dẫn của các Tổng công ty khi lên sàn là "soi" quỹ đất doanh nghiệp đang sở hữu. Theo báo cáo, Hanosimex đang trực tiếp quản lý 3 lô đất trong đó có lô đất 2.575m2 tại Lĩnh Nam, Hà Nội, và gần 200.000m2 đất khác tại Hà Nam và nghệ An.

Ngoài ra, gián tiếp, các công ty con của Hanosimex đang sở hữu gần 260.000m2 đất tại nhiều khu vực khác nhau tại nhiều tỉnh thành khác nhau.

Năm 2018 Hanosimex đặt mục tiêu đạt 2.550 tỷ đồng doanh thu, và phấn đấu sang năm 2019 đạt 2.800 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lần lượt ước đạt 77 và 82 tỷ đồng trong các năm 2018 và 2019.

Dược phẩm Hà Nội sẽ giao dịch trên UpCOM từ 19/4 tới đây

Ngày 19/4 còn có thêm 6,29 triệu cổ phiếu DHN của CTCP Dược phẩm Hà Nội lên giao dịch trên sàn UpCOM với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 10.500 đồng/cổ phần.

Dược phẩm Hà Nội tiền thân chính là Xí nghiệp dược phẩm Hà Nội, thành lập tháng 2/1993. Đến tháng 11/2002 chuyển đổi mô hình hoạt động thành công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu 7,9 tỷ đồng.

Đến thời điểm 31/1/2018 Dược Hà Nội có 3 cổ đông lớn nắm giữ 54,87% vốn điều lệ, trong đó riêng CTCP Kinh doanh và Đầu tư Việt Hà sở hữu 40% vốn, còn lại 2 cá nhân là bà Nguyễn Thị Nhung sở hữu 5% và bà Dương Thúy Hằng sở hữu 9,87% vốn.

Vật liệu xây dựng và Chất đốt Đồng Nai chào sàn ở mức giá 34.200 đồng/cổ phiếu

Ngay thứ 2 đầu tuần, có 2.079.800 cổ phiếu BMF của CTCP Vật liệu xây dựng và chất đốt Đồng Nai sẽ lên giao dịch trên UpCOM với giá tham chiều trong ngày giao dịch đầu tiên 34.200 đồng/cổ phiếu.

Tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, sau đó được chuyển sang công ty cổ phần trong đó nhà nước sở hữu 51% vốn, cơ quan quản lý trực tiếp là Tổng công ty Công nghiệp Thực phẩm Đồng Nai, hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con.

Năm 2005 công ty tiến hành cổ phần hóa, Nhà nước chuyển phần sở hữu sang cho Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Bữu Long (sở hữu 51,005% vốn cổ phần). Lần gần đây nhất, tháng 8/2015 công ty tăng vốn điều lệ lên thành 20.798.000.000 đồng như hiện nay.

Đừng quên tuần mới có hơn 580 triệu cổ phiếu mới lên sàn - Ảnh 1.

Tính đến 2/3/2018 thì Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Bửu Long vẫn là công ty mẹ sở hữu 51% vốn. Ngoài ra 2 cổ đông lớn còn lại là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam sở hữu 21,32% vốn điều lệ và Tổng công ty thương mại kỹ thuật và đầu tư Petec sở hữu 5% vốn. 

Thạch Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên