MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng quên tuần mới có tiếp gần 180 triệu cổ phiếu mới lên sàn

Trong đó có 40 triệu cổ phiếu FRT của CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) và gần 118 triệu cổ phiếu của Vinafood II.

Tuần mới từ 23/4 đến 27/4/2018 có 5 doanh nghiệp đưa tổng cộng gần 180 triệu cổ phiếu mới lên sàn. Trong số đó có rất nhiều doanh nghiệp đang được các nhà đầu tư chờ đợi như FPT Retail, như May Nhà Bè hay Vinafood II…

FPT Retail chào sàn với giá tham chiếu 125.000 đồng/cổ phiếu

Có lẽ doanh nghiệp được chờ đợi nhất trong tuần tới là CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) với mã chứng khoán FRT. FPT Retail sẽ đưa 40 triệu cổ phiếu lên niêm yết trên HoSE và chính thức giao dịch phiên đầu tiên vào 26/4 tới đây với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 125.000 đồng/cổ phiếu.

Ở mức giá này vốn hóa ngày lên sàn của FPT Retail rơi vào khoảng 5.000 tỷ đồng.

FPT Retail được thành lập từ tháng 3/2012 dưới hình thức là một công ty con của CTCP FPT, hiện đang sở hữu 2 chuối bán lẻ là FPT Shop và chuỗi cửa hàng F.Studio.

Để chuẩn bị cho FPT Retail lên sàn, FPT đã thoái dần vốn và hiện còn nắm giữ 47% vốn điều lệ của FPT Retail, 2 cổ đông lớn còn lại là quỹ ngoại VOF Investment Limited (8%) và Hanoi Investments Holdings Limited (5%).

Doanh thu thuần năm 2017 đạt trên 13.146 tỷ đồng, tăng trưởng 21,1% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 290 tỷ đồng, tăng trưởng 39,7% so với năm 2016. Dù vậy FPT Retail cũng dự kiến không chia cổ tức cho năm 2017.

Kế hoạch SXKD năm 2018: Fptretail kế hoạch doanh số 16.020 tỷ, lợi nhuận trước thuế 471 tỷ, lợi nhuận sau thuế: 377 tỷ. Phấn đấu chia cổ tức tỷ lệ tối thiểu 20%.  

Ngành dệt may đua nhau lên sàn

Trong giai đoạn "sóng" dệt may đang lên, hàng loạt doanh nghiệp dệt may đã thi nhau đưa cổ phiếu lên sàn. Tuần vừa qua, Tổng CTCP Dệt may Hà Nội (Hanosimex) đưa 20,5 triệu cổ phiếu HSM lên giao dịch trên UpCOM, thì tuần mới này có đến 2 doanh nghiệp ngành dệt cũng lên sàn.

Đầu tiên cần nhắc đên Tổng công ty May Nhà Bè – đơn vị do Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nắm giữ 27,69% vốn điều lệ cũng sẽ đưa 18,2 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM với mã chứng khoán MNB. Ngày giao dịch đầu tiên 24/4/2018.

Giá tham chiếu ngày chào sàn 22.000 đồng/cổ phiếu – tương ứng vốn hóa ngày lên sàn của May Nhà Bè rơi vào khoảng 400 tỷ đồng.

Ngoài cổ đông lớn Vinatex, May Nhà Bè còn có 2 cổ đông lớn khác là CTCP 4M và một cá nhân – ông Nguyễn Văn Tốn – người không có tên trong danh sách ban lãnh đạo công ty.

Hoạt động kinh doanh, May Nhà bè tiền thân là 2 xưởng may Ledgien và Jean Symi, đến nay May Nhà Bè đang hoạt động dưới hình thức Tổng công ty với 12 công ty con và 9 công ty liên kết.

Doanh thu thuần năm 2017 đạt 4.217 tỷ đồng, xấp xỉ bằng cùng kỳ năm 2016, tuy nhiên nhờ tiết giảm chi phí giá vốn nên lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 58,3 tỷ đồng, tăng 5,8 tỷ đồng so với cùng kỳ. Hiện, xuất khẩu đang chiếm đến 90% tổng doanh thu May Nhà Bè.

Năm 2018, May Nhà Bè đặt mục tiêu đạt 4.500 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, tăng 6,7%; lợi nhuận sau thuế ước đạt 58,5 tỷ đồng, xấp xỉ bằng lợi nhuận đạt được năm 2017.

