Đừng so sánh với những người nổi tiếng rồi cho rằng bản thân kém cỏi, hãy chấp nhận sự bình thường của chính mình, bình tĩnh mà theo đuổi ước mơ rồi bạn sẽ thành công thôi
Chấp nhận sự yếu kém của bản thân không phải là một việc làm dễ dàng, vì ai cũng muốn người khác nhìn mình với sự ngưỡng mộ. Tuy nhiên, bạn có thực sự vui vẻ với việc ảo tưởng đó? Có bao giờ bạn nghĩ rằng, hài lòng với khả năng thật sự của mình sẽ đem lại hạnh phúc không?
Xã hội theo đuổi sự “nổi tiếng”
Có một thực tế đáng ngạc nhiên là, người ta càng ngày càng không thích sự “bình thường”, thậm chí coi đó là một thất bại. Trong cuốn “Thiên đường đã mất” của John Milton, Satan đã có một câu nói vô cùng nổi tiếng, gần như trở thành tôn chỉ theo đuổi của những độc tài chính trị sau này, “Thà cai trị địa ngục còn hơn làm nô lệ ở thiên đường”. Trong thần thoại Hy Lạp, khi được chọn giữa cuộc sống ngắn ngủi nhưng vinh quang hoặc một cuộc đời dài nhưng trầm lặng, nhân vật Achilles cũng đã không ngần ngại chọn lựa chọn đầu tiên.
Chúng ta đang sống trong xã hội mà ai cũng muốn mình được nổi bật, được tỏa sáng giữa đám đông. Và để thực hiện được khát vọng đó, người ta không ngần ngại đánh đổi mọi thứ, thậm chí cả con cái, gia đình và những người thân yêu. Của cải, danh vọng, và đặc biệt là sự “nổi tiếng” chính là thứ mà con người hiện đại tìm kiếm.
Nguyên nhân của điều này, có lẽ phần lớn đến từ sự phát triển chóng mặt của các phương tiện truyền thông đại chúng. Chúng ta bị “dắt mũi” bởi những hào nhoáng xa hoa được thể hiện trên màn hình, say mê trước những cá nhân nổi tiếng – xinh đẹp và tài năng. Và bởi thế, người ta chợt thấy sự bình thường của bản thân thật bất thường. Khi các tham vọng vô lý, phi thực tế ngày càng tăng lên thì đồng thời ý thức về sự thấp kém của bản thân cũng trỗi dậy.
Tuy nhiên, tất cả chỉ là tương đối mà thôi
Thứ nhất, mỗi người chỉ tỏa sáng ở một hoặc một vài lĩnh vực nhất định mà thôi (không ai là hoàn hảo). Bạn hâm mộ một ngôi sao thể thao bởi những thành tích của anh ta trên sân đấu, nhưng ngoài đời thực chất lại là một người nhạt nhẽo, có phần khô khan vô vị. Những giáo sư và nhà văn, nhà thơ nổi tiếng cũng thế. Họ có thể sáng tác những áng văn hay nhưng sức khỏe thể chất thì thật đáng lo ngại.
Thứ hai, nên nhớ rằng, những quy chuẩn và sự ngưỡng mộ của xã hội thay đổi mỗi ngày, tùy vào mỗi tình huống trường hợp. Giỏi ở lĩnh vực này thì chưa chắc đã là chuyên gia ở lĩnh vực kia. Vì thế, bạn đừng nên “lý tưởng hóa”, “hoàn hảo hóa” tất cả những hình tượng mà mình đang hướng tới.
Nên đơn giản hóa mọi hình tượng
Nói một cách đơn giản, hãy loại bỏ những hào quang quanh một người, bạn sẽ thấy bản chất của chúng ta không khác gì nhau. David Beckham được ngưỡng mộ vì đá đi đá lại một trái bóng trên sân, hay Michael Jordan nổi tiếng với việc tung một trái bóng bầu dục vào một cái rổ? Nghe có vẻ buồn cười nhưng điều này dạy chúng ta rằng, điều thực sự quan trọng trong cuộc sống không phải là giỏi nhất, là tốt nhất, là được tung hô công nhận mà phải là sự tận tâm đến từ lòng nhiệt thành, sự tử tế và đam mê.
Giữa một người lính được vinh danh vì những chiến công của mình và một người bình thường đang vật lộn với cuộc sống, ai mới là người can đảm hơn ai? Trong khi người lính ra chiến trường nguy hiểm nhưng đã được đào tạo bài bản, được các đồng đội sát cánh thì một người cô đơn, thiếu thốn tình yêu thương nhưng vẫn phải đối diện với cuộc sống khắc nghiệt mỗi ngày cũng rất dũng cảm đó thôi. Bởi thế, bạn không nên quá sùng bái một hình tượng nào đó mà quên rằng, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau.
Cần biết điểm dừng cho những tham vọng
Nổi tiếng đồng nghĩa với việc mất đi tự do, mất đi sự riêng tư và đôi khi là mất đi những mối quan hệ chỉ vì sự ghen ghét, đố kỵ. Xinh đẹp đôi khi gắn liền với sự cô đơn và nỗi ám ảnh tuổi tác. Những vận động viên nổi tiếng luôn phải đối diện với những tai nạn nghề nghiệp và câu hỏi, 30 tuổi mình sẽ ở đâu, khi lứa vận động viên trẻ lên ngôi?...
Tất nhiên, bài viết không hạ thấp những người nổi tiếng hay những người đang đứng trên đỉnh vinh quang. Điều cuối cùng chúng tôi muốn bạn nhận ra, đó là, đôi khi chấp nhận sự “bình thường đến mức tầm thường” của bản thân không phải là từ bỏ những ước mơ của bạn. Thực tế là đa số chúng ta đều là những người bình thường mà thôi. Và vì thế, hãy cứ theo đuổi ước mơ một cách bình tĩnh, tỉnh táo, với một tinh thần lạc quan và tích cực.
Trí Thức Trẻ