Đúng, sai chuyện lắp camera nhà cán bộ ở Sóc Trăng
Theo Luật Cảnh vệ, nhà riêng và bản thân cán bộ Ban Thường vụ Tỉnh ủy không phải là mục tiêu bảo vệ. Vậy việc dùng tiền ngân sách để lắp camera an ninh ở nhà họ có đúng quy định?
- 29-09-2019Lý do gắn camera an ninh ở nhà riêng cán bộ Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng
- 27-09-2019Sóc Trăng lắp camera nhà riêng Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Mấy hôm nay, người dân râm ran chuyện Sóc Trăng cho lắp 16 camera an ninh ở nhà riêng của 16 cán bộ Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy tỉnh này với số tiền gần 982 triệu đồng . Dư luận hiện có những phản ứng trái chiều trước sự việc trên. Và hai câu hỏi lớn nhất mà người dân thắc mắc là: Thứ nhất, việc lấy tiền ngân sách để chi cho việc lắp đặt camera như vậy có đúng luật không? Thứ hai, có nhất thiết phải lắp camera với số tiền lớn như vậy ở một tỉnh không giàu?
Chưa có tiền lệ
Theo ThS Lưu Minh Sang, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, việc quản lý và sử dụng ngân sách đối với các cơ quan của cấp tỉnh ủy sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật Ngân sách nhà nước và Thông tư 1539/2017 của Bộ Tài chính quy định về quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước đối với các cơ quan của Đảng. Quyết định của Tỉnh ủy Sóc Trăng cũng căn cứ vào Thông tư 1539/2017 của Bộ Tài chính này.
Điều 10 của Thông tư 1539 (được lan truyền trên mạng này) quy định các khoản chi phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như: (1) Khoản chi đã có trong dự toán chi ngân sách đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; (2) Đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành; (3) Đã được thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách hoặc người được ủy quyền quyết định bằng văn bản; (4) Đối với những khoản chi về dự án mua sắm, lắp đặt, cần phải tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật đấu thầu.
“Chính vì vậy, nếu khoản chi cho việc lắp đặt camera an ninh tại nhà riêng của các cán bộ Tỉnh ủy Sóc Trăng không đáp ứng được một trong các điều kiện nêu trên thì đây là khoản chi sai.
Hơn nữa, việc chi đầu tư gắn camera tại nhà riêng của cán bộ BTV Tỉnh ủy được lấy ngân sách nhà nước từ cơ quan Đảng là việc dường như chưa có tiền lệ. Hiện cũng chưa thấy có quy định cụ thể nào đối với những khoản chi như thế này” - ThS Lưu Minh Sang nhận định.
Theo ThS Đinh Thị Cẩm Hà (khoa Kinh doanh quản lý và Luật, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng), việc cho phép hay yêu cầu gắn camera tại nhà các chức danh bên cơ quan Đảng thì hiện không có văn bản pháp luật nào quy định. Tuy vậy, cũng không có văn bản nào có quy định cấm cụ thể điều này.
Theo Quyết định số 1542 của Tỉnh ủy Sóc Trăng, chi phí cho việc gắn camera tại nhà 16 ủy viên BTV Tỉnh ủy Sóc Trăng lấy từ nguồn dự phòng ngân sách Đảng. điều 2 quyết định này có nội dung yêu cầu các đơn vị tổ chức thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước. “Như vậy, có thể xác định chi phí cho việc gắn camera tại nhà 16 ủy viên BTV Tỉnh ủy Sóc Trăng là từ ngân sách nhà nước. Tỉnh ủy giao dự toán kinh phí cho Văn phòng Tỉnh ủy là phù hợp với quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Thông tư 1539/2017 của Bộ Tài chính về đơn vị dự toán trong cơ quan Đảng” - ThS Cẩm Hà nhận định.
Không phải là mục tiêu cần bảo vệ
Luật sư Nguyễn Văn Dũ, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết: Theo Danh mục các mục tiêu quan trọng ban hành kèm theo Nghị định số 37/2009 (quy định các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội do lực lượng cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan) thì mục tiêu bảo vệ là trụ sở của những tổ chức quan trọng chứ không phải là nhà riêng của cán bộ. Cụ thể, trụ sở Tỉnh ủy Sóc Trăng mới là mục tiêu được bảo vệ an ninh chứ không phải là nhà riêng của cán bộ BTV Tỉnh ủy tỉnh này.
Những mục tiêu trong danh mục nêu trên được lực lượng cảnh sát nhân dân thực hiện vũ trang bảo vệ theo quy định tại Thông tư số 01/2011 của Bộ Công an (quy định về hoạt động vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu của lực lượng cảnh sát bảo vệ). Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 và Điều 10 Luật Cảnh vệ năm 2017 thì ở cấp tỉnh không có cán bộ nào thuộc đối tượng cảnh vệ. Cán bộ thuộc đối tượng cảnh vệ theo Luật Cảnh vệ mới được bảo vệ tại nơi làm việc, trên đường đi công tác và tại nhà riêng.
“Do đó, nhà riêng và bản thân cán bộ thuộc BTV Tỉnh ủy không phải là mục tiêu bảo vệ hay mục tiêu cảnh vệ của lực lượng công an. Những người này sẽ được bảo vệ khi làm việc tại trụ sở cùng với việc bảo vệ trụ sở theo Nghị định số 37/2009 và Thông tư 01/2011. Khi họ rời trụ sở, trên đường đi công tác hoặc ở nhà riêng thì không có chính sách được bảo vệ hoặc được cảnh vệ” - luật sư Dũ nhận định.
Việc làm của tỉnh Sóc Trăng có thể làm cho người dân có suy nghĩ: Cán bộ có đặc quyền an ninh; đánh giá của Tỉnh ủy về an ninh, trật tự địa phương là bi quan hoặc không tin tưởng vào sự che chở của người dân; gây khoảng cách giữa cán bộ và quần chúng; người dân có thể không tin tưởng vào an ninh, trật tự của tỉnh nhà. PGS-TS ĐỖ MINH KHÔI, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM Việc lắp camera cho các cán bộ Tỉnh ủy Sóc Trăng được lấy từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước có đúng luật hay không phải chờ kết luận chính thức từ cơ quan có thẩm quyền. Nhưng ở đây, cần xem xét dưới hai khía cạnh. Thứ nhất, các tỉnh khác có làm như Sóc Trăng hay không và đây có phải là chủ trương chung được phê duyệt đối với cán bộ cấp tỉnh ủy. Thứ hai, việc chi tới gần 1 tỉ đồng để lắp 16 camera an ninh có phù hợp với một tỉnh không quá giàu có như Sóc Trăng? TS ĐOÀN THỊ PHƯƠNG DIỆP, Trưởng Phòng thanh tra pháp chế, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM Việc lắp camera trước nhà các vị BTV Tỉnh ủy để bảo vệ an ninh và cũng là hình thức để chống tham nhũng. Đó cũng là ý tưởng hay. Thế nhưng nguồn chi liệu có đúng với quy định hay không, mức độ cần thiết của việc này ra sao? Đó là chưa nói khi các vị này hết nhiệm kỳ hoặc nghỉ hưu thì sẽ gỡ các camera này đi lắp ở nhà cán bộ Thường vụ mới hay vẫn cứ để đó và chi ngân sách để lắp camera mới? Ông P., cán bộ về hưu ở TP Cần Thơ |
Có vi phạm quyền riêng tư?
Theo ThS Cẩm Hà, Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định mọi người được quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư. Khu vực nhà riêng là khu vực diễn ra các hoạt động riêng tư, nên việc gắn camera tại nhà 16 ủy viên BTV chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sự riêng tư trong sinh hoạt gia đình của bản thân cá nhân các ủy viên và những người cùng sống trong gia đình họ.
"Tuy vậy, quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư là "quyền". Do vậy, nếu bản thân cá nhân các ủy viên và những người cùng sống trong gia đình họ chấp nhận việc gắn camera này và không cảm thấy bất tiện thì không thể gọi là vi phạm quyền" - ThS Cẩm Hà bình luận.
Bí thư không lắp camera tại nhà riêng
Trao đổi với báo chí, ông Huỳnh Văn Sum, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng, cho biết việc lắp camera nhằm bảo vệ các lãnh đạo trong BTV Tỉnh ủy về an ninh, trật tự. "BTV Tỉnh ủy Sóc Trăng có 16 người, tuy nhiên tỉnh chỉ tiến hành lắp camera an ninh cho 15 người vì đồng chí bí thư Tỉnh ủy không đồng ý lắp. Dự kiến tổng kinh phí lắp đặt khoảng 982 triệu đồng, từ nguồn dự phòng ngân sách Đảng. Việc này đã được triển khai mấy tháng qua, theo yêu cầu của cơ quan chức năng nhằm bảo vệ các đồng chí lãnh đạo. Nhà tôi cũng được lắp đặt camera an ninh" - ông Sum thông tin thêm.
Quyết định của Tỉnh ủy Sóc Trăng về việc lắp đặt camera an ninh tại nhà riêng của 16 cán bộ Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: CHÂU ANH
Đại tá Nguyễn Minh Ngọc, Phó Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng, cho biết đơn vị này đã nhiều lần đề xuất lắp camera an ninh tại nhà riêng của những cán bộ kể trên vì đây là mục tiêu bảo vệ của cơ quan công an và… để phòng, chống khủng bố.
Trước đó, ngày 23-4, Phó Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Huỳnh Văn Sum đã ký Quyết định số 1542 cấp kinh phí lắp đặt camera an ninh tại nhà riêng của 16 cán bộ BTV Tỉnh ủy tỉnh này. Cụ thể, quyết định trên giao dự toán kinh phí không tự chủ từ nguồn dự phòng ngân sách Đảng cho Văn phòng Tỉnh ủy thực hiện và được bảo mật với dự toán kinh phí gần 982 triệu đồng.
PhapLuat TPHCM