Một doanh nghiệp ngành may khác cũng lên giao dịch trên UpCOM tuần này là Viện Dệt May. Phiên IPO đưa 2,26 triệu cổ phần bán đấu giá công khai ra công chúng đã diễn ra hôm 12/3 vừa qua, có 21 nhà đầu tư đăng ký mua với lượng đặt mua gấp 6 lần lượng chào bán.

Tuy nhiên, kết quả chỉ 1.871.000 cổ phần được mua do một số nhà đầu tư trúng giá đã bỏ cọc. Trong đợt IPO lần này Viện Dệt May thu về đến 854 triệu đồng do vi phạm quy chế đấu giá và bỏ cọc đặt mua. Trong công cuộc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, theo thông báo cũng chỉ có 1 nhà đầu tư quan tâm là Tập đoàn Dệt may Việt Nam.

"Soi" tài sản của Viện Dệt may, hiện đơn vị đang quản lý nhiều khu "đất vàng" ở cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó có lô đất rộng 2.850m2 tại số 478 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; lô đất gần 2.220m2 tại số 354/128A Trần Hưng Đạo, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh và lô đất rộng 5.311m2 tại ngõ 454/24 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Viện dệt May sẽ chào sàn UpCOM vào 26/4 tới đây với mã chứng khoán VDM. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 20.600 đồng/cổ phiếu.

Gần 115 triệu cổ phần Vinafood II cũng chào sàn tuần này

Một trong những doanh nghiệp cũng được nhà đầu tư chờ đợi lên sàn trong tuần này là Công ty TNHH MTV Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II – VNF2) với mã chứng khoán VSF. Vinafood II sẽ đưa 114.831.000 cổ phần lên giao dịch trên UpCOM. Ngày giao dịch đầu tiên 23/4/2018 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 10.100 đồng/cổ phiếu.

Phiên IPO đưa gần 115 triệu cổ phần Vinafood II ra đấu giá công khai ra công chúng thu hút 41 nhà đầu tư tham gia. Kết quả, 31 nhà đầu tư trúng giá với toàn bộ số cổ phần được bán hết. Theo phương án, sau cổ phần hóa Vinafood II có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, trong đó Nhà nước sẽ nắm giữ 51% vốn; Bán đấu giá công khai 22,97% vốn; chào bán cho nhà đầu tư chiến lược 25% vốn; còn lại bán cho người lao động và công đoàn.

Theo thông tin trước đó, Tập đoàn T&T là doanh nghiệp duy nhất nộp đầy đủ hồ sơ đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vinafood II. Mức giá bán cho nhà đầu tư chiến lược không thấp hơn giá chào bán công khai. Như vậy ước tính T&T phải chi hơn 1.260 tỷ đồng để trở thành cổ đông chiến lược của doanh nghiệp nông sản này.

Theo báo cáo, doanh thu hợp nhất công ty mẹ - con năm 2017 đạt 17.546 tỷ đồng, tăng trưởng 4% so với cùng kỳ, và bất ngờ ghi nhận lỗ khoảng 195 tỷ đồng, trong khi năm 2016 lãi 134 tỷ đồng.

Địa chính Hà Nội lên sàn

Ngày 23/4 tới đây 2,88 triệu cổ phần của CTCP Địa chính Hà Nội sẽ lên giao dịch trên UpCOM với mã chứng khoán DCH. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 11.500 đồng/cổ phiếu. Trong số này có 356.000 cổ phiếu đang thuộc diện bị hạn chế chuyển nhượng.

Địa chính Hà Nội tiền thân là Xí nghiệp đo đạc bản đồ được thành lập năm 1986 thuộc Sở quản lý ruộng đất Hà Nội và chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 11/2015 với vốn điều lệ ban đầu 28,8 tỷ đồng. Từ đó đến nay công ty chưa tiến hành tăng vốn.

Về cơ cấu cổ đông tính đến 31/10/2017 UBND Thành phố Hà Nội vẫn là đơn vị chủ quản sở hữu 54,2% vốn điều lệ. Ngoài ra Công ty TNHH Thành Lê Minh nắm giữ 25,49% vốn và bà Bùi Thị Minh Diệu sở hữu 10% vốn – bà Diệu là Ủy viên HĐQT không điều hành của công ty.

Về hoạt động kinh doanh, doanh thu năm 2017 đạt 37,4 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế đạt gần 3 tỷ đồng. Về tài sản, hiện công ty đang quản lý 2 lô đất, bao gồm lô đất số 9B đường Nguyên Hồng, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội rộng 264m2 – là trụ sở làm việc hiện tại. Và lô đất tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội rộng 1.998m2 cũng là noi làm trụ sở làm việc kết hợp văn phòng cho thuê.  

Thạch Lâm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên